BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm

Mộc Trà |

Sau 4 ngày ghi nhận ca nhiễm đầu tiên, BV Việt Đức tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho 4000 người.

Lấy mẫu xét nghiệm lần 2


BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm - Ảnh 2.

Ngày 3/10, cơ quan y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm với hơn 4000 người tại BV Việt Đức.

Sáng 3/10, tại Bệnh viện Việt Đức (Hoàn Kiếm, Hà Nội) các cơ quan y tế tiếp tục lấy mẫu xét nghiệm lần 2 cho hơn 4.000 người. Theo ghi nhận của PV, những người được lấy mẫu gồm nhân viên y tế, người bệnh, người chăm sóc bệnh nhân hiện ở trong bệnh viện; người dân khu vực xung quanh bệnh viện.

Cụ thể, bên ngoài Khoa Chăm sóc sức khoẻ sinh sản - Trung tâm Y tế quận Hoàn Kiếm (18 Quán Sứ), nhân viên y tế tiến hành lấy mẫu cho hàng trăm người dân khu vực xung quanh bệnh viện trong buổi sáng. Tại đây, người dân được hướng dẫn xếp hàng, khai báo thông tin cá nhân để chờ xét nghiệm.

Tiếp đó, tại khu cách ly tạm thời trên phố Phủ Doãn - Tràng Thi, ngành y tế cũng lấy mẫu xét nghiệm cho các trường hợp bên trong khu cách ly và người có liên quan đến ổ dịch Bệnh viện Việt Đức.

Tại đây, lực lượng chức năng cũng lập 2 lều dã chiến tại 2 nút giao Phủ Doãn - Tràng Thi và Phủ Doãn - Hàng Bông để kiểm soát người ra vào và tiếp nhận nhu yếu phẩm gửi vào bên trong.

BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm - Ảnh 3.

Từ sáng sớm, rất nhiều người đã tập trung đến lấy mẫu.

Ông Trương Quang Việt, Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội cho biết sáng 3/10, đơn vị phối hợp với Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và quận Hoàn Kiếm bắt đầu lấy mẫu đợt 2 cho khoảng 4.000 người, gồm bệnh nhân người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và người dân sống xung quanh khu vực.

Theo ông Việt, CDC sẽ điều tra, truy vết dịch tễ và đánh giá chùm ca bệnh tại Bệnh viện Việt Đức một cách chính xác sau đợt lấy mẫu này, cố gắng không bỏ sót F0, F1 hay những ca nghi ngờ.

Phó giám đốc CDC Hà Nội nhận định tình hình dịch tại BV Việt Đức cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm bên trong bệnh viện. Kể cả những bệnh nhân đã xuất viện từ ngày 15/9 đến nay, các địa phương đều đã nắm danh sách và kiểm soát. Dựa vào kết quả xét nghiệm 4.000 mẫu lần này, CDC sẽ tham mưu phương án phòng, chống dịch tiếp theo cho bệnh viện và quận Hoàn Kiếm.

Ngoài ra, Phó Giám đốc CDC Hà Nội cho hay việc đưa người nhà bệnh nhân đi cách ly tập trung là điều đã được tính đến từ trước nhằm giãn cách, hạn chế lây nhiễm chéo.

BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm - Ảnh 4.

Những trường hợp lấy mẫu gồm bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, nhân viên y tế và người dân sống xung quanh khu vực.

"Bệnh nhân di chuyển nhiều giữa các khoa, phòng khác nhau, làm tăng độ tiếp xúc và nguy cơ. Còn người nhà bệnh nhân chỉ có một không gian hạn chế để sinh hoạt, vào giờ bác sĩ thăm khám, họ buộc phải ra khỏi phòng bệnh, đi các vùng khác nhau trong bệnh viện. Khoảng 1.100 người nhà bệnh nhân là áp lực rất lớn cho bệnh viện trong việc đảm bảo giãn cách và phòng chống dịch", ông Việt đánh giá.

Theo ông Việt, bệnh viện sẽ đảm bảo tối đa nguồn nhân lực và nguồn lực y tế để chăm sóc bệnh nhân, giúp người nhà bệnh nhân yên tâm đi cách ly.

Hiện, Bệnh viện Việt Đức chỉ dừng tiếp nhận bệnh nhân thông thường, vẫn tiếp tục phân bố luồng riêng để tiếp nhận bệnh nhân cấp cứu, chạy thận mà các bệnh viện khác chưa điều phối được.

Nên chia khu vực "bệnh viện xanh"

PGS.TS Nguyễn Huy Nga, nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nhận định việc xuất hiện chùm ca bệnh ngoài cộng đồng như tại Bệnh viện Việt Đức là điều được dự báo trước.

PGS Nga phân tích trong trường hợp chúng ta chung sống với dịch thì sẽ xuất hiện những ổ dịch. Việc dịch xuất hiện ở bệnh viện xác suất sẽ cao hơn bởi nơi đây người ốm, đau ra vào nhiều. Cùng với đó, người bệnh trở về địa phương chưa tiêm vaccine ngừa COVID-19 có thể tạo nên những ổ dịch mới. Tuy nhiên, theo dự báo, dịch không bùng phát mạnh như TP HCM hoặc như các tỉnh phía Nam bởi tỉ lệ tiêm vaccine đã tương đối, tốc độ lan truyền không thể nhanh được, theo PGS.

BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm - Ảnh 6.

Nhân viên y tế ghi thông tin người đến lấy mẫu xét nghiệm.

"Hiện nay, vẫn còn có kẽ hở trong việc giám sát tại bệnh viện, nơi được xem là "thành trì cuối cùng" trong phòng chống dịch COVID-19. Không riêng gì Bệnh viện Việt Đức mà trước đây tại Hà Nội ghi nhận chùm ca nhiễm ở Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện K Tân Triều…

Khi đó, chính sách của chúng ra là 'zero covid', cố gắng bóc tách F0. Hiện tại chúng ta chuyển sang trạng thái sống chung với dịch thì có thể xuất hiện ca bệnh nên phải tăng cường chống dịch", ông Nga nói.

Ông Nga đề xuất một số phương án, ví dụ như người dân tiêm đủ 2 mũi vaccine vẫn tiếp tục thực hiện 5K vì vẫn có thể lây nhiễm. Đối với bệnh viện, người bệnh điều trị lâu dài phải kiểm tra thường xuyên bằng xét nghiệm.

BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm - Ảnh 7.
BV Việt Đức xét nghiệm diện rộng lần 2, cơ bản đã khoanh vùng được chuỗi lây nhiễm - Ảnh 8.

Rất nhiều người đã xếp hàng chờ đến lượt lấy mẫu.

Đối với những người lây nhiễm, phải thông báo rộng rãi trên phương tiện đại chúng. Những ai đã tiếp xúc với F0 , F1 cố gắng theo dõi cách ly tại nhà, không đủ điều kiện cách ly tại nhà thì đi cách ly tập trung.

"Tốt nhất theo tôi nên cách ly tại nhà để san sẻ vất vả cho ngành y tế. Bệnh viện kiểm soát người nằm viện, không cho người nhà vào viện. Nếu cần tổ chức người chăm sóc thì có thể để điều dưỡng, hộ lý, người phục vụ bệnh nhân chuyên nghiệp đã tiêm vaccine 2 mũi cho phục vụ thay vì cho người nhà chăm sóc.

Bệnh viện Việt Đức là đầu ngành tuyến cuối, nếu đóng cửa thì hàng chục, hàng trăm người mất cơ hội điều trị và có thể chết.

Người nhiễm COVID-19 chưa làm sao mà chính những người ốm nặng chưa điều trị gấp đã có thể bị tử vong. Không chỉ riêng Việt Đức mà một số bệnh viện khác cũng phải đảm bảo tốt công tác phòng chống dịch. Phải vừa phòng chống và cứu chữa cho người bệnh", PGS Nga nhận định.

Cũng theo ông Nga, chúng ta cần chia ra khu vực "bệnh viện xanh". Đây là khu vực giám sát thật chặt để thực hiện những ca mổ cấp cứu nguy cấp. Bệnh viện Việt Đức hiện có cơ sở 2 ở Hà Nam. Có thể chuyển bệnh nhân xuống đây điều trị để giảm tại. 

Từ đêm 2/10-3/10, bệnh viện Việt Đức đã bắt đầu đưa hơn 100 người đến khu cách ly tập trung tại huyện Chương Mỹ.

Chỉ trong 4 ngày, chùm ca bệnh Covid-19 từ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (quận Hoàn Kiếm) đã ghi nhận 25 ca bệnh tại Hà Nội. Ngoài ra, có 6 ca dương tính liên quan đến bệnh viện này được ghi nhận tại 4 tỉnh: Nam Định (3 ca), Hưng Yên (1 ca), Hà Tĩnh (1 ca) và Hải Dương (1 ca).

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại