Bốn người 1 nhà lần lượt phát hiện ung thư gan, bác sĩ chỉ ra thủ phạm cực quen trong bếp độc hơn thạch tín 68 lần

Ngọc Ái |

Tiết kiệm là đức tính tốt nhưng một số kiểu tiết kiệm sai lầm trong nhà bếp, ít ai để ý có thể kéo cả gia đình vào nhiều bệnh ung thư.

Một người phụ nữ họ Lưu, ngoài 50 tuổi (sống tại Trung Quốc) đột ngột phát hiện mắc ung thư gan sau khi đi khám vì ngứa da và mệt mỏi. Cụ thể, bà Lưu thường xuyên cảm thấy ngứa da, mẩn đỏ lòng bàn tay cùng một số vị trí khác nhưng không quá để tâm. Đến khi cơ thể lúc nào cũng mệt mỏi, da vàng hẳn đi mới chịu tới bệnh viện.

Bốn người 1 nhà lần lượt phát hiện ung thư gan, bác sĩ chỉ ra thủ phạm cực quen trong bếp độc hơn thạch tín 68 lần- Ảnh 1.

Người phụ nữ phát hiện ung thư gan vì không chịu thay thớt gỗ và đũa gỗ đã mốc nhiều năm trong bếp (Ảnh minh họa)

Sau khi nhận chẩn đoán ung thư gan giai đoạn 3, bà bắt đầu cố gắng tự tìm nguyên nhân và nhận ra nhiều người trong gia đình có triệu chứng tương tự mình. Bà Lưu sống trong căn nhà lớn của đại gia đình bao gồm 3 thế hệ. Trong lúc cố gắng thuyết phục mọi thành viên trong nhà đi tầm soát ung thư gan, bà cũng mời chuyên gia tới tận nhà để kiểm tra và vạch trần “thủ phạm” gây bệnh. Bởi bác sĩ của bà gợi ý rằng nguyên nhân gây bệnh là do lối sống hàng ngày, rất có thể liên quan tới thực phẩm hoặc môi trường sống.

Thật bất ngờ, các chuyên gia tìm thấy chất độc Aflatoxin gây ung thư cấp độ 1 trong thớt, đũa mà gia đình bà Lưu sử dụng hàng ngày. Gia đình bà Lưu vốn có tính tiết kiệm, lại thích những thứ hoài cổ nên chỉ dùng thớt gỗ và đũa gỗ. Nhưng điều quan trọng là họ dùng nó liên tục trong nhiều năm, ngay cả khi nấm mốc cũng chỉ cố gắng rửa sạch mà không vứt bỏ.

Thói quen xấu, sự tiết kiệm sai lầm này đã tạo cơ hội cho Aflatoxin hình thành, xâm nhập vào cơ thể thông qua quá trình ăn uống, hít phải. Cứ như vậy dẫn tới 4 người trong nhà bao gồm: bà Lưu, bố chồng của bà Lưu, anh trai chồng bà Lưu và con trai thứ hai của bà đều mắc ung thư gan.

Giải thích về lý do chỉ có 4 người mắc bệnh, bác sĩ cho biết họ thuộc nhóm người lớn tuổi và có miễn dịch kém trong gia đình. Hơn nữa, lượng Aflatoxin mỗi người hấp thụ cũng không giống nhau, khả năng thải độc, thể trạng, bệnh nền… cũng khác nhau. Hai người khác trong nhà cũng phát hiện bệnh lý nhẹ hơn về gan và cần được điều trị sớm.

Lý do thớt gỗ, đũa gỗ nấm mốc gây ung thư gan

Yan Zonghai, Giám đốc Trung tâm chống độc lâm sàng Linkou Chang Gung (Đài Loan, Trung Quốc) cảnh báo: “Aflatoxin thường có trong các thực phẩm, dụng cụ nhà bếp bị nấm mốc. Nó là một loại độc tố vi nấm được sản sinh một cách tự nhiên do một số loài Aspergillus (một loại nấm mốc) và độc gấp 68 lần thạch tín. Ngoài việc gây ra tình trạng ngộ độc cấp tính (liều khoảng 10mg có thể gây chết người) thì Aflatoxin còn được xem là nguyên nhân phổ biến gây xơ gan và ung thư gan. Nó được WHO xếp vào nhóm chất gây ung thư cấp độ 1”.

Trên thực tế, thớt và đũa là những vật dụng không thể thiếu trong mọi căn bếp nhưng nếu dùng lâu ngày hoặc làm sạch, bảo quản không đúng cách rất dễ sản sinh ra Aflatoxin. Bởi vì trong quá trình sử dụng, chúng sẽ trở nên thô ráp, sứt mẻ, dễ ngấm nước và cặn thức ăn trong khi lại rất khó làm sạch. Lâu dần rất dễ ở trạng thái ẩm ướt, nấm mốc và xuất hiện độc tố Aflatoxin gây ung thư gan và nhiều bệnh hiểm nghèo khác”.

Đặc biệt, theo Cục Dược phẩm và Thực phẩm (FDA) Hoa Kỳ, nấm mốc Aflatoxin hoạt động rất bền bỉ với nhiệt. Hoá chất này không bị phân huỷ khi đun nấu thông thường nên rất khó xử lý. Nên dù bạn có dùng đũa, thớt này để ăn thức ăn nóng, nấu ăn hay rửa với nước nóng thì cũng không thể xử lý chất độc hoàn toàn.

Bốn người 1 nhà lần lượt phát hiện ung thư gan, bác sĩ chỉ ra thủ phạm cực quen trong bếp độc hơn thạch tín 68 lần- Ảnh 2.

Không thể làm sạch hoàn toàn nấm mốc trên thớt hay đũa gỗ đã mốc lâu ngày, tốt nhất là nên thay mới (Ảnh minh họa)

Vì vậy, tốt nhất là nên thay đũa định kỳ 3 - 6 tháng một lần. Khi rửa đũa, hãy dùng miếng rửa bát chuyên dụng rửa kỹ từng chiếc một thay vì đặt đũa vào lòng bàn tay, lăn qua lăn lại. Bởi vì như vậy chưa đủ để làm sạch, nhất là khi bạn rửa nhiều chiếc đũa cùng lúc. Cũng nên vệ sinh thớt thật kỹ, chọn loại thớt chất lượng cao và thường xuyên thay mới 6 tháng - 1 năm 1 lần. Nên rửa thớt và đũa gỗ với nước ấm, để ở nơi khô ráo, khử trùng định kỳ bằng thuốc diệt nấm và luôn rửa lại trước mỗi lần sử dụng.

Nguồn và ảnh: TOPick, Health 2.0

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại