Lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Al-Fatah al-Mubin tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái Orlan-10 của Nga trên núi Zawiya chiến lược.
Lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Al-Fatah al-Mubin tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái Orlan-10 của Nga trên núi Zawiya chiến lược, thuộc khu vực Jabal al-Zawiya, tỉnh Idlib, Tây Bắc Syria.
Trong một tuyên bố được đăng tải trên mạng xã hội , nhóm Al-Fatah al-Mubin cho biết đã bắn hạ máy bay không người lái đa năng, tầm trung Orlan-10 bằng súng máy.
Orlan-10 là máy bay không người lái do công ty Special Technology Center LLC của Nga ở St Petersburg phát triển. Máy bay không người lái đang được Bộ Quốc phòng Nga sử dụng.
Lực lượng nổi dậy do Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn, Al-Fatah al-Mubin tuyên bố đã bắn hạ một máy bay không người lái Orlan-10 của Nga trên núi Zawiya chiến lược.
Loại máy bay này được thiết kế cho nhiều nhiệm vụ khác nhau như trinh sát trên không, quan sát, giám sát, tìm kiếm và cứu nạn, huấn luyện chiến đấu, gây nhiễu, phát hiện tín hiệu vô tuyến và theo dõi mục tiêu.
Nhóm thánh chiến cho biết, chiếc máy bay bị bắn hạ khi đang thực hiện nhiệm vụ trinh sát trên núi Zawiya chiến lược. Núi Zawiya có tầm quan trọng chiến lược vì nó nhìn ra đường cao tốc M4 nối Aleppo và Latakia.
Vào tháng 9 năm 2018, Thổ Nhĩ Kỳ và Nga đã đồng ý biến Idlib thành một khu vực giảm leo thang, trong đó các hành vi xâm lược bị nghiêm cấm.
Trong khi đó, các nguồn tin quân sự Syria cho biết, máy bay không người lái Orlan-10 của Nga bị rơi ở tỉnh Idlib vì lý do kỹ thuật. Nguồn tin này cũng cho biết, đây là chiếc máy bay không người lái thứ hai của dòng máy bay này gặp nạn trong hai ngày qua.
Không quân Nga gần đây đã tăng cường các cuộc không kích diệt IS, thánh chiến ở Syria sau khi nhóm khủng bố tiến hành nhiều cuộc phục kích nhằm vào Quân đội Ả Rập Syria (SAA) và Lực lượng Phòng vệ Quốc gia (NDF) ở nhiều khu vực.
Lực lượng Hồi giáo cực đoan này đã lợi dụng đại dịch Covid-19 để thực hiện các cuộc tấn công nhằm vào SAA và các đồng minh của họ. Ngoài ra, chúng còn tấn công các khu vực nằm dưới sự kiểm soát của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF).
Không quân Nga mới đây đã tiến hành các cuộc dội bom dồn dập nhằm vào nhiều vị trí của nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) ở vùng Badiya Al-Sham rộng lớn, miền Trung Syria.
Các máy bay chiến đấu của lực lượng không quân Nga, cùng với sự yểm trợ của không quân Ả Rập Syria (SyAAF), đã dội bom dồn dập nhắm vào các vị trí của phiến quân IS trên khắp nhiều vùng ở Syria được cho là căn cứ của khủng bố, phiến quân thánh chiến. Kết quả là, nhiều nơi ẩn náu của nhóm khủng bố bị phá hủy.
Để đáp trả bọn khủng bố, SAA mới đây đã gửi quân tiếp viện đến vùng khủng bố hoạt động mạnh, tuy nhiên, rất khó cho lực lượng vũ trang Damascus để có thể tiêu diệt IS vì chúng thường ẩn náu ở những địa hình hiểm trở.
Mỹ đưa thêm quân tới Syria
Tổng thống Mỹ Biden nhiều khả năng tiếp tục chiến lược của người tiền nhiệm ở Syria khi mới đây, Mỹ đã điều hai đoàn xe quân sự tiến vào Syria từ cửa ngõ Iraq.
Theo đó, đoàn xe đầu tiên được cho là gồm 45 chiếc, bao gồm xe chở dầu và xe tải chở theo các phương tiện quân sự đã tiến vào Syria thông qua biên giới Semalka giữa vùng Kurdistan của Iraq và khu vực người Kurd kiểm soát ở miền bắc Syria.
Đoàn xe được cho là đang trên đường đến Qamishli, một thành phố chiến lược nằm giữa biên giới Syria-Thổ Nhĩ Kỳ.
Đoàn còn lại gồm 14 chiếc chở các vật liệu hậu cần và thiết bị quân sự. Theo các nguồn tin tại địa phương, đoàn này được cho đã tiến vào Syria thông qua chốt biên giới al-Waleed giữa Syria và Iraq.
Vào tháng trước, truyền thông địa phương đưa tin, 40 xe tải và xe quân sự từ Iraq đã tiến vào đông bắc Syria chở theo vũ khí và thiết bị hậu cần tới các căn cứ của Mỹ ở tỉnh Hasakah và Deir ez-Zor. Ngoài ra, 200 lính Mỹ cũng được điều đến Hasakah bằng trực thăng.
Quân đội Mỹ lần đầu đến Syria vào năm 2017 trong cuộc chiến chống lại tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS).
Tuy nhiên, sau khi tình hình khủng bố đã giảm đi ít nhiều thì Mỹ vẫn giữ một số quân ở Syria và nói rằng, sự hiện diện của lính Mỹ sẽ hỗ trợ đồng minh trong “các hoạt động và huấn luyện chống khủng bố” cũng như thiết lập một vùng đệm ở miền bắc Syria để ngăn chặn sự leo thang căng thẳng giữa Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurd.
Vào 10/2019, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo sẽ rút quân khỏi Syria, tuy nhiên sau đó ông đã đảo ngược quyết định và cho biết quân đội Mỹ sẽ được tái triển khai để bảo vệ nguồn dầu mỏ.