Hai bố con bệnh nhân Tần Văn Líu đang điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.
Gia đình đưa cả 4 nạn nhân đi cấp cứu tại Bệnh viện huyện Quỳnh Nhai (Sơn La). 2 mẹ con tình trạng ngộ độc nhẹ hơn, đang được điều trị tại Sơn La, còn anh Tẩn Văn Líu và cháu bé 10 tuổi nặng hơn nên được chuyển đến Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai vào ngày 1/3/2021.TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai cho biết, theo thông tin người nhà cung cấp, ngày 25/2/2021, anh Tẩn Văn Líu (28 tuổi, ngụ tại xã Chiềng Khay, huyện Quỳnh Nhai, tỉnh Sơn La) đi hái nấm về nấu ăn cho cả gia đình. Anh hái khoảng 10 cây nấm trắng ở vườn gần nhà. Bữa trưa gồm 4 người, 2 vợ chồng anh Tẩn Văn Líu và 2 con. Sau khi ăn khoảng 12 tiếng, cả 4 người xuất hiện dấu hiệu nôn, đau bụng, chóng mặt, tiêu chảy nhiều lần, liên tục như nước.
Bệnh nhân Tẩn Văn Líu (28 tuổi) và con trai Tẩn Vương Triều (10 tuổi) được chuyển đến Trung tâm chống độc trong tình trạng còn đau bụng, tiêu chảy nhiều lần, huyết áp, mạch ổn định, tuy nhiên xét nghiệm vẫn có tổn thương gan nặng, suy gan.
Bệnh nhân được điều trị tích cực, giải độc… Hiện cả 2 bệnh nhân đều tỉnh táo, có thể tiếp xúc được, tình trạng cháu bé bắt đầu có xu hướng cải thiện. Tuy nhiên, theo các bác sĩ, đến giờ vẫn chưa thể khẳng định được bệnh nhân có hoàn toàn ổn định hay không vì diễn biến của ngộ độc nấm rất phức tạp.
Giám đốc Trung tâm Chống độc cũng nhấn mạnh, loại nấm mà bốn người trong gia đình anh Tẩn Văn Líu ăn phải là loại nấm cực độc, thuộc loại nấm chứa độc tố amatoxin. Đây là loại nấm độc nhất trong các loài nấm độc, thường gây chết người do viêm gan nhiễm độc phá hủy tế bào gan, suy gan cấp, dẫn đến hôn mê gan.
"Các biểu hiện xuất hiện muộn sau khi ăn từ 6-40 giờ (thường là 12-18 giờ): Bệnh nhân buồn nôn, nôn nhiều, tiêu chảy liên tục như tả, kéo dài 1-2 ngày, gây mất nước và rối loạn điện giải, trụy mạch, tiểu ít hoặc vô niệu.
Sau đó, các biểu hiện tiêu biến hết, bệnh nhân và thầy thuốc dễ hiểu nhầm là bệnh đã khỏi nhưng vài ba ngày sau sẽ xuất hiện tình trạng viêm gan: vàng mắt, vàng da, chán ăn, đầy bụng, mệt mỏi, dần dần người bệnh sẽ mê sảng rồi hôn mê sâu (hôn mê gan do suy gan), xuất huyết nhiều nơi (dưới da, niêm mạc, tiểu ra máu...), suy đa tạng và cuối cùng là tử vong", TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Đáng ngại thời điểm này (mùa Xuân) đang là mùa nấm phát triển nhiều nên tại Trung tâm Chống độc thường tiếp nhận các ca ngộ độc nấm đến cấp cứu.
Loại nấm độc mà gia đình bệnh nhân Líu ăn mặc dù độc nhất nhưng lại có hình thù hấp dẫn, trông trắng, sạch, có vẻ lành tính nhất và khi ăn cũng ngon. |
Trong khi đó, các chuyên gia cũng lưu ý, không thể phân biệt nấm lành hay nấm độc nếu chỉ dựa vào hình dạng, màu sắc nên bác sĩ khuyến cáo người dân tuyệt đối không nên hái nấm hoang dại để ăn. Trên thế giới hiện có hơn 5.000 loại nấm, trong đó có khoảng hơn 100 loài nấm độc mà về hình dáng bề ngoài rất khó phân biệt giữa nấm lành (ăn được) và nấm độc gây chết người.
"Loại nấm độc mà gia đình bệnh nhân Líu ăn mặc dù độc nhất nhưng lại có hình thù hấp dẫn, trông trắng, sạch, có vẻ lành tính nhất và khi ăn cũng ngon", TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nói. Ông cho biết thêm: "Cấp cứu và điều trị ngộ độc nấm rất tốn kém nhưng tỷ lệ tỷ vong rất cao (trên 50%). Trên thực tế đã có những gia đình đã tử vong cả nhà sau khi ăn phải nấm độc".
Vì vậy, để an toàn, Giám đốc Trung tâm Chống độc khuyến cáo người dân không nên ăn các nấm mọc hoang dại (có lẽ chỉ trừ mộc nhĩ), chỉ nên ăn những loại nấm được nuôi trồng, đã biết chắc chắn chủng loại nấm, nguồn gốc nấm.
"Trường hợp chẳng may ăn phải nấm nghi độc, cần đến cơ sở y tế gần nhất để được xử trí kịp thời", TS. BS Nguyễn Trung Nguyên nhấn mạnh.
Sơ cứu khi bị ngộ độc nấm
Khi có người có biểu hiện ngộ độc nấm cần nhanh chóng gây nôn (bằng biện pháp cơ học): Trong vòng vài giờ sau ăn nấm (tốt nhất trong giờ đầu tiên) nếu bệnh nhân là người trên 2 tuổi, tỉnh táo, chưa nôn nhiều. Cho bệnh nhân uống nước và gây nôn.
Uống than hoạt: Liều 1g/kg cân nặng người bệnh. Cho người bệnh uống đủ nước, tốt nhất là dùng oresol. Nhanh chóng đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất.
Nếu người bệnh hôn mê, co giật: Cho người bệnh nằm nghiêng. Nếu người bệnh thở yếu, ngừng thở: Hà hơi thổi ngạt hoặc hô hấp nhân tạo bằng các phương tiện cấp cứu có tại chỗ. Khi đã được điều trị tại cơ sở y tế không tự về nhà trong 1 - 2 ngày đầu kể cả khi các biểu hiện ngộ độc ban đầu đã hết.
Ngộ độc nấm loại biểu hiện muộn cần được điều trị tại các cơ sở y tế có phương tiện hồi sức tích cực tốt (thường tuyến tỉnh trở lên).