Cả nhà sốc vì nữ sinh 17 tuổi đã ung thư cổ tử cung: BS mách 1 việc cần làm để phòng bệnh hiệu quả

Ngọc Anh |

Bác sĩ CKII Nguyễn Văn Tiến – Trưởng khoa Ngoại 1, Bệnh viện Ung Bướu TP.HCM cho biết ông vừa tiếp nhận 1 ca bệnh đặc biệt ung thư cổ tử cung khi nữ sinh mới 17 tuổi.

Ca bệnh đặc biệt

Bác sĩ Tiến cho biết bệnh nhi được gia đình đưa đến khám tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM vì 1 tháng qua cháu bị đau bụng kèm theo chu kỳ kinh nguyệt thất thường.

Cháu bé có triệu chứng đau bụng dưới từ lâu nhưng vì cố chịu để thi học kỳ nên âm thầm chịu đựng không nói với ai. Khi thi xong, cháu bé mới thổ lộ với mẹ về việc đau bụng vùng chậu kèm theo chu kỳ kinh nguyệt rất bất thường. Ngay ngày hôm sau, mẹ cháu đưa cháu vào bệnh viện khám. Kết quả có khối u ở cổ tử cung 4 – 5cm. Bác sĩ Tiến cho biết nhìn cháu bé còn trẻ, còn mặc trên người bộ đồng phục học sinh khiến các bác sĩ đều ám ảnh dù biết bệnh ung thư chẳng trừ một ai, lứa tuổi nào.

Bác sĩ Tiến nhìn qua phim nghi ngờ ác tính rất lớn nên phải gọi cháu bé và người nhà vào để nói chuyện. Cả nhà cháu nữ sinh gồm bố, mẹ, anh, chị và cháu đều được bác sĩ giải thích. Bác sĩ giải thích trong bụng cháu có một khối u ở vị trí cổ tử cung, để biết lành tính hay ác tính phải sinh thiết. Lành tính thì phẫu thuật cắt bỏ u là hết còn ác tính thì có khả năng phải cắt bỏ tử cung. Khi đó, cháu lớn lên lập gia đình sẽ không có khả năng có con.

Cả nhà sốc vì nữ sinh 17 tuổi đã ung thư cổ tử cung: BS mách 1 việc cần làm để phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 1.

Bác sĩ Nguyễn Văn Tiến tư vấn cho bệnh nhân

Cả nhà đều đồng ý theo phác đồ điều trị. Sinh thiết trên đại thể nghi ngờ sarcom cổ tử cung một dạng ung thư cổ tử cung. Tuy nhiên, bác sĩ Tiến cho biết cháu bé vẫn phải chờ giải phẫu bệnh để biết chính xác ung thư cổ tử cung hay lành tính.

Ngày càng trẻ hoá

Bác sĩ Tiến kể ông tiếp xúc với hàng trăm bệnh nhân ung thư cổ tử cung tuổi còn rất trẻ thậm chí có bệnh nhân chưa từng quan hệ tình dục nhưng đã mắc bệnh này.

Thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) mỗi năm trên thế giới hiện có trên 500.000 ca mắc mới ung thư cổ tử cung, trong đó có khoảng 250.000 ca tử vong. Tại Việt Nam, trung bình mỗi ngày có khoảng 14 ca mắc mới, trong đó khoảng 7 ca tử vong.

99,7% các trường hợp ung thư cổ tử cung có sự hiện diện của virut HPV. Vì vậy, việc nhiễm virut HPV được coi là yếu tố nguy ngơ cao dẫn đến căn bệnh ung thư nguy hiểm này.

Cả nhà sốc vì nữ sinh 17 tuổi đã ung thư cổ tử cung: BS mách 1 việc cần làm để phòng bệnh hiệu quả - Ảnh 2.

Dấu hiệu ung thư cổ tử cung

Human Papilloma Virus (còn gọi là vi rút HPV) là loại vi rút với hơn 100 týp, trong đó có khoảng 15 týp có khả năng gây ung thư gọi là týp "nguy cơ cao" và phổ biến nhất là các týp HPV 16 và 18 gây ra hơn 70% trường hợp ung thư cổ tử cung trên toàn cầu, kế đến là týp 31 và 45.

Virut HPV lây nhiễm qua quan hệ tình dục. Ngay cả khi chỉ tiếp xúc ngoài da thì loại virut này cũng có thể bị lây nhiễm. Vì vậy, tất cả các phụ nữ có quan hệ tình dục đều có nguy cơ bị nhiễm virut HPV.

Một số quốc gia ghi nhận căn bệnh này có xu hướng trẻ hóa, do độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục của bé gái có sớm hơn 10 năm trước, dẫn đến nguy cơ nhiễm HPV và ung thư ở tuổi đời còn rất trẻ. Ung thư cổ tử cung có thể xảy ra với những người mới tuổi 20.

Theo bác sĩ Tiến tiêm vắc xin phòng chống lây nhiễm của virut HPV là biện pháp hiệu quả để giảm nguy cơ dẫn đến bệnh ung thư cổ tử cung. Tại Việt Nam, văcxin ngừa HPV đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng từ năm 2007, có hiệu quả phòng tổn thương tiền ung thư cổ tử cung gây ra bởi 2 chủng HPV 16, 18.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại