Các trường hợp nghỉ hưu trước tuổi vẫn hưởng nguyên lương hưu năm 2020

Hoàng Mai |

Thông thường, người lao động nghỉ hưu trước độ tuổi quy định thì sẽ bị trừ tỷ lệ lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi. Tuy nhiên, pháp luật quy định một số trường hợp người lao động nghỉ hưu trước tuổi mà vẫn hưởng đủ lương.


Các trường hợp hưởng nguyên lương năm 2020

Theo quy định tại khoản 2, Điều 56, luật Bảo hiểm xã hội 2014 hiện hành, , mức lương hưu hàng tháng của người lao động đủ điều kiện nghỉ hưu được tính bằng 45% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) và tương ứng với số năm đóng BHXH như sau:

- 18 năm đối với lao động nam

- 15 năm đối với lao động nữ

Sau đó cứ thêm mỗi năm, người lao động được tính thêm 2% cho đến mức tối đa bằng 75%.

Điều 54, luật Bảo hiểm xã hội 2014 nêu rõ, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH trở lên và đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ sẽ được hưởng lương hưu.

Trường hợp người lao động nghỉ hưu trước độ tuổi quy định thì sẽ bị trừ tỷ lệ lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Tuy nhiên, pháp luật quy định một số trường nhất định mà theo đó người lao động, trong đó có cán bộ, công chức, viên chức sẽ không bị trừ tỷ lệ lương hưu khi nghỉ hưu trước tuổi. Cụ thể là các trường hợp sau đây:

Thứ nhất, nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do bộ Lao động - Thương binh và Xã hội , bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Thứ 2, người lao động từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm công việc khai thác than trong hầm lò.

Thứ 3, người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp.

Thứ 4, cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nam, đủ 45 tuổi đến dưới 50 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên, trong đó có đủ mười lăm năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội và Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ mười lăm năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên.

Thứ 5, cán bộ, công chức, viên chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu đủ 55 tuổi đến dưới 60 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến dưới 55 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên.

Thời điểm được dùng làm căn cứ để tính đủ tuổi đời hưởng chế độ, chính sách nghỉ hưu trước tuổi là ngày 1 tháng sau liền kề với tháng sinh của đối tượng. Trường hợp trong hồ sơ của đối tượng không ghi rõ ngày, tháng sinh trong năm thì lấy ngày 1/1 của năm sinh của đối tượng.

Từ năm 2021, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động sẽ được siết chặt hơn

Điểm a, khoản 1, điều 219 Bộ luật Lao động 2019 đã sửa đổi điều 54 nêu trên của luật BHXH, theo đó, điều kiện hưởng lương hưu của người lao động từ năm 2021, khi Bộ luật này bắt đầu có hiệu lực (từ 1/1/2021), được siết chặt hơn: Có đủ 20 năm đóng BHXH; Nam đủ 60 tuổi 3 tháng; nữ đủ 55 tuổi 4 tháng (sau đó mỗi năm tăng thêm 3 tháng với nam; 4 tháng với nữ để đến năm 2028, nam nghỉ hưu khi đủ 62 tuổi và năm 2035, nữ nghỉ hưu khi đủ 60 tuổi).

Như vậy, theo quy định nêu trên, năm 2020 là cuối cùng áp dụng tuổi nghỉ hưu 60 với nam, 55 với nữ. Bắt đầu sang năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng.

Điều kiện về tuổi đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi năm 2021 cũng được tăng lên so với năm 2020.

Tương tự với trường hợp nêu trên, điều kiện để hưởng lương hưu với người lao động nghỉ hưu trước tuổi từ năm 2021 cũng được quy định mới theo Bộ Luật Lao động 2019.

Cụ thể, nếu như theo điều 55 của Luật BHXH hiện hành, năm 2020, người lao động có đủ 20 năm đóng BHXH và thuộc một trong các trường hợp sau thì được hưởng lương hưu (với mức thấp hơn): Nam đủ 55 tuổi, nữ đủ 50 tuổi bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Nam đủ 50 tuổi, nữ đủ 45 tuổi; bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Tuy nhiên, theo điểm b, khoản 1, điều 219 Bộ Luật Lao động 2019, năm 2021, người nghỉ hưu trước tuổi chỉ được hưởng lương hưu nếu: Có tuổi thấp hơn tối đa 5 tuổi so với tuổi nghỉ hưu: Tức là nam phải đủ 55 tuổi 3 tháng và nữ phải đủ 50 tuổi 4 tháng; bị suy giảm khả năng lao động từ 61% trở lên; Có tuổi thấp hơn 10 tuổi so với tuổi nghỉ hưu: Tức là nam phải đủ 50 tuổi 3 tháng và nữ phải đủ 45 tuổi 4 tháng; bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên.

Như vậy, điều kiện về tuổi đối với trường hợp nghỉ hưu trước tuổi năm 2021 cũng được tăng lên so với năm 2020. Dư luận có ý kiến cho rằng đây là một bất lợi đối với người nghỉ hưu trước tuổi vào năm 2021.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại