BS Trương Hoàng Hưng (từ Mỹ): Da bé nổi 'bông', khi nào cần đi khám bác sĩ?

BS Trương Hoàng Hưng, từ Hoa Kỳ |

Mỗi ngày tôi đều phải trả lời những câu hỏi, những thắc mắc của mấy bà mẹ mới sinh con về các vấn đề về da.

Mẹ tân binh hay mẹ cựu binh đều có nhiều lo lắng về các tổn thương da của em bé. Bài này tặng các bà mẹ để có chút hành trang trong thời gian nuôi con, để các mẹ đừng quá lo lắng, để ngủ được ngon giấc hơn.

Xin chỉ đề cập đến các loại ban ở trẻ sơ sinh, không đề cập tới các loại vết bớt (birthmark). Đó sẽ là một bài khác nếu các mẹ có nhu cầu.

Vì sao trẻ sơ sinh có nhiều bệnh về da?

BS Trương Hoàng Hưng (từ Mỹ): Da bé nổi bông, khi nào cần đi khám bác sĩ? - Ảnh 1.

Có nhiều lý do: vì trẻ mới ra đời, da còn chưa phát triển hoàn thiện và nhạy cảm; vì cơ thể còn chưa hoạt động tốt; vì mẹ tặng bé quá nhiều hormone làm bé muốn "dậy thì"; vì bé bị ủ quá nhiều; vì thời tiết quá nóng hay quá lạnh…

Da nổi bông (Curtis Marmorata)

Hiện tượng da nổi bông với các viền đỏ dạng lưới, là do hệ thống mạch máu của trẻ chưa trưởng thành khi đáp ứng với nhiệt độ lạnh của môi trường. Hiện tượng này sẽ biến mất sau khi ủ ấm vùng cơ thể đó cho bé. Hiện tượng này có thể kéo dài tới vài tháng sau sinh, tuy nhiên cũng có thể gặp trên trẻ lớn và người lớn.

Khi trẻ bị sốc nặng cũng có hiện tượng này, nhưng khi đó trẻ đã bệnh rất nặng rồi và kèm theo các triệu chứng khác như tay chân lạnh, lừ đừ, bỏ bú, sốt hoặc hạ thân nhiệt, và không hết khi ủ ấm.

Da đổi màu kiểu Harlenquin (Harlenquin Color Change)

Là hiện tượng khi cho trẻ nằm nghiêng thì nửa bên người bên dưới chuyển màu đỏ, bên trên màu trắng, có thể tồn tại từ 30 giây tới 20 phút, sẽ tự hết khi bé vận động hay khóc. 

Hiện tượng này đươc cho là do trung tâm hạ đồi của não có nhiệm vụ kiểm soát vận động mạch máu chưa trưởng thành, và có thể gặp tới khoảng 3 tuần tuổi. Hiện tượng này khá phổ biến (10%), nhưng thường bị bỏ qua vì hầu hết là bé đã được ủ kín nên mẹ không nhìn thấy.

Mụn trứng cá sơ sinh (Acne Neonatorum)

Mụn tròn đỏ, nổi trên bề mặt da, có khi viêm đỏ hoặc hình thành mụn mủ nhỏ, gặp trên trán, mũi, má, cổ (có thể ở nơi khác). Gặp trên 20% trẻ. 

Là một triệu chứng của hội chứng dậy thì mini ở trẻ sơ sinh (mini-puberty syndrome), vì bé nhận được nhiều hormone từ mẹ nên nó nổi mụn, có trái chàm ở núm vú, có khi có cả kinh nguyệt nữa. 

Mấy đứa bon chen này từ từ sẽ hết trong vòng 4 tháng, hầu hết không cần điều trị, chỉ cần chăm sóc da tốt và giữ vệ sinh thôi. Trường hợp nặng có thể dùng Benzoyl Peroxide để điều trị.

Mụn trứng cá sơ sinh không liên quan gì tới mụn trứng cá tuổi dậy thì.

Mụn sữa (Milia)

Là những đám mụn tròn nhỏ màu trắng hay vàng nhạt do tích tụ chất keratine, hay găp ở vùng mặt, trán, cằm, nhưng có thể xuất hiện ở chân tay, thân người, dương vật và niêm mạc miệng. Gặp 50% trẻ sơ sinh. Thường tự hết trong vòng 1-3 tháng. Mụn này không liên quan gì tới sữa mẹ hay sữa bột hết, cái tên mụn sữa có lẽ là do màu sắc của nó thôi.

Bệnh kê (Miliaria)

Gần giống ban sữa, gặp ở mặt, cổ và thân người, do tắc tuyến mồ hôi. Ban là những hột trắng nhỏ, hơi cộm, không viêm đỏ xung quanh, sau đó tự vỡ ra. Thường gặp trong tháng đầu đời. Loại ban này khi bị nặng hơn sẽ hình thành ban nhiệt. Có tên này vì tổn thương giống như da gà. Bệnh lành tính không cần dùng thuốc, chỉ cần giữ gìn da được thông thoáng và sạch sẽ.

Ban nhiệt - Miliaria Rubra (Heat Rash)

Do tắc và viêm tuyến mồ hôi. Ban là những tổn thương dạng mụn viêm đỏ (papule hay vesicle) gặp ở vùng da bị che chắn quá nhiều do nóng. Phải tránh nhiệt độ nóng, ủ quá nhiều quần áo. Bác sĩ nên khuyến cáo cho bé tắm nước mát và ở trong phòng có máy lạnh. Ban lành tính và không gây biến chứng gì nặng.

Ban đỏ nhiễm độc (Erythema Toxicum Neonatorum)

Ban này tên nghe hơi sợ vì có chữ nhiễm độc chứ nó hiền khô. Gặp tới 60%-70% trên trẻ sơ sinh, từ ngày 2-3 kéo dài tới vài tuần, hay gặp ở trẻ đủ tháng hơn 2,5kg.

Ban dạng mụn hoặc mảng nhỏ, màu đỏ và có vùng da viêm đỏ xung quanh. Tiến triển thành những mụn mủ nhỏ với vùng da đỏ xung quanh, hay được mô tả như vết bọ chét cắn (flea-bite). Gặp ở da vùng mặt, thân người, chân tay nhưng không có ở lòng bàn tay bàn chân

Ban này không phải là nhiễm trùng dù có mụn mủ nhỏ, khi đem nhuộm và soi kính hiển vi chỉ gặp toàn bạch cầu ưa eosin (eosinophilia). Ban tự khỏi trong vài ngày tới vài tuần.

Mụn hắc tố thoáng qua (Transient Neonatal Pustular Melanosis)

Ban dạng này là dạng mụn (vesiculopuslular), tức là rờ lên da thì cảm thấy nó cộm nhẹ lên như môt cái hạt nhỏ, màu nâu và không có hiện tượng viêm xung quanh, ban loại này hiếm gặp hơn, gặp nhiểu ở người da đen (5%). Ban sẽ tự vỡ, hình thành những mảng nhỏ màu nâu và phai dần trong 3-4 tháng, không cần điều trị.

Viêm da tiết bã (Seborrheic Dermatitis) và chàm (Atopic Dermatitis)

Hai loại này rất thường gặp và dễ gây lẫn lộn, hoặc chồng chéo lên nhau.

Viêm da tiết bã được cho là do tác động của hormone lên vùng da có nhiều tuyến bả.

Ban dạng mụn đỏ, có khi hợp lại thành mảng da đỏ, khô nhám, có khi có chất nhầy hơi vàng trên bề mặt. Hay gặp ở mặt, cổ, tai, và những vùng có nếp da như dái tai, da sau tai, nếp da cổ và nách, da ở hai bên mũi, đôi khi ở vùng da mang tã. Da đầu thường hay có mảng bong tróc màu vàng (cứt trâu).

Bệnh thường tự hết trong vài tuần tới vài tháng. Điều trị bằng cách chà nhẹ với bàn chải mềm khi tắm để loại bỏ cứt trâu. Có thể dùng dầu thực vật bôi lên vào ban đêm và gội đầu vào buổi sáng. 

Có thể dùng kem hay dầu làm mềm da có chứa white petrolatum. Nếu không hết có thể gội đầu với dầu gội chứa Tar, kem hay dầu gội kháng nấm (Ketoconazole 2%). Có thể dùng steroid cream Hydrocortisone 1% trên vùng da có nhiểu tổn thương hay các nếp da viêm đỏ.

Chàm da (eczema) không được đề cập vì loại bệnh này hay gặp ở trẻ 3 tháng trở lên chứ không gặp nhiều ở trẻ sơ sinh. Tổn thương gần giống nhưng có vài đặc điểm phân biệt như sau:

Tuổi: Viêm da tiết bã thường trong tháng đầu, chàm thường sau 3 tháng.

Phân bố: gần như nhau, chỉ khác là viêm da tiết bã thường gặp ở các nếp da, còn chàm thì có thể gặp nhiều ở thân và tay chân, khuỷu tay.

Ngứa: Viêm da tiết bã thường không ngứa trong khi chàm gây ngứa. Viêm da tiết bã có chất nhầy vàng trên mặt, còn chàm thì thường là khô và đỏ.

Quá trình: Viêm da tiết bã thường không tái phát, tự hết, chàm thì đáp ứng điều trị nhưng hay tái phát.

Nãy giờ kể dông dài thì thấy con nít mới đẻ có nhiều thứ bệnh về da quá, nhưng có cái may là hầu hết các bệnh này đều lành tính và tự hết mà không cần điều trị gì.

Đặc biệt là không cần bôi sữa mẹ thần thánh lên đâu nhé, chỉ tổ gây kiến bu và nhiễm trùng.

Vậy thì khi nào các mẹ mới phải lo lắng và đưa bé đi khám bác sĩ?

- Bé có kèm các triệu chứng khác như sốt, bỏ bú, lừ đừ, vàng da sậm,… Con nít tuổi này chỉ có bú, ngủ và ị. Nó bỏ bú là có chuyện. Nó sốt là lẹ lẹ bồng đi bệnh viện liền.

- Tổn thương da ở lòng bàn tay, bàn chân (gặp ở giang mai sơ sinh).

- Tổn thương ở niêm mạc trong miệng, có thể do virus hay nấm.

- Da có những nhóm (cluster) các mụn mủ to, hay bóng nước, hay vết loét trên nền da đỏ, hay gặp do nhiễm các loại virus như CMV, Herpes, Varicella, rất nguy hiểm.

- Da có tổn thương dạng xuất huyết dưới da (petechiae hay purpura), đây là do bé có hiện tượng chảy máu dưới da, ban là những chấm hay mảng nhỏ màu đỏ tươi hay sậm, bề mặt láng không gờ lên, khi dùng hai ngón tay để hai bên đè mạnh và căng da ra hai bên thì không mất đi. Các loại tổn thương da này hay gặp khi nhiễm trùng huyết nặng hay các bệnh dễ gây xuất huyết, rất nguy hiểm.

Hy vọng thông tin sẽ giúp ích cho các bà mẹ và ông bố khi nuôi con. Chúc mọi người nuôi con khoẻ mạnh.

hung truong, md faap_sinfondo (1)

BS Trương Hoàng Hưng hiện công tác tại Phòng khám Nhi MD KIDS PEDIATRICS, TP Irving, Texas, Hoa Kỳ.

BS Trương Hoàng Hưng tốt nghiệp Đại học Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại Đại học Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

* Tiêu đề bài viết do tòa soạn đặt.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại