Cà phê là thức uống phổ biến và mang lại nhiều lợi ích sức khỏe. Nhiều người vẫn thường uống cùng đường, sữa để tạo hương vị thơm ngon, dễ uống. Tuy nhiên nếu cà phê pha với quá nhiều chất tạo ngọt sẽ khiến đường huyết tăng vọt, tăng nguy cơ béo phì và tiểu đường.
Trên thực tế, ngoài việc uống cà phê đen nguyên chất, bạn có thể sử dụng một vài nguyên liệu khác như bột quế để ly cà phê vừa bổ dưỡng vừa thơm ngon hơn. Cà phê quế nổi bật với vị cay và thơm nồng của quế kết hợp cùng vị đắng đặc trưng của cà phê tạo nên loại đồ uống được ưa chuộng trong mùa đông. Cà phê quế còn đem lại nhiều tác dụng cho sức khỏe mà bạn không nên bỏ lỡ:
Hỗ trợ giảm cân
Quế cũng được biết đến là một chất đốt cháy chất béo tự nhiên, tăng tốc độ trao đổi chất, đốt cháy calo dư thừa, từ đó giảm mỡ đáng kể. Quế cũng có thể thay thế đường để tạo vị ngọt nhẹ trong cà phê, giảm lượng đường nạp vào cơ thể, làm giảm cảm giác thèm ăn.
Cà phê đen được chứng minh giúp hỗ trợ kiểm soát cân nặng, tăng cường khả năng hoạt động thể chất và sức bền. Nghiên cứu kéo dài 24 tuần của Trường Y Harvard chỉ ra 4 tách cà phê đen mỗi ngày có tác dụng giảm trung bình 4% mỡ. Vậy nên cà phê quế có khả năng thúc đẩy quá trình giảm cân hiệu quả hơn.
Kiểm soát lượng đường trong máu
Theo Healthline, quế nổi tiếng với đặc tính hạ đường huyết, làm chậm quá trình hấp thụ glucose của cơ thể. Một nghiên cứu trên bệnh nhân tiểu đường loại 2 cho thấy sau khi dùng nửa thìa bột quế mỗi ngày trong 40 ngày liên tục, lượng đường trong máu của những người này giảm 18-29%, triglyceride giảm 23-30% và cholesterol xấu giảm 7-27%.
Tác dụng làm giảm lượng đường trong máu của quế được phát huy khi sử dụng với liều lượng 1-5g, tương đương 0,5-2 thìa cà phê mỗi ngày. Uống cà phê cùng quế thường xuyên có thể làm giảm nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2.
Giàu chất chống oxy hóa, ngừa ung thư
Quế và cà phê đều giàu chất chống oxy hóa, bảo vệ cơ thể khỏi tổn thương do các gốc tự do gây ra. Rắc quế vào cốc cà phê sẽ giúp nhân đôi liều lượng chống oxy hóa, ngăn ngừa một số bệnh mãn tính như ung thư, tiểu đường và bệnh tim.
Theo Hiệp hội Ung thư Hoa Kỳ, các nghiên cứu gần đây cho thấy cà phê có thể làm giảm nguy cơ mắc một số loại ung thư, bao gồm ung thư đầu và cổ, đại trực tràng, ung thư vú và ung thư gan. Trong khi đó, một nghiên cứu năm 2015 của Đại học Arizona (Mỹ) cho thấy rằng cinnamaldehyde trong quế ức chế sự di căn ung thư đại trực tràng nhờ ức chế phản ứng viêm vốn làm tế bào ung thư phát triển.
Bổ tim, hạ mỡ máu
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh uống cà phê có lợi cho sức khỏe tim mạch, giảm nguy cơ đột quỵ và suy tim. Theo một đánh giá được đăng tải trên Thư viện Y tế Quốc gia Mỹ, bổ sung ít nhất 1,5g hoặc ¾ thìa cà phê quế mỗi ngày có thể làm giảm mức chất béo trung tính, cholesterol toàn phần, cholesterol có hại ở những người mắc bệnh chuyển hóa. Một đánh giá khác dựa trên 13 nghiên cứu cho thấy tác dụng tương tự của quế trên người bình thường, giảm các nguy cơ mắc bệnh tim, giảm huyết áp khi sử dụng liên tục trong 8 tuần.
Ngoài các tác dụng nổi bật kể trên, cà phê quế còn có chống viêm cho cơ thể, tăng cường hệ miễn dịch, tăng khả năng tập trung cho trí não và cải thiện tiêu hóa. Theo Huffington Post, một chút quế trong ly cà phê sẽ là nguồn năng lượng tuyệt vời cho ngày dài hoạt động năng suất.
Tuy nhiên điều cần lưu ý là chỉ nên uống cà phê quế với một lượng vừa phải vì tiêu thụ quá nhiều caffeine sẽ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe, gây mất ngủ và tình trạng lo lắng, bồn chồn. Không nên dùng quá 5g quế/ngày, đặc biệt là những người có vấn đề về gan. Người uống thuốc trị bệnh cần hỏi ý kiến bác sĩ trước khi bổ sung cà phê quế vào chế độ ăn uống hàng ngày.
Theo Healthline, WellnGood