Dưới đây là những bí quyết mời bạn đọc tham khảo.
Bụng ậm ạch - cảm giác thật khó chịu trong ngày Tết
Ðầy bụng khó tiêu là tình trạng bụng phình to, căng cứng, cảm giác óc ách như đầy nước, gây khó chịu ngay cả khi không ăn. Có nhiều nguyên nhân gây đầy bụng khó tiêu. Trong đó ngày Tết thường xảy ra tình trạng thiếu hụt và mất cân bằng dinh dưỡng, vì vấn đề dinh dưỡng, sinh hoạt thay đổi.
Ngày Tết mọi người thường ăn nhiều đồ công nghiệp như các loại thịt nguội, thực phẩm chế biến sẵn, đồ hộp... có hàm lượng muối quá cao, nhiều các chất phụ gia, chất bảo quản, hầu như không có chất xơ và vitamin.
Mâm cơm Tết có nhiều loại thịt dẫn đến nguy cơ thừa chất mỡ và đạm, thiếu hụt rau, các loại vitamin và chất xơ. Cộng với đó là việc sử dụng nhiều các loại bánh ngọt, mứt kẹo, nước giải khát, rượu bia... Tất cả điều này khiến nhiều người rơi vào tình trạng đầy bụng, chán ăn, khó tiêu...
Ngoài ra, ngày Tết nhiều người thường không ăn đúng bữa, đúng giờ, vừa ăn xong đã đi nằm ngay hay ngồi yên một chỗ khiến hệ tiêu hóa bị trì trệ làm ảnh hưởng đến chuyển hóa thức ăn. Thói quen hay gặp nữa là vừa ăn vừa xem phim, cười nói trong lúc ăn sẽ nuốt phải nhiều không khí, gây ra tình trạng trướng bụng, đặc biệt là ở trẻ em, làm cho tình trạng đầy hơi, khó tiêu khá phổ biến.
Dấu hiệu nhận biết đầy bụng, khó tiêu
Khó tiêu xuất hiện thường xuyên hoặc từng đợt một vài ngày, xảy ra sau khi ăn hoặc trong khi ăn, người bệnh cảm thấy nóng bỏng vùng thượng vị đặc biệt là sau khi uống rượu, dùng các thức ăn có nhiều chất béo, đường sữa hay các thức ăn nóng có chứa các gia vị kích thích như ớt, hạt tiêu. Có những trường hợp bệnh nhân thấy bụng quặn thành cơn.
Ðôi khi người bệnh còn xuất hiện ợ hơi, ợ chua, cảm giác buồn nôn, hoặc có thể nôn vào buổi sáng. Bụng tức nặng ở phía trên, cảm giác óc ách như chứa đầy nước, đầy hơi. Thở phì phò, đi lại nặng nề. Có thể bị tiêu chảy, táo bón kèm theo.
Nếu tình trạng này diễn ra thường xuyên và kéo dài làm cho cơ thể trở nên mệt mỏi, kiệt sức thì có thể là báo hiệu của một bệnh nguy hiểm cần điều trị sớm.
Giải pháp cần áp dụng
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị mỗi người trưởng thành cần ăn đủ tối thiểu 400g rau củ quả mỗi ngày để bổ sung đầy đủ vitamin, khoáng chất và dưỡng chất thực vật cho cơ thể, kết hợp với việc luyện tập thể lực hợp lý và một đời sống tinh thần lành mạnh, sẽ tạo nền tảng vững chắc để đạt đến sức khỏe tối ưu. Việc duy trì tập luyện thể lực ngày Tết khá quan trọng, vừa tiêu đốt năng lượng thừa vừa duy trì thói quen vận động của cơ thể, tránh sức ì, đồng thời cho ta cảm giác ngon miệng trong các bữa ăn.
Tạo thói quen ăn trái cây mỗi ngày, kể cả ngày Tết vì đây là nguồn vitamin chính, chứa nhiều chất xơ, là thực phẩm giúp cân đối khẩu phần thức ăn giàu đạm, béo trong những ngày Tết. Bữa ăn nên bổ sung thực phẩm hỗ trợ cũng như ổn định đường tiêu hóa như dưa hành, sữa chua, tỏi, gừng, nghệ...
Nên ăn uống đủ và đúng giờ, đúng bữa, cố gắng xây dựng 3 bữa ăn chính. Trong khẩu phần ăn nên bớt đi một chút, do ngày Tết thường ít vận động và không phải làm việc.
Việc uống gì trong ngày Tết cũng rất quan trọng, nên sử dụng nước trái cây, hoa quả. Nên sử dụng trái cây - nước ép trước các bữa ăn khoảng 30 phút. Không nên dùng nước trái cây vào buổi sáng mới ngủ dậy, lúc đói bụng. Nước ép thì vắt ra cần dùng ngay, để lâu sẽ bị tăng độ acid và phân huỷ các vitamin.
Hạn chế nước uống có gas vì chứa CO2 bão hòa, chất làm ngọt, chất tạo hương vị, chất bảo quản... gây giảm khả năng hấp thu canxi ở ruột, tạo cảm giác no giả tạo không muốn ăn. Ngoài ra, chúng còn làm giảm khả năng dung nạp các chất dinh dưỡng và gây rối loạn tiêu hóa. Ðặc biệt, nên hạn chế uống bia rượu trong ngày Tết.
Nên hạn chế xào, rán, quay, nướng và ưu tiên hấp, luộc, nấu canh, kho nhạt hoặc ăn sống kiểu salad, trộn... Có rất nhiều loại rau củ bị mất hầu hết vitamin và khoáng chất khi chúng ta xào nấu quá kỹ, thậm chí một số thực phẩm còn bị biển đổi chất khi chế biến ở nhiệt độ quá cao hoặc khi tiếp xúc trực tiếp với lửa hoặc bị cháy...