BS Trương Hoàng Hưng: Nguy cơ về những cái chết trong xe ô tô, cha mẹ nên biết để tránh

BS Trương Hoàng Hưng |

Số lượng xe ô tô càng ngày càng nhiều ở Việt Nam cộng thêm khí hậu nắng nóng quanh năm, vì vậy người Việt Nam nên biết về nguy cơ của những cái chết trong xe mà phòng tránh.

Ngày hôm qua, mạng xã hội và báo chí nháo nhào cả lên vì cái chết thương tâm của một em bé 6 tuổi bị bỏ quên trong xe đưa đón của trường cả ngày và tử vong. 

Có lẽ đây là lần đầu tiên chuyện này xảy ra ở Việt Nam, nhưng ở các nước mà xe ô tô là phương tiện di chuyển chủ yếu như Mỹ thì thường gặp lắm, nhất là ở xứ nóng như Texas nơi tôi ở. Mỗi năm ở Mỹ tròm trèm cỡ 40 đứa nhỏ chết tức tưởi vì cha mẹ bỏ quên trong xe, hầu hết ở các tiểu bang miền nam nóng gắt như Texas, Cali, Arizona, Florida, mà hàng đầu vẫn là Texas, chắc tại nó vừa rộng lớn vừa nóng.

Số lượng xe ô tô càng ngày càng nhiều ở Việt Nam cộng thêm khí hậu nắng nóng quanh năm, vì vậy người Việt Nam nên biết về nguy cơ của những cái chết trong xe mà phòng tránh.

Bị bỏ quên trong xe ô tô, trẻ có thể tử vong vì nguyên nhân gì?

1. Ngạt thở?

Một số bạn cho rằng khi bị bỏ quên trong xe trẻ sẽ bị ngạt thở vì không gian trong xe nhỏ, sẽ không đủ oxygen cho trẻ thở trong một thời gian dài. Chuyện này là không thể xảy ra.

Vì sao?

Một xe ô tô cỡ như Honda Pilot (tương đương với Fortuner ở VN) có dung tích không khí trong xe khoảng 4.800 lít (theo số liệu hãng Honda). Một người trưởng thành có thể tồn tại với 1.000 lít không khí trong 2 giờ, như vậy một người sẽ có thể tồn tại trong chiếc xe này khoảng 10 giờ. Trẻ em thì còn lâu hơn nữa.

BS Trương Hoàng Hưng: Dù bố mẹ tốt, đầy trách nhiệm vẫn có nguy cơ bỏ quên con trên ô tô! - Ảnh 2.

Tác giả: BS Trương Hoàng Hưng, tốt nghiệp ĐH Y Dược TP HCM năm 2000, sau đó làm nội trú Nhi khoa tại ĐH Y Dược TP HCM và Texas Tech University (TTU). Hiện đang hành nghề BS Nhi khoa và BS giảng dạy lâm sàng tại TTU, Texas, Hoa Kỳ.

Thế nhưng nếu bạn cho xe ô tô là khoang kín hoàn toàn là sai lầm. Vì trong xe có các lỗ thông gió cho máy lạnh, phần trước thông ra khoang động cơ phía trước, phần sau thông ra khoang hành lý phía sau. Cho nên không khí trong xe ô tô không kín hoàn toàn mà vẫn lưu thông cho dù bạn tắt máy xe và đóng kín cửa.

Trong một nghiên cứu về tác hại của hút thuốc trong xe, người ta đo tốc độ luân chuyển không khí trong xe khi xe đóng kín và tắt máy, cho thấy tốc độ lưu chuyển không khí là 1-3/h, có nghĩa là không khí trong xe sẽ được thay mới 1-3 lần trong 1 giờ, tuỳ theo cấu trúc xe và đời xe. Xe đời cũ không khí lưu thông nhiều hơn xe đời mới.

Giả sử một chiếc xe honda pilot có đủ không khí cho 1 người trong 10 giờ, thay mới không khí mỗi giờ 1 lần (chậm nhất), thì bạn sẽ không bao giờ hết oxy để thở, trừ khi có hai khả năng:

- Trong xe đang có hơn 10 người, nên thở hết không khí trước khi kịp thay mới trong 1 tiếng.

- Người trong xe đang sử dụng oxy nhanh khủng khiếp như đang chạy marathon.

Đọc tới đây bạn đã hiểu vì sao chuyện chết ngạt trong xe là không khả thi hay chưa?

Thực tế chứng minh rằng nhiều người Mỹ không có nhà, lấy xe làm nhà, đóng cửa xe khoá lại ngủ qua đêm cũng không sao cả. Từ xưa tới giờ chưa nghe ai nói bị chết ngạt vì ngủ quên trong xe.

2. Ngộ độc CO? 

Trẻ bị bỏ quên trong xe ô tô cũng không thể ngộ độc CO.

Ngộ độc khí CO phải có 2 điều kiện

- Nguồn khí CO (ở đây là máy xe đang hoạt động).

- Không gian kín khiến khí CO không phát tán được mà cứ quanh quẩn

Trên thực tế, ngộ độc CO trong xe hay gặp trường hợp nhà hư máy lạnh hay máy nóng, chủ nhà không chịu nổi thời tiết quá nóng hay lạnh mà thiếu hiểu biết bèn chui vào xe đang đậu trong garage (không gian kín), mở máy để dùng máy lạnh hay sưởi ấm (nguồn CO), sau đó ngất và tử vong. Còn có trường hợp thanh thiếu niên trốn cha mẹ vô xe trong garage mở máy để yêu đương,  xong cũng gặp nạn.

Xe đậu ngoài trời, dù mở máy đóng cửa cũng không ngộ độc CO vì khí CO phun ra từ ống bô xe phía sau phát tán rất nhanh ra môi trường xung quanh, trong khi phần lọc khí vào trong xe nằm phía trước, nên rất khó để ngộ độc CO. Trời Texas nóng như thiêu, tôi ngồi chờ con tôi đá banh, đóng cửa xe mở máy, ngồi viết bài gần 2 giờ cũng không sao.

Thật ra tất cả các trường hợp bị bỏ quên trên xe rồi chết là do sốc nhiệt (heat stroke).

Sốc nhiệt trong xe (VEHICULAR HEAT TROKE)

1. Sốc nhiệt trong xe là gì?

Trong tiếng Anh có cả cụm từ sốc nhiệt trong xe vì đây là những tai nạn rất hay gặp.

Khi đóng cửa tắt máy ngoài trời nắng, nhiệt độ trong xe sẽ tăng rất nhanh . Sau chỉ 10 phút đã tăng cao hơn bên ngoài 3-6OC. Trong 30 phút đầu tăng cao hơn bên ngoài 80%. Sau 60 phút thì tăng đến mức tối đa là gấp rưỡi nhiệt độ bên ngoài.

Một ngày nắng nóng 35-36OC, nhiệt độ trong xe có thể lên tới 50-60OC.

Mặc dù sờ vào rất nóng nhưng nhiệt độ trong xe tăng chỉ một phần nhỏ là từ thân xe, còn lại chủ yếu là do hiệu ứng nhà kính qua kính trước của xe.

BS Trương Hoàng Hưng: Dù bố mẹ tốt, đầy trách nhiệm vẫn có nguy cơ bỏ quên con trên ô tô! - Ảnh 4.

Ánh nắng mặt trời mang các tia bức xạ xuyên qua kính làm nóng các bộ phận bên trong xe như bảng điều khiển phía trước, nệm xe, tay lái… Các bộ phận này sau đó làm nóng không khí trong xe. Không khí nóng này bị nhốt lại trong xe, không phát tán ra ngoài được. Quá trình này cứ tiếp tục tiếp diễn như vậy. Nội thất xe màu càng tối thì càng nóng, nệm da nóng hơn nệm nỉ. Nói nôm na thì cái xe lúc này không khác cái lò nướng dùng năng lượng mặt trời là bao nhiêu.

Nhiều người hiểu lầm cho rằng chỉ có những ngày trời nóng mùa hè mới có thể bị sốc nhiệt trong xe. Thật ra không cần quá nóng, chỉ cần nắng. Nếu thời tiết ở ngoài khoảng 60oF (15C) thì nhiệt độ trong xe có thể lên tới 105oF (40,5oC) do hiệu ứng nhà kính này.

Trong một ngày nắng nóng 90oF (32oC), nhiệt độ trong xe có thể tăng tới 125oF (50oC) trong vòng 20 phút.

Hé mở kính xe không làm giảm nhiệt độ trong xe đáng kể, chỉ khoảng 1oC.

Chính vì vậy, khi đậu xe trong garage hay bóng râm, nhiệt độ trong xe cũng chỉ tương đương hoặc cao hơn chút ít so với môi trường bên ngoài thôi.

Một người bị kẹt trong cái lò nướng như vậy, nhiệt độ cơ thể sẽ tăng cao liên tục theo nhiệt độ trong xe khi cơ thể thải nhiệt không kịp (mà thải vào đâu?) và tạo nên tình trạng sốc nhiệt. Chết ngay sau chỉ 1-2 giờ (nói rõ đây không phải là chết ngạt, mất nhiều thời gian hơn).

2. Sốc nhiệt trong xe bắt đầu ở nhiệt độ bao nhiêu?

Sốc nhiệt bắt đầu khi nhiệt độ tới ngưỡng 40oC và tiếp tục tăng.

Khi nhiệt độ cao tới 40oC, cơ thể bắt đầu rối loạn chuyển hoá và cố gắng thải nhiệt ra ngoài bằng cách tiết mồ hôi (là cơ chế điều chỉnh chính khi nhiệt độ môi trường cao), lúc này là stress nhiệt (heat stress)

Sau đó nếu nhiệt độ vẫn tiếp tục tăng cao tới khoảng 42oC (107F), sẽ bắt đầu chuyển thành sốc nhiệt thật sự, kích phát quá trình chết tế bào. Sốc nhiệt mô phỏng cơ chế bệnh sinh của sốc nhiễm trùng, tiết ra các hoá chất trung gian trong quá trình viêm, gây ra hội chứng viêm cấp tính hệ thống (SIRS), làm tổn thương và chết tế bào ở hầu hết cơ quan trong cơ thể, bao gồm gan, tim, thận, não, cơ,... Bệnh nhân sẽ rơi vào hôn mê và tử vong.

BS Trương Hoàng Hưng: Dù bố mẹ tốt, đầy trách nhiệm vẫn có nguy cơ bỏ quên con trên ô tô! - Ảnh 5.

Trẻ em rất dễ bị sốc nhiệt vì cơ chế điều hoà nhiệt còn kém do tiết mồ hôi không tốt, tốc độ chuyển hoá cao, chưa biết cách thoát hiểm. Tốc độ tăng thân nhiệt của trẻ em nhanh gấp 3-5 lần so với người lớn. Chỉ cần một thời gian ngắn tính bằng phút sau khi nhiệt độ tăng cao là có thể bị sốc nhiệt, trẻ càng nhỏ càng nguy hiểm.

Lưu ý là chỉ khi nhiệt độ 40oC kéo dài và tăng cao thì mới gây sốc nhiệt.Từ trong nhà bước ra trời nóng cũng không sốc nhiệt được, vì nhiệt độ ngoài trời tuy nóng nhưng không làm tăng thân nhiệt tới mức đó, hơn nữa cơ thể vẫn tự điều chỉnh.

Ở Texas (Mỹ), nơi tôi sống, để con một mình trong xe hơn 5 phút bị coi là phạm pháp.

Hầu hết trẻ chết trong xe là dưới 3 tuổi (87%), nhưng có thể xảy ra từ lúc mới sinh tới 14 tuổi (1%)

Sốc nhiệt là gì?

Sốc nhiệt được định nghĩa là tình trạng nhiệt độ cơ thể cao hơn 40oC và kèm theo rối loạn về thần kinh.

Sốc nhiệt có 2 loại chính: liên quan tới vận động thể lực (Exertional Heat Stroke ESH) và không liên quan tới vận động thể lực (Non Exertional Heat Stroke NEHS).

ESH là sốc nhiệt gặp ở các vận động viên trong những ngày nắng nóng khi cơ thể tăng sinh nhiệt do vận động (có thể cao tới 10 lần so với trạng thái nghỉ ngơi) cộng với nhiệt độ môi trường cao.

NEHS là loại sốc nhiệt hay gặp ở người già, người có bệnh mãn tính, trẻ em, là những người có khả năng điều nhiệt kém.

Cả 2 loại đều rất nguy hiểm nếu không điều trị kịp thời.

Link tham khảo

http://www.kidsandcars.org/wp-content/uploads/pdfupload/heat-stroke-fact-sheet.pdf

https://noheatstroke.org

https://emedicine.medscape.com/article/166320-overview#a5

https://www.safekids.org/preventing-heatstroke

https://pediatrics.aappublications.org/content/pediatrics/116/1/e109.full.pdf

https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pubmed/9470106

 


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại