'Sốt' miếng dán giữ nhiệt
Chị Nguyễn Vân Anh (Lò Đúc, Hà Nội) tâm sự những ngày thời tiết giá lạnh vừa qua trong khi mọi người than thở mặc nhiều đồ ngã còn khó đứng lên thì chị vẫn không cần phải mặc quá dày. Chị Vân Anh cho biết có mua loại miếng dán giữ nhiệt để dùng, ban đêm đi ngoài đường không phải lo lạnh lẽo.
Theo chị Vân Anh, thành phần chủ yếu của miếng dán này là bột sắt, nước, vamiculite, than hoạt tính, muối. Chúng hoạt động theo nguyên tắc thẩm thấu ôxy qua màng ngăn với những lỗ li ti để thực hiện phản ứng tỏa nhiệt, sau đó dùng túi đóng gói để cách ly hoàn toàn với không khí. Sử dụng miếng dán giữ ấm giúp cơ bắp mệt mỏi nhanh chóng lấy lại sự thoải mái.
Chị Hà Chi, người bán hàng tại Hà Đông, Hà Nội, cho biết chị bán số lượng miếng dán giữ nhiệt rất nhiều khi trời lạnh. Mỗi ngày chỉ cần 1 miếng dán chẳng cần lo nhiệt độ xuống bao nhiêu vì luôn có 'lò sưởi' di động bên cạnh.
Miếng dán giữ nhiệt được bán với giá rẻ.
Theo chị Chi, hàng chị bán có xuất xứ ở Nhật Bản, ở đó người ta có mùa đông rất lạnh nên miếng dán giữ nhiệt là vật bất ly thân của mọi người. Chị Chi cho biết miếng dán chỉ có 25 nghìn túi 10 miếng có thể dùng được từ 8 đến 15 tiếng giúp cơ thể ấm hơn, không lo cảm lạnh.
Cũng bon chen mua miếng dán giữ nhiệt về dùng, chị Hằng (Đội Cấn, Hà Nội) than thở mấy ngày trước chị đi công tác cùng cơ quan lên Mộc Châu. Vì đã đặt lịch từ trước nên chị Hằng bất chấp thời tiết rét để đi. Khi lên tới nơi, nhiệt độ tại Mộc Châu là 2 – 3 độ C.
Quá lạnh, chị Hằng được bạn cùng đi cho miếng dán giữ nhiệt, chị dán trực tiếp lên bả vai. 1 tiếng sau, chị Hằng bị bỏng rát vùng dán miếng giữ nhiệt. Dù rất lạnh, chị Hằng vẫn phải chườm đá vết thương do bỏng từ miếng dán.
Nguy cơ bỏng, dị ứng
Theo bác sĩ Nguyễn Thống, nguyên Trưởng khoa Bỏng - BV Xanh Pôn – Hà Nội, trước đây thi thoảng khoa vẫn tiếp nhận một số ca bị bỏng do miếng dán giữ nhiệt. Trong thời gian lạnh này chưa có ca nào bỏng vì miếng dán giữ nhiệt nhưng đây cũng là cách giữ ấm lợi bất cập hại.
Bác sĩ Thống cho biết miếng dán giữ nhiệt tác dụng giữ ấm nhanh chóng, dễ dàng mua về và sử dụng, sản phẩm không quá lớn nên dán vào người không bị mất thẩm mỹ, ngoài ra, miếng dán có giá thành rẻ, phù hợp với mọi gia đình nên rất được ưa chuộng. Tuy nhiên, do nguồn nhiệt phát ra có thể ở nhiều mức nên miếng dán tiềm ẩn những nguy cơ gây hại cho cơ thể.
Miếng dán giữ nhiệt được xem là “bùa hộ mệnh” ngày lạnh tê tái.
Miếng dán giữ nhiệt có nhiệt độ khoảng 40 độ C nếu dán vào các vùng da mỏng trong thời gian lâu dễ gây bỏng da. Mặt khác, khi dán miếng dán lại mặc thêm quần áo ấm càng làm nhiệt lượng khó kiểm soát hơn, gây bỏng rát.
Thông thường khi da tiếp xúc với nhiệt độ 70 độ C trong 1 phút sẽ bị bỏng, còn nhiệt độ trên 50 độ cũng sẽ gây bỏng nếu dán trong thời gian khoảng 5 phút. 40 độ C trong khoảng 1 tiếng ở vùng da mềm sẽ gây bỏng.
Nhiệt độ của miếng dán không quá cao, nó sẽ chỉ làm chỗ da bị bỏng tấy đỏ, phồng rộp, tróc da hoặc nhợt nhạt. Tuy nhiên, nó cũng khiến người bị bỏng khó chịu và phải điều trị tích cực để khỏi bệnh.
BS Thống lưu ý nếu trường hợp quá lạnh, đến vùng lạnh đột xuất có thể sử dụng miếng dán giữ nhiệt nhưng không nên dán trực tiếp vào da, nên dán qua một lớp áo.
Ngoài nguy cơ bỏng, bác sĩ Thống cho biết miếng dán cũng có thể gây dị ứng da. Trước đây bác sĩ Thống từng gặp trường hợp vừa bỏng, vừa dị ứng da do dán miếng dán giữ nhiệt.
Không sử dụng miếng dán giữ nhiệt ở các vùng da như cánh tay, mặt trong chân, bụng. Tránh dán ở một vị trí trong một thời gian dài, luôn luôn chú ý quan sát tình trạng da, ngăn chặn nhiệt độ cục bộ quá cao gây ra bỏng ở nhiệt độ thấp. Dùng miếng dán cần có kiểm soát quá trình sinh nhiệt của nó.