Bức ảnh chụp trong đêm tiết lộ giấu hiệu căn bệnh ung thư nguy hiểm

Thảo Nguyên |

Theo các bác sĩ chuyên khoa ung thư, chụp ảnh cho bé có đèn flash vào ban đêm có thể phát hiện sớm ung thư võng mạc ở trẻ nhỏ.

Phát hiện ra bệnh nhờ tấm ảnh

Chị Vũ Quỳnh Thi trú tại Thái Nguyên vẫn không thể nào quên được bức ảnh của con trai 16 tháng tuổi do chính tay chị chụp cách đây gần 1 năm trước lại là điềm báo căn bệnh ung thư nguy hiểm với con.

Chị Thi kể con trai chị từ lúc sinh ra đã khoẻ mạnh, ăn uống tốt, cháu 16 tháng nhưng nặng 12kg so với bạn bè cùng trang lứa vẫn hơn về thể lực.

Cũng giống như bao nhiêu bà mẹ khác, chị Thi thích chụp ảnh con thật nhiều để làm kỷ niệm cũng như chia sẻ trên trang cá nhân của mình. Nhiều lần chị chụp chị không để ý đến.

Hôm đó, hai vợ chồng đã tắt đèn đi ngủ nhưng cháu không chịu ngủ nên tôi lấy điện thoại ra định chụp ảnh trêu cháu. Chụp xong hai vợ chồng tôi nằm xem lại thì thấy một bên mắt của cháu có đốm trắng".

Chị Thi cũng chẳng để ý kỹ lắm nhưng hôm sau chị chụp lại lúc chập tối và đèn flash tự động bật lên vẫn thấy đốm trắng ở mắt.

Vợ chồng chị lên mạng tìm hiểu thì đây là bệnh lý có thể ung thư. Chị run lên nhưng nghĩ đó chỉ là khả năng thấp, có thể do lúc chụp nó thế vì đôi khi chụp mắt vẫn đỏ lên nếu có đèn flash.

Vợ chồng chị khăn gói cho con xuống Bệnh viện Mắt trung ương kiểm tra. Tại đây, bác sĩ soi đáy mắt cho cháu và chẩn đoán cháu bị ung thư võng mạc. Đặc biệt, tế bào ung thư và khối u đã xâm lấn thần kinh thị giác của cháu.

Chị Thi run lên vì lo lắng. Điều chị không mong muốn nhất đã xảy ra. Trước đó, cháu không hề có biểu hiện gì. Nghe bác sĩ tư vấn phải điều trị phẫu thuật rồi chuyển sang Bệnh viện K điều trị tiếp, chị như khúc gỗ không hiểu gì.

Gần 1 năm qua, con chị trải qua các đợt điều trị hoá chất và phải bỏ đi một bên mắt. Dù đây là điều không ai mong muốn, nhưng chị Thi vẫn cảm thấy may mắn là phát hiện ra bệnh của con nếu chị không phát hiện qua chụp ảnh đến khi phát hiện ra thì bệnh đã quá muộn.

Bức ảnh chụp trong đêm tiết lộ giấu hiệu căn bệnh ung thư nguy hiểm - Ảnh 1.

Đốm sáng ở mắt

Tiến sĩ, bác sĩ Phạm Thị Việt Hương – Khoa Nhi Bệnh viện Mắt trung ương cho biết cách chụp ảnh có đèn flash có thể phát hiện bệnh ung thư võng mạc hay còn gọi u nguyên bào võng mạc ở trẻ nhỏ thông qua các đốm sáng ở mắt hay còn gọi mắt mèo.

Ở Việt nam, chưa có số liệu đầy đủ về tỷ lệ mặc bệnh này hàng năm nhưng theo ghi nhận của GS. Nguyễn Chấn Hùng (1995 – 1997) ung thư nguyên bào võng mạc đứng hàng thứ 4 ở trẻ em dưới 15 tuổi, số lượng bệnh tại Bệnh viện Mắt có chiều hướng gia tăng.

U nguyên bào võng mạc là khối u trong hốc mắt hay gặp nhất ở trẻ em. Đa số được chẩn đoán ở trẻ dưới 2 tuổi. Khoảng ¼ trường hợp bị cả hai bên.

Nguy cơ bị bệnh tăng lên ở những người có tiền sử gia đình hoặc một thành viên hoặc gia đình có tiền sử mất đoạn nhiễm sắc thể 13q hoặc khám 13q.

Nếu không điều trị, bệnh phát triển lấp đầy mắt và phá hủy cấu trúc bên trong nhãn cầu. Di căn lan tràn thường bắt đầu sau 6 tháng và tử vong sau khoảng 1 năm. Tự thoái triển có thể xảy ra trong một số nhỏ trường hợp nhưng là hiếm.

Triệu chứng thường được mô tả bằng nhiều từ khác nhau như "mắt mèo", "mắt thú", "mắt có ánh sáng lập lòe", "mắt có ánh sáng lấp lánh, rực rỡ".

Khi nhìn vào mắt bé, cha mẹ thấy có ánh trắng (nhất là vào ban đêm hoặc trong phòng tối vì khi đó đồng tử giãn), cũng có thể thấy 1 hoặc 2 đồng tử màu trắng hay vàng khi chụp ảnh buổi tối có dùng đèn flash. Ngoài ra, bệnh còn có các biểu hiện lé lác, thị lực giảm, đỏ và tăng nhãn áp.

TS Hương cho biết tất cả trẻ em có cha mẹ hoặc anh chị em sinh đôi bị u nguyên bào võng mạc nên được bác sỹ nhãn khoa khám ngay sau khi sinh, khám mỗi 3 – 4 tháng cho đến tận 3 – 4 năm tuổi và mỗi 6 tháng cho đến tận 5 – 6 tuổi.

Để chẩn đoán bệnh này bác sĩ thường soi đáy mắt thấy khối đặc ở võng mạc mầu trắng xám, như phấn, mềm, dễ vụn.

Tỷ lệ sống thêm tương đương nhau ở trẻ trai và trẻ gái, hơi cao hơn ở trẻ da trắng so với trẻ da đen (94% so với 89%). Những bệnh nhân mà di căn thì thường di căn trong vòng 1 năm kể từ chẩn đoán. Sống thêm 5 năm không tái phát được xem là chữa khỏi.

Tiên lượng của trẻ bị di căn thì kém. Trong hầu hết các báo cáo, tỷ lệ sống thêm 1 năm đến 18 tháng ở những bệnh nhân có di căn theo đường máu khoảng 50%.

Theo tiến sỹ Phạm Thị Việt Hương, nghiên cứu 33 bệnh nhi chẩn đoán xác định UNBVM điều trị tại bệnh viện K từ 6/2005 đến 10/2009, sau 6 đợt hóa trị phác đồ Etoposide + Carboplatin đáp ứng hoàn toàn 90,9%, bảo tồn thị lực 87,2%.

Theo dõi 52 tháng, 81,8% đang sống khỏe mạnh, sống thêm không bệnh trung bình 17,2±16 tháng, tối đa 48 tháng. Sống thêm toàn bộ trung bình 19,5±16 tháng, tối đa 52 tháng.

Những người u nguyên bào võng mạc di truyền nếu sống thêm lâu dài thì có nguy cơ tăng bị ung thư thứ hai, cả sarcom và ung thư biểu mô chính vì thế cần tránh các tác nhân gây ung thư như hoá chất và khói thuốc lá.

Bức ảnh chụp trong đêm tiết lộ giấu hiệu căn bệnh ung thư nguy hiểm - Ảnh 2.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại