BS Võ Xuân Sơn: Tiêu cực của ngành y không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế

BBT |

"Những tiêu cực của ngành y gây nên những bức xúc của bệnh nhân và thân nhân, nhưng nó không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế", bác sĩ Võ Xuân Sơn nhận định.

Hỏi: Theo ông, nạn bạo hành y tế hiện tại ở VN đang nghiêm trọng đến mức nào? Ông có thể so sánh với 1 số nước trong khu vực? (độc giả Trung Trần)

BS Võ Xuân Sơn: So với các nước phát triển hơn chúng ta như Mỹ hay Ấn độ, số lượng vụ bạo hành y tế không đến mức trầm trọng về số lượng nhưng chủ yếu do truyền thông đưa lên, và có thể do chúng ta thống kê chưa đầy đủ, không có nơi nào để nhân viên y tế (NVYT) báo cáo.

Nhưng về tính chất, các vụ bạo hành y tế (BHYT) càng ngày càng nặng nề, manh động, không có lý do liên quan đến tiêu cực trong ngành y. Trước kia BHYT xảy ra là do bức xúc với các tệ nạn của ngành y nhưng khoảng 2 năm trở lại đây, các vụ bạo hành do bức xúc không nhiều.

Điển hình 4 vụ trong dịp Tết vừa qua đều như vậy. Đơn cử như vụ ở Yên Bái, thân nhân người bệnh không có lý do gì để bức xúc. Vợ con anh đã mẹ tròn con vuông, chỉ vì trèo lên tường chĩa máy để quay hình bác sĩ bị phát hiện mà anh đánh người ta.

Tôi có trao đổi với một số bác sĩ ở các nước như Thái Lan, Malaysia, Philippine và Singapore thì họ rất ngạc nhiên. Ở đó cũng có bạo hành nhưng chủ yếu chỉ là bằng lời nói nặng nề và xúc phạm.

Một số trường hợp khác rơi vào các nhân viên điều dưỡng, nhưng việc bạo hành, đánh đập bác sĩ thì rất hiếm. Một số trường hợp bị xử phạt rất nặng nề. Do đó về sau, tình trạng ấy rất rất hiếm.

Hỏi: Phân tuyến kỹ thuật hiện tại hạn chế sự phát triển của các bệnh viện nhỏ, tuyến trước và tư nhân bằng cách tạo ra các giới hạn trần kỹ thuật cho mỗi tuyến. Việc này làm trầm trọng thêm tình trạng phân bố không đều bệnh nhân giữa các bệnh viện, bệnh nhân và bác sỹ có xu hướng bỏ bệnh viện nhỏ tuyến trước để về các bệnh viện lớn tuyến sau.

Các bệnh viện lớn tuyến sau quá tải làm giảm chất lượng khám chữa bệnh, các bệnh viện nhỏ tuyến trước thiếu vắng bệnh nhân gây lãng phí, và tiếp tục không có kinh nghiệm và động lực để phát triển. Chính quá tải và giảm chất lượng khám chữa bệnh là nguyên nhân của bao lực! Ông có đồng ý với ý kiến này không? Nếu ông đồng ý thì hướng khắc phục? (độc giả Bui Nghia Thinh)

BS Võ Xuân Sơn: Tiêu cực của ngành y không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế - Ảnh 1.

BS Võ Xuân Sơn: Phân tuyến là một vấn đề của lịch sử. Trong chiến tranh và thời gian ngay sau đó, phân tuyến mang lại lợi ích và thích hợp cho ngành y tế vì nguồn lực của nhà nước không đủ nên không thể đầu tư dàn trải được.

Hiện tại với sự phát triển về kinh tế và khả năng của ngành y tế thì việc phân tuyến trở thành một rào cản cho ngành y. Bộ trưởng Nguyễn Thị Kim Tiến đã nỗ lực để phát triển các tuyến cho phù hợp, bất kể tuyến nào mà có đủ điều kiện để làm được các kỹ thuật ở tuyến cao hơn thì đều được phép.

Ví dụ: Nếu được phân tuyến, Bệnh viện Quận Thủ Đức chỉ là bệnh viện cấp huyện, tương đương bệnh viện hạng 3. Nhưng thực tế hiện nay, bệnh viện này đã được nâng cấp thành bệnh viện hạng 1 do họ đã làm được các kỹ thuật rất cao.

Song song đó, để tiếp cận nền y tế hiện đại thì Bộ y tế đã triển khai chương trình bác sĩ gia đình, là chương trình để tiếp cận với nền y tế hiện đại trên thế giới.

Còn vấn đề tương đối chưa bình đẳng lắm là về đầu tư. Tuyến Trung ương do Nhà nước đầu tư, tỉnh do tỉnh đầu tư, huyện do huyện đầu tư. Hiện tại bệnh viện tuyến Trung ương đã được đầu tư rất tốt, còn ở các bệnh viện tỉnh và huyện thì tùy thuộc vào sự quan tâm của lãnh đạo địa phương.

Ví dụ: Do lãnh đạo quan tâm nên quận Thủ Đức có đến hai bệnh viện lớn và rất phát triển.

Bác sĩ Bùi Nghĩa Thịnh nói quá tải ở bệnh viện tuyến trên là nguyên nhân khiến bạo hành y tế xảy ra, nhưng anh cũng đưa con số thống kê rằng 80% số vụ bạo hành là xảy ra ở tuyến dưới chứ không phải ở tuyến trung ương. Cho nên nói việc phân tuyến khiến cho bạo hành y tế xảy ra thì theo tôi chưa chính xác.

Không thể kết luận được rằng việc giảm chất lượng khám chữa bệnh ở tuyến dưới là một nguyên nhân gây bạo hành y tế vì chưa có gì chứng minh được điều này. Theo ý kiến của tôi, khả năng bạo hành ở tuyến dưới cao hơn là vì đội ngũ bảo vệ và trang thiết bị bảo vệ không được đầy đủ.

Ví dụ: Ở Bệnh viện Bạch Mai, khi có một vụ bạo hành xảy ra thì có hệ thống camera ghi nhận lại đầy đủ và sau đó thủ phạm bị xử lý theo pháp luật, đi tù hoặc lực lượng bảo vệ và công an tham gia xử lý nhanh chóng. Trong khi đó, ở các bệnh viện tuyến dưới, điều này không được tốt như vậy.

Hỏi: Gửi bác sĩ Võ Xuân Sơn, tôi là một y tá công tác lâu năm trong ngành Y tế. Nhìn thấy nạn bạo hành nhân viên y tế ngày càng gia tăng, thực sự tôi rất đau lòng.

Tôi tha thiết mong những người có vị trí, có tiếng nói như các bác sĩ hãy hiến kế giúp Bộ y tế có giải pháp bảo vệ các nhân viên y tế. Cụ thể, bác sĩ đã có giải pháp gì chưa? (độc giả Lưu Hoàng Quỳnh, Tĩnh Gia, Thanh Hoá)

BS Võ Xuân Sơn: Việc chống bạo hành y tế là công việc lâu dài và đòi hỏi cả một tập thể lớn tham gia, không riêng nhân viên y tế hay cả các cấp lãnh đạo, các cơ quan chức năng.

Ở Mỹ, việc chống bạo hành y tế đã được nói đến từ 1990 và đến tháng 1.2015, sau một vụ viêc 1 bác sĩ bị bắn chết tại nhà thì xã hội mới nhận ra rằng các hệ thống luật lệ hiện hành vẫn còn chưa đủ và cần các giải pháp mới.

Một quốc gia phát triển như Mỹ mà còn cần cả một thời gian dài như vậy để thực hiện công cuộc chống bạo hành y tế. Nên nước ta cũng vậy.

Vấn đề chính của bạo hành y tế ở VN hiện nay là các cơ quan chức năng, cụ thể là Công an, Tòa án, VKSND… ít quan tâm và thờ ơ với nó. Khi trang Chống bạo hành y tế gửi kiến nghị đến các cơ quan chức năng trên thì không có một ai trả lời ngoài Bộ Y tế.

Một ví dụ cụ thể là vụ bạo hành y tế xảy ra ngày 22/5/2015 ở Bệnh viện Đa khoa huyện Kim Thành tỉnh Hải Dương. Một bác sĩ khoa ngoại bị bệnh nhân chém bị thương nặng ba ngón tay, phải khâu và mất một thời gian mới mổ lại được.

Bệnh viện này đã gởi đơn tố cáo lên Công an huyện ngay sau khi sự việc xảy ra nhưng cho đến nay, tức là hơn 2 năm, vụ việc vẫn chưa được phản hồi.

Điều này cũng đã được nêu trong kiến nghị của trang Chống bạo hành y tế nhưng cũng không được cơ quan chức năng nào trả lời.

Như mới đây nhất là vụ ở Bệnh viện Sản Nhi Yên Bái xảy ra vào mùng 5 Tết vừa rồi, tức 22.2.2018. Chồng của sản phụ sinh mổ mẹ tròn con vuông nhưng đã kéo đến 15 người vây đánh bác sĩ khiến 2 bác sĩ bị thương nặng và 1 bác sĩ phải khâu 20 mũi ở đầu và mặt. Đến hôm nay hơn nửa tháng rồi nhưng chưa có người nào trong nhóm hành hung bác sĩ bị bắt cả.

Như thế, việc đầu tiên của Chống bạo hành y tế là phải lôi kéo được sự quan tâm của xã hội và của các cơ quan chức năng. Bộ trưởng Bộ Y tế cũng từng phải phát biểu rằng Bộ Y tế rất cô đơn trong việc chống bạo hành y tế.

BS Võ Xuân Sơn: Tiêu cực của ngành y không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế - Ảnh 2.

Hỏi: Một nền y tế phải hứng chịu tình trạng bạo hành tràn lan như VN chắc chắn để lại rất nhiều hậu quả. Đề nghị bác sĩ hãy chỉ rõ những hậu quả cho người dân được biết, có thể như vậy họ mới sợ mà không bạo hành bác sĩ nữa chăng? ( hongocgiau_nsm@gmail.com )

BS Võ Xuân Sơn: Thứ nhất, bạo hành y tế khiến cho thầy thuốc cảm thấy không an toàn ngay chính trong môi trường làm việc hàng ngày của họ. Do vậy, họ bị phân tâm và không còn tâm trí để thực hành chuyên môn, từ đó có thể dẫn tới các sai sót y khoa và người hứng chịu lại chính là người bệnh.

Hậu quả thứ 2 là các bệnh viện, các thầy thuốc sẽ phải đầu tư nhiều cho việc chống bạo hành y tế như lắp đặt camera và hệ thống bảo vệ. Điều này sẽ giảm đầu tư vào chuyên môn y khoa.

Hậu quả thứ 3 là đã có những nhân viên y tế tự tử hoặc không còn muốn tiếp tục hành nghề. Rất nhiều người, trong đó có cả tôi không muốn cho con cái mình đi theo ngành y nữa. Tất cả những điều đó khiến cho nền y tế không được phát triển lành mạnh.

Thêm nữa, có những bệnh nhân rất tôn trọng thầy thuốc nhưng việc bạo hành y tế khiến người thầy thuốc cảm thấy bất an và luôn có tâm trạng đề phòng với bất cứ bệnh nhân nào. Điều này khiến cho quan hệ thầy thuốc - bệnh nhân bị méo mó.

Hỏi: Thưa bác sĩ, nói là khi người nhà đánh bác sĩ thì sẽ thiệt hại cho bệnh nhân không được bác sĩ cứu chữa hết mình, nhưng thật ra tôi thấy các ca đánh chửi doạ bác sĩ, các bác sĩ đều sợ hãi mà vẫn cứu chữa cho bệnh nhân bình thường.

Có phải vì không thấy bị thiệt hại gì nên họ cứ vô tư đánh bác sĩ không? Bác sĩ nên có thái độ cứng rắn, từ chối điều trị để người nhà và bệnh nhân e ngại mà không dám bạo hành bác sĩ. (FB Hồ Hoàng Hương gửi BS Võ Xuân Sơn)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Tôi rất đồng ý với ý kiến của bạn, nhưng hiện tại Luật Khám chữa bệnh không cho phép nhân viên y tế từ chối khám chữa bệnh khi bị hành hung. Đây là một vấn đề rất bất hợp lý trong luật, làm cho nhân viên y tế hoàn toàn bị yếu thế trước những vụ bạo hành.

Thủ phạm hành hung bác sĩ không bị gánh chịu hậu quả nào, điều này vô hình chung khuyến khích họ và những người khác tiếp tục thực hiện những vụ bạo hành khác. Theo tôi, nhân viên y tế phải được phép từ chối khám chữa bệnh khi môi trường và khu vực làm việc không bảo đảm an toàn.

Ở Mỹ, các bệnh viện phải thực hiện việc ghi nhận, đánh dấu khu vực nguy cơ/ những cá nhân có nguy cơ gây bạo hành y tế và thông báo cho các cơ sở y tế khác về những trường hợp đó. Từ đó, các nhân viên y tế nhận biết nguy cơ và tiến hành các biện pháp bảo vệ mình khi thăm khám cho các bệnh nhân như vậy.

Hỏi: Khi trả lời phỏng vấn, BS Võ Xuân Sơn cho rằng: Trước mắt, các bác sĩ cần phải tự biết bảo vệ mình. Vậy theo anh, các bác sĩ cần làm gì để thực hiện điều đó? Luật khám chữa bệnh nên có điều khoản ghi rõ nếu người bệnh, người nhà bệnh nhân hành hung nhân viên y tế sẽ bị xử lý thế nào không? (FB Hoang Ha Bui)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Thứ nhất, các bác sĩ hay các thầy thuốc nói chung phải tự trang bị kiến thức nhận biết nguy cơ khi bước vào môi trường làm việc. Đặc biệt là những khu vực có thể xảy ra bạo hành y tế thì họ cần tự tìm và dự kiến lối thoát hiểm cho bản thân.

Tại Mỹ, các cơ quan chức năng bắt buộc các bệnh viện phải thiết kế lối thoát hiểm tại các khu vực có thể xảy ra bạo hành y tế. Còn ở Việt Nam thì chưa có quy định này.

Khi có nguy cơ bị bạo hành, bác sĩ phải tạo cho mình lợi thế số đông bằng sự hiện diện của các đồng nghiệp và thân nhân bệnh nhân khác ủng hộ mình bằng cách la lớn liên tục, bấm chuông báo động….

Cuối cùng là nếu vẫn không thoát hiểm được, không có sự hỗ trợ và bảo vệ của đồng nghiệp, của thân nhân người bệnh khác và lực lượng bảo vệ, bác sĩ phải tự chống trả.

Nhân viên tại phòng khám của tôi được huấn luyện các kỹ năng như giật màn cửa tung về phía kẻ bạo hành để trùm họ lại hoặc ném các vật dụng có tại chỗ để làm chùn bước kẻ hành hung.

Hỏi: Từng đưa người thân điều trị bệnh cả tuyến tỉnh và tuyến trung ương, tôi có nhận xét thế này: Ở tuyến tỉnh, nhân viên y tế có thái độ khó khăn hơn, tức là bệnh nhân hỏi thăm về tình hình bệnh tật của mình rất khó, thường không rõ bệnh tình của mình ra sao, điều trị thế nào.

Cũng bệnh đấy lên tuyến trung ương được giải thích rõ ràng ngay, phác đồ điều trị công khai, ngay cả chi phí thuốc hàng ngày hết bao nhiêu cũng được biết rõ nên biết được bảo hiểm đã chi trả cho mình bao nhiêu, mình phải bỏ tiền túi ra bao nhiêu.

Tôi nghĩ, thông tin về tình hình bệnh tật không được nói rõ, chi phí y tế không rõ ràng chính là nguồn cơn gây ra những bức xúc của bệnh nhân và người nhà. Chuyên gia có đồng ý với tôi không? ( hovanthinh.1974@yahoo.com )

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Đồng ý nó là nguyên nhân gây ra bức xúc cho bệnh nhân và người nhà, nhưng tôi không đồng ý nếu nói rằng bức xúc này là nguyên nhân gây ra bạo hành. Vì thực tế là càng ngày các vụ bạo hành y tế không bắt nguồn từ bức xúc của bệnh nhân.

Hỏi: Nhiều người cho rằng trong nhiều năm qua, truyền thông là một nguyên nhân khiến người dân hiểu sai lệch về ngành y tế, dẫn đến thái độ căm ghét, kỳ thị nhân viên y tế. Ông có đồng quan điểm với nhận định trên không? Nếu đồng quan điểm, xin ông dẫn chứng cụ thể.(hoangxuanca.555@gmail.com )

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Trên thực tế có nhiều bài báo, sản phẩm truyền thông nói chưa chính xác về ngành y. Điều này xuất phát từ nhiều nguyên nhân, trong đó không loại trừ có các tờ báo, bài báo đưa tin một cách ác ý, nhưng khi đi sâu vào các sản phẩm truyền thông này thì thấy bản thân ngành y tế rất đặc thù nên không phải ai cũng hiểu được.

Ví dụ là trường hợp bệnh nhân gãy xương đùi ở Đà Nẵng tử vong. Rất nhiều cơ quan truyền thông cho rằng gãy xương đùi không thể dẫn đến tử vong nhưng thực tế tỷ lệ gãy xương đùi dẫn đến tử vong rất cao. Khi thông tin chuyên môn này được nhiều BS đưa lên thì những vụ sau đó đã được báo chí đưa tin đúng với chuyên môn hơn.

Gần đây, hệ thống truyền thông nói chung đã nhận thức khá rõ về những nguy cơ của bạo hành y tế và phần lớn tờ báo, đài truyền hình đã tham gia chống bạo hành y tế tích cực. Khi trả lời phỏng vấn Đài truyền hình VTV trong tuần vừa rồi, tôi cũng đã nhận xét đây là một thành công của việc chống bạo hành y tế cho đến giờ.

Tất nhiên với gần 1.000 tờ báo thì không thể đòi hỏi 100% đều ủng hộ ngành y tế và ủng hộ việc chống bạo hành y tế.

BS Võ Xuân Sơn: Tiêu cực của ngành y không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế - Ảnh 3.

Thái độ của nhân viên y tế với bệnh nhân. (Ảnh minh họa)

Hỏi: Người ta nói nhiều đến thái độ của nhân viên y tế: Vô cảm, không chia sẻ với bệnh nhân, khám bệnh qua loa, giải thích không rõ ràng, ăn tiền bệnh nhân... là những nguyên nhân gây nên bức xúc với người đi khám chữa bệnh.

Theo ông, đây có phải là nguyên nhân chính gây nên sự bức xúc và bạo hành y tế không? Có thể ông sẽ phủ nhận thì xin ông chỉ ra các nguyên nhân khác? ( diendandung@vaga.vn )

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Tôi đồng ý những tiêu cực của ngành y tế là nguyên nhân gây nên những bức xúc của bệnh nhân và thân nhân, nhưng nó không phải là nguyên nhân chính gây ra bạo hành y tế.

Bạo hành y tế được chia ra làm nhiều loại. Loại thứ nhất là những mâu thuẫn ngoài xã hội được giải quyết trong bệnh viện.Ví dụ: Một nhóm côn đồ đánh nhau ngoài đường bị thương tích. Khi được cấp cứu trong bệnh viện, họ tiếp tục kéo nhau vào đánh tiếp và tiện tay đánh luôn cả nhân viên y tế, phá hoại trang thiết bị bệnh viện.

Nhóm thứ 2 và thứ 3 là mâu thuẫn giữa các nhân viên y tế với nhau và giữa các thành viên trong gia đình của nhân viên y tế.Ví dụ: Đánh ghen nhưng chủ yếu ở nước ngoài. Còn ở VN hiện nay chưa ghi nhận các báo cáo về trường hợp này.

Nhóm thứ 4 là bệnh nhân và thân nhân bệnh nhân hành hung thầy thuốc.

Ở Việt Nam, trong khi theo dõi các trường hợp bạo hành y tế trong thời gian gần đây, khoảng 1/3 là thuộc trường hợp thứ 1.

Các vụ thuộc nhóm thứ 4 lại xuất phát từ các nguyên nhân khác, ví dụ các đòi hỏi quá đáng từ phía người nhà bệnh nhân, ví dụ bệnh nhân đã tử vong trước khi đưa vào bệnh viện nhưng người nhà lại đòi hỏi bác sĩ phải cứu sống.

Như vụ xảy ra ở Bệnh viện huyện Bố Trạch, Quảng Bình vào tối mùng 10 tết vừa qua (25/2/2018). Có 2 người khi đưa vào cấp cứu thì đã ngưng tim ngưng thở. Nhưng khi các bác sĩ đang cấp cứu thì có một nhóm người quay phim lại quá trình cấp cứu và đe dọa là nếu không cứu sống thì sẽ hành hung bác sĩ.

Một ví dụ nữa vào 29 tết (24/2/2018), một tài xế xe 4 chỗ ngăn cản không cho xe cấp cứu vượt trước mặc dù trên xe cấp cứu đang chở một bệnh nhân rất nặng (bệnh nhân này sau đó tử vong). Khi xe cấp cứu vượt qua, tài xế này rượt đuổi theo đến tận Bệnh viện Hùng Vương (Phú Thọ) và hành hung tài xế xe cấp cứu.

Rõ ràng, những vụ này hoàn toàn không có nguyên nhân từ bức xúc do thái độ làm việc của nhân viên y tế.

Qua theo dõi, tôi nhận thấy những vụ này có những nguyên nhân sau: Họ cho rằng khi hành hung nhân viên y tế thì sẽ nhận được sự quan tâm/ưu tiên dành cho người nhà của họ. Đây gọi là hành hung chủ động, có mục đích.

Nguyên nhân thứ 2 là tính côn đồ trong một số người, có những người giải quyết bất cứ sự khó chịu, mâu thuẫn… đều bằng bạo lực, kể cả những khó chịu vô lý (vụ tài xế xe cấp cứu bị hành hung ở trên chẳng hạn).

Hỏi: Có nên xây dựng những phòng làm việc riêng, có hệ thống camera giám sát, lực lượng bảo vệ để là nơi cho các y bác sĩ trao đổi với gia đình bệnh nhân không thưa bác sĩ? Đây cũng sẽ là cách để giảm tình trạng "vòi vĩnh" tiền của người bệnh và gia đình đang diễn ra rất phức tạp, khó kiểm soát. (FB Long Nguyễn)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Đây là việc rất cần làm nhưng không phải để chống bạo hành y tế mà là để bảo đảm sự trong sạch cho ngành Y. Vì như chúng ta đã nói, số vụ liên quan đến bức xúc không nhiều. Huấn luyện các kỹ năng chống bạo hành là cần thiết và nó là một phần trong giải pháp.

Điều chúng ta có thể làm ngay và hiệu quả nhất là kêu gọi sự quan tâm thiết thực của các lãnh đạo các cơ quan chức năng như Công an, VKSND, các cơ quan công quyền và hoàn thiện hệ thống pháp luật để làm cơ sở cho chống bạo hành y tế.

Cụ thể ở Mỹ, sau vụ bắn chết bác sĩ năm 2015 thì điều luật A2309/S911 được sửa lại. Theo đó, tất cả hành vi tấn công nhân viên y tế đều bị trừng phạt. Cụ thể, các hành vi tấn công gây thương tổn thân thể cho nhân viên y tế được xếp vào tội phạm mức độ 3, bị phạt tù từ 3-5 năm, phạt tiền đến 15.000 USD.

Các hành vi tấn công nhân viên y tế khác bị xếp vào tội phạm mưc độ 4, phạt tù đến 18 tháng và phạt tiền đến 10.000 USD. Ngoài ra, những hành vi bạo hành nhân viên y tế đơn lẻ sẽ bị giam giữ đến 6 tháng và phạt tiền đến 1.000 USD.

Ở Trung Quốc, Ấn Độ, khi nạn bạo hành y tế gia tăng, cũng giống như Việt Nam hiện nay, thầy thuốc ở 2 quốc gia này đã có cac cuộc biểu tình rất lớn. Sau đó, các cơ quan chức năng đã quan tâm hơn đến việc chống bạo hành y tế. Năm 2017, nạn bạo hành y tế ở Trung Quốc đã giảm xuống thấy rõ.

Còn ở Việt Nam, các cơ quan chức năng, cơ quan lập pháp hiện nay chưa chú ý đến việc chống bạo hành y tế đầy đủ. Quốc hội vừa qua có sửa đổi một số điều luật liên quan đến bạo hành y tế nhưng việc này chưa được cân nhắc đầy đủ.

Cụ thể việc quy định phạt những hành vi tấn công người chữa bệnh cho mình hoàn toàn không rõ ràng, nhưng thực tế người tấn công thầy thuốc lại không phải người bệnh mà là người nhà của họ hoặc thậm chí là người chẳng có liên quan gì đến người bệnh, ví dụ vụ tài xế xe cấp cứu bị hành hung tôi vừa nói trên kia, hoặc vụ chủ tịch phường cầm ghế truy đuổi các nhân viên y tế trước kia.

Hỏi: Xin hỏi bác sĩ Sơn, tóm lại nếu cần nói nổi bật 5 NGUYÊN NHÂN CHÍNH nhất của bạo hành y tế thì lần lượt nó là gì và giải pháp tương ứng cho từng nguyên nhân (hoanghai_nanocam@gmail.com)

Bác sĩ Võ Xuân Sơn: Theo tôi, biện pháp trước mắt là:

(1) Tạo ra cơ sở pháp lí cho việc xử lí những kẻ hành hung nhân viên y tế. Hiện nay, chúng ta đang đánh đồng việc một kẻ hành hung một bác sĩ đang thực hiện nhiệm vụ cứu chữa người với việc hai kẻ say rượu đánh nhau ngoài đường phố.

(2) Có những qui định bắt buộc các lực lượng chức năng có nhiệm vụ bảo vệ trật tự xã hội phải có trách nhiệm bảo vệ các bệnh viện và các cơ sở y tế. Phải bố trí công an, cảnh sát túc trực tại các điểm nóng về y tế.

(3) Trang bị cho nhân viên y tế và các cơ sở y tế kĩ năng xử lí khủng hoảng, kĩ năng cô lập và sẵn sàng trấn áp khi có kẻ manh động.

(4) Thiết kế lại tất cả các khu vực "nóng" trong các cơ sở y tế, phải được thiết kế có đường thoát hiểm, cho cả bệnh nhân và nhân viên y tế.

(5) Nhận diện nguy cơ, bao gồm cả việc ghi nhận và thông báo trong ngành những người có tiền sử bạo hành nhân viên y tế, có đánh dấu để nhận diện.

(6) Cho quyền các cơ sở y tế từ chối khám chữa bệnh đối với những trường hợp đã hoặc có nguy cơ gây nguy hiểm cho nhân viên y tế (trừ trường hợp cấp cứu khẩn cấp).

(7) Lập phương án khả thi, diễn tập thoát hiểm, song song với việc trấn áp những kẻ manh động. Tất cả nhân viên y tế rời khỏi hiện trường nơi xảy ra bạo hành y tế, cho đến khi an ninh của khu vực đó được lập lại, bảo đảm an toàn tính mạng cho tất cả các nhân nhân viên y tế.

- Đối với tất cả bệnh nhân tại khu vực xảy ra bạo hành: Trừ các trường hợp tối khẩn cấp, có nguy cơ gây tử vong cho người bệnh ngay lập tức, tất cả các hoạt động khác cần được ngưng lại ngay, và chỉ được tiếp tục khi khu vực đó đã thực sự không còn nguy hiểm.

- Đối với bệnh nhân là chính người bạo hành, hoặc người nhà của người bạo hành: Chúng ta cũng chỉ cấp cứu cho những trường hợp tối khẩn cấp, có nguy cơ tử vong ngay lập tức, còn lại, việc cứu chữa sẽ chỉ được tiếp tục khi có sự bảo đảm an toàn cho nhân viên tham gia cứu chữa).

(8) Ban hành chuẩn mực ứng xử trong cơ sở y tế, bao gồm cả nhân viên y tế và người bệnh, thân nhân người bệnh. Trong đó, có những biện pháp chế tài khi không tuân thủ qui định. Đối với bệnh nhân, có thể tạm ngưng phục vụ hoặc từ chối khám chữa bệnh. Đối với thân nhân người bệnh có thể bị buộc phải ra khỏi khu vực, cấm đến gần nhân viên y tế.

Tích cực điều tra, và xử lí các tiêu cực của nhân viên y tế, làm trong sạch đội ngũ nhân viên y tế. Nhưng tuyệt đối không được xem đây là một nội dung chống bạo hành y tế.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại