BS Việt tại Mỹ: Điều cần biết về hiệu quả và tác dụng phụ khi trị mụn bằng thuốc ngừa thai

Tiểu Nhã |

Theo bác sĩ Huynh Wynn Tran - Tổ chức Y khoa VietMD tại Mỹ, việc sử dụng thuốc tránh thai để điều trị mụn ít được dùng do mất thời gian và nhiều người chưa hiểu rõ tác dụng.

Ai nên sử dụng

Bác sĩ Huynh Wynn Tran cho biết mụn là bệnh hay thường gặp, nhưng ít khi được chữa trị tận gốc. Tại Hoa Kỳ, khoảng 85% thiếu niên bị mụn, con số này giảm xuống 12% với phụ nữ. Trung bình cứ 10 người thì 1 người có mụn.

Tuy mụn không gây chết người, nhưng có thể ảnh hưởng trầm trọng đến tâm lý như trầm cảm, lo lắng, sợ hãi, và mất tự tin về bản thân. Chi phí chữa trị do mụn gây ra khoảng 3 tỉ USD hằng năm. Phần lớn bệnh nhân sau khi chữa trị mụn thấy đỡ hơn thì ngưng dùng thuốc, dẫn đến tỉ lệ tái phát cao.

Ngày càng có thêm bằng chứng cho thấy mụn là bệnh lý phức tạp do nhiều lý do như cơ địa nhạy cảm của da mặt, giới tính, ảnh hưởng di truyền, cách sống, và đặc biệt là hệ miễn dịch của từng người, gồm cả hệ miễn dịch bẩm sinh và miễn dịch thu được.

Vì vậy, chữa mụn ngày nay cần hỏi bệnh sử kỹ lưỡng để có thể tìm hiểu về cách sống và cách chăm sóc da, trước khi cho nhiều loại thuốc chữa trị kết hợp, gồm thuốc xức, thuốc uống, có thể dùng cả Laser và can thiệp xâm lấn như lăn kim.

Việc trị mụn bằng thuốc ngừa thai, theo bác sĩ Huynh Wynn Tran trong phác đồ trị mụn của Viện hàn lâm da liễu Hoa Kỳ, thuốc ngừa thai (Combined Oral Contraceptive drug) được khuyến cáo dùng ở mức độ cao nhất (IA) dựa trên các nghiên cứu về tính hiệu quả và an toàn sử dụng.

BS Việt tại Mỹ: Điều cần biết về hiệu quả và tác dụng phụ khi trị mụn bằng thuốc ngừa thai - Ảnh 1.

Sử dụng thuốc tránh thai trị mụn như thế nào?

Thực tế, ít có bác sĩ cho thuốc này vì nhiều lý do như thời gian bắt đầu có hiệu quả (bắt đầu thấy sự cải thiện) khá lâu, kéo dài từ vài tuần đến vài tháng và bất tiện do bệnh nhân phải uống mỗi ngày.

Thuốc ngừa thai chữa mụn bằng nhiều cách như hạn chế chất bã nhờn và giảm viêm do ức chế ảnh hưởng của hormon nam Androgen. Đây là loại hormone khiến phụ nữ mọc lông, tăng tiết bã, và rụng tóc. Giảm ảnh hưởng của hormone trên da được xem là một trong những cách chữa trị mụn hiệu quả và lâu dài.

Hiện nay, có 4 loại thuốc ngừa thai được FDA chấp thuận chữa trị nhưng cách chọn thuốc này tuỳ vào cơ địa và phản ứng với thuốc của mỗi bệnh nhân. Khi bệnh nhân có những tác dụng với một loại thuốc ngừa thai. Bác sĩ có thể chuyển qua loại khác mà vẫn có thể giữ nguyên hiệu quả chữa trị mụn.

Tuy nhiên, FDA chỉ chấp thuận dùng thuốc ngừa thai chữa trị mụn khi bệnh nhân hiểu và đồng ý muốn ngừa thai và muốn chữa trị mụn cùng một lúc. Nếu bệnh nhân không muốn ngừa thai thì bác sĩ cũng không nên dùng thuốc ngừa thai để trị mụn.

Tác dụng phụ của thuốc ngừa thai

Bác sĩ Huynh Wynn Tran cũng cho rằng mọi người cũng cần hiểu rõ về tác dụng phụ của thuốc tránh thai.

Thứ nhất, tác dụng phụ đầu tiên là rủi ro có cục máu đông. Mặc dù rủi ro này cực kỳ thấp. Tỉ lệ rủi ro mắc cục máu đông ở người bình thường là 1 đến 5 trên 10,000 phụ nữ trong 1 năm. Nếu dùng thuốc ngừa thai thì tỉ lệ này tăng lên 3 đến 9 trên 10,000 phụ nữ trong 1 năm.

BS Việt tại Mỹ: Điều cần biết về hiệu quả và tác dụng phụ khi trị mụn bằng thuốc ngừa thai - Ảnh 2.

Bác sĩ Huynh Wynn Tran, tổ chức y khoa VietMD tại Mỹ

Trong khi đó, tỉ lệ mắc cục máu đông ở phụ nữ có thai là 5 đến 20/10,000 phụ nữ trong năm, và phụ nữ sau khi sinh 12 tuần thì tỉ lệ mắc bệnh này lên đến 40-65 người trên 10,000 phụ nữ trong 1 năm.

Hiện nay, các bác sĩ thường không cho uống thuốc ngừa thai nếu bệnh nhân nữ hút thuốc lá và có tuổi. 

Tác dụng phụ khác là tăng rủi ro bệnh tim mạch như nhồi máu cơ tim, đặc biệt là rủi ro này tăng cao khi kèm theo hút thuốc lá, bệnh tiểu đường, và các bệnh nền khác.

Thứ hai, dùng thuốc ngừa thai cũng có thể tăng rủi ro ung thư vú, dù tỉ lệ tăng là gần như không đáng kể (RR = 1.08, 95% CI 1.00-1.17), tỉ lệ tăng cao khi dùng nhiều thuốc ngừa thai. 

Thuốc ngừa thai cũng có thể tăng rủi ro ung thư cổ tử cung trong khi đó thì cũng thuốc ngừa thai có thể giảm rủi ro một số loại ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư ruột, và ung thư niêm mạc tử cung.

Vì vậy, bệnh nhân nên thảo luận kỹ với bác sĩ trước khi dùng thuốc ngừa thai, thời gian dùng, và các biện pháp kết hợp trị mụn khác.

Ngoài ra, dùng thuốc tránh thai trị mụn cũng phải kiên trì vì các nghiên cứu chỉ ra sau 3-6 tháng dùng thuốc liên tục thì thuốc mới có tác dụng vì mỗi chu kỳ kinh nguyệt là 1 tháng và da mặt cần ít nhất 1-2 tháng để tái tạo lớp da mới.

Vì lý do này, nhiều bệnh nhân sau 1-2 tháng dùng thuốc ngừa thai mà không thấy tác dụng chữa trị mụn đã ngưng sử dụng. Trong lúc chờ đợi thuốc ngừa thai có tác dụng, bác sĩ có thể kê các loại thuốc xức hay trụ sinh để hạn chế mụn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại