Máu đã đổ ở cao tốc M4: QĐ Thổ đối mặt thách thức "vô tiền khoán hậu" tại Idlib, Syria?

Hoài Giang |

Ankara đang tận dụng tối đa "củ cà rốt" trong đàm phán nhưng không quên treo lơ lửng "cây gậy" trước mắt các nhóm khủng bố ở Idlib, Syria.

Mới đây, trang al-Monitor đăng tải bài viết nhan đề "Extremist Syrian rebel group tests Turkey's limits in Idlib" (tạm dịch: Phiến quân cực đoan Syria thách thức giới hạn của Thổ Nhĩ Kỳ ở Idlib) của tác giả Fehim Tastekin.

Nhằm đem lại cho độc giả một phân tích khá độc đáo từ một chuyên gia người Thổ liên quan tới chuỗi đụng độ mới đây giữa Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ và phiến quân Syria tại Idlib, chúng tôi xin được lược dịch bài viết.

"Máu đã đổ" ở cao tốc M4

Tình hình căng thẳng trên tuyến cao tốc chiến lược M4 ở khu vực "Idlib lớn" (vùng lãnh thổ tây bắc Syria do phiến quân kiểm soát) đã leo thang lên cấp độ mới.

Nói cách khác, kế hoạch mở lại tuyến giao thông huyết mạch nối Aleppo với Latakia đã tạo ra "tình thế nan giải" cho cả lực lượng khủng bố đang "thống trị" khu vực lẫn Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF).

Mở lại M4 - yêu cầu tiên quyết trong thỏa thuận được ký ngày 5/3 tại Moscow và cái chết của 2 lính Thổ vào ngày 19/3 là "mồi lửa" dẫn đến cuộc đối đầu ngày 26/4 .

Bất lực trong việc sử dụng hơi cay để giải tỏa đám đông đang phong tỏa đoạn cao tốc gần al-Nayrab và bị ném đá, binh lính Thổ đã nổ súng vào đám người này.

Cái chết của 2 "người biểu tình" và một số người khác bị thương đã kích hoạt một cuộc tập kích bằng súng cối vào một cứ điểm của TAF gần al-Nayrab khiến một số binh sĩ Thổ bị thương.

Đáp lại, máy bay không người lái tấn công (UCAV) của TAF đã không kích 2 mục tiêu của nhóm khủng bố Hayyat Tahrir al-Sham (HTS) khiến 2 tay súng thiệt mạng.

Cùng với việc 5 cuộc tuần tra chung giữa quân cảnh Nga - Thổ trên cao tốc M4 kể từ ngày 15/3 chỉ thực hiện hạn chế trong khu vực từ Saraqeb tới al-Nayrab, cuộc đụng độ được đánh giá là thất bại của Ankara trong nỗ lực ổn định khu vực.

Máu đã đổ ở cao tốc M4: QĐ Thổ đối mặt thách thức vô tiền khoán hậu tại Idlib, Syria? - Ảnh 1.

Địa điểm diễn ra cuộc không kích của UCAV Thổ Nhĩ Kỳ hôm 26/4 khiến 2 tay súng HTS thiệt mạng.

"Tình anh em" chắc có bền lâu?

Ngay sau vụ đụng độ, Quân đội Thổ Nhĩ Kỳ (TAF) tăng cường củng cố các cứ điểm trong khu vực và phát tờ rơi cho người dân giải thích rằng hành động mở lại giao thông trên các cao tốc M4 và M5 nhằm tạo điều kiện cho người tản cư trở về và hồi sinh hoạt động kinh tế.

Tờ rơi nhấn mạnh: "Đừng tin vào hoạt động tâm lý chiến nhằm chia rẽ tình anh em".

Các quan chức TAF và tình báo Thổ Nhĩ Kỳ cũng đã triệu tập đại diện của HTS tới một cuộc họp nhằm xoa dịu căng thẳng và đàm phán để nhóm khủng bố chấp thuận việc mở lại M4 trong hòa bình.

Tại đây, HTS được thông báo rằng các nỗ lực chặn đường và thái độ "cứng rắn" chỉ khiến khu vực nhanh chóng rơi vào tay quân chính phủ.

Các đại diện nhóm khủng bố phản hồi rằng chúng sẵn sàng hợp tác với TAF, đồng thời hi vọng việc mở lại giao thương tới các khu vực do chính phủ Damascus kiểm soát tại Saraqeb, Atareb, Maarat al-Nasan và Miznaz.

Tuy nhiên, HTS cho rằng việc mở lại M4 không liên quan tới nỗ lực hợp tác nói trên và theo truyền thông của nhóm khủng bố, đây là một "cuộc biểu tình danh dự".

Về phần mình, các nhóm vũ trang đối lập Syria được Thổ Nhĩ Kỳ hậu thuẫn đã liên tục cáo buộc HTS phá hoại thỏa thuận Moscow.

Tư lệnh Mustafa Sejari của nhóm phiến quân Quân đội Quốc gia Syria (SNA) đã quy trách nhiệm cho Abu Mohammad al-Joulani, thủ lĩnh của HTS về cuộc đụng độ mới nhất tại cao tốc M4 đồng thời ca ngợi đồng minh Thổ trong việc phối hợp với "các lực lượng cách mạng".

Chỉ huy SNA nói thêm rằng các hành động của TAF là nhằm mục đích bảo vệ hàng triệu dân thường và ngăn chặn việc mất thêm các vùng lãnh thổ "giải phóng" ở Idlib vào tay Joulani.

Một số nhóm phiến quân Syria khác thì tỏ quan điểm trái ngược, cáo buộc HTS đang "lập lờ nước đôi", vừa chấp nhận mở lại cao tốc vừa phản bội "cuộc cách mạng Syria".

Máu đã đổ ở cao tốc M4: QĐ Thổ đối mặt thách thức vô tiền khoán hậu tại Idlib, Syria? - Ảnh 2.

Các tay súng HTS dẫm lên một lá cờ phiến quân sau giao tranh đẩy lui các tay súng của Mặt trận Giải phóng Quốc gia/NLF (tiền thân của SNA) vào đầu năm 2019.

Kịch bản 1: Idlib sẽ sụp đổ mà "không phải nổ một phát súng"?

Nói tóm lại, tình hình trong nội bộ các nhóm phiến quân và khủng bố ở tỉnh Idlib đang rất phức tạp. Những rạn nứt này không chỉ bắt nguồn từ nỗi lo sợ mất kiểm soát khu vực, mà còn vì những thay đổi trong hiện trạng kinh tế.

Nhiều người tin rằng việc mở lại M4 song song với việc tăng cường quan hệ đối tác Nga-Thổ là một trong các chiến thuật của Moscow nhằm mở rộng vùng kiểm soát của chính phủ (đã thành công tại các mặt trận quan trọng ở đông Aleppo, đông Ghouta, Quneitra và Daraa).

Việc các nhóm phiến quân và khủng bố bị đẩy lùi về vùng đất sát biên giới và chỉ còn kiểm soát cao tốc M4 sau thất bại của đợt phản công vào tháng 2/2020 đã thay đổi hoàn toàn "cán cân quyền lực", cả về quân sự lẫn kinh tế - mặc dù khía cạnh kinh tế ít thu hút sự chú ý hơn.

Theo một cộng tác viên của nhóm khủng bố HTS chịu trách nhiệm về giao dịch thương mại, 95% hàng hóa tới Idlib hiện tại là từ Thổ Nhĩ Kỳ và chỉ 5% là từ các khu vực do chính phủ Syria kiểm soát. Đây là thay đổi đáng kể nếu so với tỉ trọng 35% và 65% vào 3 năm trước.

Idlib có thặng dư sản xuất nhất định trong nông nghiệp, nhưng hiện nay chỉ có 10% nông sản được xuất khẩu sang Thổ.

Việc các cửa khẩu sang vùng chính phủ kiểm soát được mở lại sẽ cho phép vận chuyển nông sản tới các khu vực khác ở Syria, hồi sinh nền kinh tế trong khu vực và giảm thiểu sự phụ thuộc vào viện trợ nước ngoài.

Mặc dù các thương nhân và nhà sản xuất ở Idlib mong muốn điều đó xảy ra nhưng những kẻ khác lại phản đối do lo ngại "chảy máu" nông sản ở Idlib dẫn đến giá cả tăng phi mã.

Một cuộc biểu tình ở miền tây Aleppo nhằm phản đối việc HTS mở lại các cửa khẩu sang vùng chính phủ kiểm soát hôm 1/5/2020.

Kịch bản 2: "Vạn lý trường thành" của Thổ ở tây bắc Syria

Trong cuộc đàm phán với người Thổ, các đại diện HTS đã cố gắng tách việc mở lại các cửa khẩu khỏi vấn đề nối lại giao thông trên cao tốc M4. Tuy vậy, nhiều dấu hiệu cho thấy HTS đã nhận ra rằng sớm muộn gì chúng cũng sẽ phải rời khỏi M4.

Nguồn thu nhập chính của nhóm thông qua tiền "mãi lộ" và buôn lậu chắc chắn sẽ bị ảnh hưởng và chúng đang nỗ lực thiết lập các chốt gác trên các tuyến đường từ M4 dẫn tới các thị trấn ở Idlib nhằm "vớt vát" lại nguồn thu nói trên.

Đụng độ ở M4 cũng liên quan đến việc các nhóm vũ trang Idlib nhìn thấy trước tương lai của mình trong các "dàn xếp" của Ankara nhằm hợp nhất chúng "dưới một lá cờ" và biến M4 thành một "Vạn Lý Trường Thành" chống lại quân chính phủ.

Kế hoạch này cuối cùng sẽ kết thúc bằng việc yêu cầu HTS giải tán và gia nhập lực lượng mới.

Khi giao thông trên M4 hoạt động trở lại, TAF sẽ kiểm soát phần phía bắc của một Khu phi quân sự (DMZ) dọc theo cao tốc và lực lượng Nga sẽ quản lý phần phía nam.

Đối với nhóm khủng bố Idlib đang kiểm soát "Idlib lớn" trên thực tế, kịch bản này trở nên rất nguy hiểm khi chúng bị "giằng xé" giữa việc đối đầu với TAF hay để TAF và SNA "xâm nhập" Idlib.

Những "nhượng bộ" như vậy sẽ gây chia rẽ nặng nề trong nội bộ HTS và khiến nhóm (thực chất là một liên minh gồm nhiều nhóm cực đoan) phân rã và điều này đồng nghĩa với việc mất quyền kiểm soát "Idlib lớn".

Năm 2018, một nhóm các tay súng đã quyết định ly khai khỏi HTS với cáo buộc hành động nhượng bộ đối với Thổ và tập hợp dưới cái tên Hurras al-Din.

Thời gian gần đây, "rạn nứt" cũng đã xuất hiện giữa "cánh thực dụng" và "cánh cực đoan" của HTS khiến một số thủ lĩnh rời nhóm và việc mở lại giao thông trên M4 có thể là một cơ hội "quét sạch" HTS khỏi chiến trường - một tin vui cho cả đối thủ phiến quân SNA lẫn quân đội Syria.

Đối với Ankara, đây cũng là một "tín hiệu tốt" vì nếu sử dụng vũ lực để loại bỏ các nhóm khủng bố ở Idlib theo cam kết trong Thỏa thuận Moscow, TAF sẽ phải đối mặt với những rủi ro lớn hơn trong việc đảm bảo an ninh trong các khu vực mà họ kiểm soát ở miền bắc Syria.

Hơn nữa, một kịch bản dính đòn "hồi mã thương" đáng sợ có thể trở thành sự thật - khi các nhóm khủng bố mà Ankara đã "nhắm mắt làm ngơ" trong cuộc chiến Syria kéo dài 9 năm trở mặt với Thổ Nhĩ Kỳ.

Chính vì vậy, Ankara vẫn tìm cách tận dụng tối đa "củ cà rốt" trong đàm phán trong khi treo lủng lẳng "cây gậy" trước mắt các nhóm khủng bố ở Idlib ở thời điểm hiện tại.

Fehim Tastekin là một nhà báo người Thổ Nhĩ Kỳ và cũng là người dẫn chương trình trên kênh IMC TV. Các bài viết của ông thường được xuất bản trên các tờ báo Turkey Pulse, Radikal và Hurriyet.

Ông Tastekin cũng là một chuyên gia phân tích chính sách đối ngoại của Thổ Nhĩ Kỳ về các vấn đề liên quan tới Trung Đông và Liên minh Châu Âu (EU).

Đụng độ giữa người biểu tình và các tay súng HTS.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại