Bệnh nhân Lê. T.N (64 tuổi, Thanh Sơn, Uông Bí, Quảng Ninh) đến Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí khám vì đau nhức ngón 2 bàn tay phải.
Nữ bệnh nhân cho biết, 2 tuần nay bỗng dưng ngón tay 2 bàn tay phải của bà đau nhức tại gốc ngón tay. Đáng sợ hơn, bình thường ngón tay của bà cầm nắm dễ dàng thì gần đây ngón ấy rất khó khăn khi gập lại lòng bàn tay hay duỗi thẳng ra.
Để “điều khiển” được ngón này, bà thường phải dùng tay còn lại kéo ra nhưng ngón tay bật lại như có lò xo.
Tại bệnh viện, qua thăm khám, bệnh nhân được chẩn đoán bị ngón tay lò xo ngón 2 bàn tay phải. Các bác sĩ đã tiến hành dùng thuốc chống viêm, tiêm gân gấp tại chỗ cho người bệnh. Sau 5 ngày điều trị hiện tại người bệnh đã hết đau ngón tay, động tác duỗi ngón dễ dàng hơn...
Giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ may, người hay đánh máy... hay bị mắc hội chứng ngón tay lò xo
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Khoa Tâm thần kinh, Bệnh viện Việt Nam - Thuỵ Điển Uông Bí cho biết, nguyên nhân gây ra bệnh ngón tay lò xo (cò súng) là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân. Nguyên nhân do sự xơ dính giữa gân gấp ngón và ròng rọc giữ gân gấp, làm gân gấp bị dính vào ròng rọc khiến ngón tay không duỗi được.
Triệu chứng thường gặp của bệnh là đau ở lòng bàn tay vị trí các gốc ngón tay, có thể sưng nhẹ, ấn đau chói, đau tăng khi gập ngón tay... Bệnh lâu ngày dẫn đến xơ hóa gân gấp khiến khó cử động ngón tay, ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay (tư thế cò súng) hoặc duỗi thẳng. Siêu âm tại vị trí tổn thương có thể thấy gân gấp ngón tay dày lên và có dịch bao quanh.
Theo Ths.Bs Nguyễn Văn Thoan – Khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Việt Đức, ngón tay lò xo là tình trạng viêm bao gân của các gân gấp các ngón tay gây chít hẹp bao gân.
Một số trường hợp gân gấp bị viêm xuất hiện cục viêm xơ, làm di động của gân gấp qua vùng ngón tay bị cản trở. Mỗi lần gấp hay duỗi ngón tay rất khó khăn, bệnh nhân phải cố gắng mới bật được ngón tay ra hoặc phải dùng tay bên lành kéo ngón tay ra như kiểu ngón tay có lò xo.
Bệnh thường gặp ở nữ, đặc biệt ở phụ nữ mang thai, cho con bú, tiền mãn kinh; người mắc các bệnh lý về khớp như: viêm khớp dạng thấp, gout; ngón tay lò xo còn gặp ở người bệnh đái tháo đường; người bị chấn thường vùng cổ- bàn tay lặp lại.
Đặc biệt theo BS Thoan người dễ mắc bệnh căn bệnh này thường liên quan đến nghề nghiệp cần sử dụng đến cổ – ngón tay nhiều (giáo viên, nhân viên văn phòng, thợ may, người hay đánh máy…)
Để chẩn đoán bệnh các bác sĩ thường phải dựa vào triệu chứng lâm sàng tại chỗ.
Người bệnh bị đau ngón tay có thể bị kẹt ở tư thế gấp vào lòng bàn tay hoặc duỗi thẳng; Khám ngón tay có thể có sưng thậm chí có thể sờ thấy cục viêm xơ trên gân gấp ngón tay ở vị trí khớp đốt bàn ngón tay. Cục viêm xơ di động khi gấp duỗi ngón tay.
“Tùy thuộc vào giai đoạn của bệnh có thể lựa chọn các phương pháp phù hợp:
– Nghỉ ngơi, giữ ấm, vật lý trị liệu.
– Bất động bằng nẹp ngón.
– Thuốc NSAID toàn thân, tại chỗ.
– Tiêm steroid vào bao gân.
– Phẫu thuật giải phóng ròng rọc A1”, BS Thoan cho hay.
Ngoài các biện pháp trên, các bác sĩ Bệnh viện Việt Nam- Thuỵ Điển Uông Bí cũng cho biết có thể kết hợp với các phương pháp trong y học cổ truyền hoặc vật lý trị liệu, can thiệp ngoại khoa giải phóng bao gân trong trường hợp gân xơ hóa nặng.
Bác sĩ Nguyễn Thị Dung cũng nhấn mạnh, bệnh ngón tay lò xo nếu phát hiện và điều trị sớm có thể tránh được các biến chứng, thời gian điều trị ngắn, tiết kiệm chi phí, ít bị ảnh hưởng đến sinh hoạt và công việc.
Do đó, khi bạn có bất kỳ biểu hiện triệu chứng nào của bệnh, bạn nên đến cơ sở y tế gần nhất để có thể phát hiện sớm tình trạng bệnh và được điều trị kịp thời.