Các kịch bản chính trị sau khi Chính phủ Slovakia sụp đổ

Công Thuận |

Chính phủ Slovakia đã sụp đổ sau khi thất bại trong cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm tại quốc hội do phe đối lập kêu gọi trong bối cảnh nhiều tháng khủng hoảng chính trị, dẫn đến một sự không chắc chắn.

Các kịch bản chính trị sau khi Chính phủ Slovakia sụp đổ - Ảnh 1.

Thủ tướng Slovakia Eduard Heger (bên phải) và Tổng thống Slovakia Zuzana Caputova, sau khi Quốc hội bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với Chính phủ. Ảnh: AP

Chính phủ liên minh trung hữu của Slovakia dưới thời Thủ tướng Eduard Heger đã sụp đổ vào tối 15/12, chưa đầy ba năm sau nhiệm kỳ bốn năm, khi Quốc hội nước này bỏ phiếu bất tín nhiệm chính phủ với đa số 78 nghị sĩ trong tổng số 150 ghế, trong một diễn biến có thể dẫn đến một cuộc bầu cử sớm.

Đảng Tự do và Đoàn kết (SaS) từng nằm trong chính phủ liên minh trước đây đã khởi xướng cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm trên. Đảng này đã rời khỏi liên minh vào cuối mùa hè sau khi yêu cầu Bộ trưởng Tài chính Igor Matovič từ chức không thành công.

Các nhà bình luận và phân tích coi Bộ trưởng Matovič là nhân vật có ảnh hưởng nhất trong nội các của Thủ tướng Eduard Heger, cũng thuộc đảng OĽaNO do ông Matovič thành lập và làm Chủ tịch.

Ông Matovič trước đó đã đề nghị từ chức để đổi lấy việc SaS rút lại kiến ​​nghị, thậm chí còn đến văn phòng Tổng thống để nộp đơn từ chức, nhưng lại đổi ý vào phút cuối.

Lãnh đạo của SaS Richard Sulík cho biết sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm rằng ông coi đây là “một kết quả phù hợp” của chính phủ này.

Slovakia hiện phải đối mặt với ba kịch bản chính trị có thể xảy ra - bầu cử sớm, nội các tạm quyền do Tổng thống Zuzana Čaputová bổ nhiệm, hoặc một liên minh cầm quyền mới được tập hợp từ các đảng trong Quốc hội hiện tại. Ông Heger đã gặp Tổng thống Zuzana Caputov và Chủ tịch Quốc hội Boris Kollár ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm để thống nhất về hướng hành động.

Sự sụp đổ của chính phủ do Thủ tướng Heger lãnh đạo được cho là "liều thuốc đắng" đối với các thành phần dân chủ và thân phương Tây trong xã hội Slovakia.

Các nhà phân tích và bình luận cho rằng cuộc bầu cử mới có nhiều khả năng xảy ra vì đây là mong muốn của hầu hết các đảng. Do đó, một cuộc bầu cử sớm vào mùa xuân hoặc mùa thu năm 2023 dường như là một kịch bản khả thi nhất. Nhưng các cuộc thăm dò hiện tại cho thấy một sự thay đổi lớn nếu điều này diễn ra.

Đảng OĽaNO trung hữu, một thành viên của Đảng Nhân dân Châu Âu, nguy cơ phải đối mặt với một kết quả thảm hại, giảm từ 25% trong cuộc bầu cử tháng 2/2020 xuống chỉ còn khoảng 7,5%. OĽaNO sẽ bị thay thế bởi đảng HLAS–SD trung tả của cựu Thủ tướng Peter Pellegrini, đảng này dự kiến sẽ giành được 20% trong cuộc bầu cử sắp tới. HLAS–SD là thành viên liên kết của Đảng Xã hội Chủ nghĩa châu Âu (PES).

Đảng SMER-SD của cựu Thủ tướng Robert Fico hiện đang xếp sau HLAS-SD với tỷ lệ ủng hộ khoảng 16%, giảm so với 18% vào năm 2020. Trong khi đó đảng SaS đang nhận được sự ủng hộ là 10%.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại