Đây chính là bước tiến trong lĩnh vực vũ khí hạt nhân quan trọng của Liên Xô giúp cân bằng cán cân vũ khí hạt nhân chiến lược với Mỹ và giúp nhân loại tránh được cuộc chiến tranh hạt nhân giữa hai siêu cường.
Nhân dịp 65 năm vụ thử bom RDS-6, nhiều thông tin của về vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Liên Xô đã được giải mật, trong đó có nhiều thông tin rất thú vị.
Bãi thử không xuất hiện trên bản đồ
Được phía Liên Xô đặt mật danh là “Động cơ phản lực đặc biệt”, còn phía Mỹ là Joe-4, nguyên mẫu bom nhiệt hạch RDS-6 được thử nghiệm tại bãi thử Semipalatinsk, khu vực rộng tới 18.000km vuông tại Kazakhstan (diện tích tương đương xứ Wales, Anh).
Bãi thử Semipalatinsk (vùng đánh dấu đỏ trên bản đồ).
Vụ thử được thực hiện dưới quyền chỉ huy của nhà vật lý hạt nhân Yulii Khariton và Andrey Sakharov. Toàn bộ vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Liên Xô được giám sát chặt chẽ bằng hơn 1.300 thiết bị đo đạc, cảm biến được đặt trong vỏ bọc cách ly bức xạ đặc biệt.
Rất nhiều phương tiện quân sự cũng được đặt trong phạm vi ảnh hưởng để đánh giá tác động của vụ nổ. Nguyên mẫu RDS-6 được đặt trên một tháp cao 40m và kích nổ khi chạm mặt đất.
Vụ thử nghiệm RDS-6 diễn ra vào sáng 12-8-1953. Hiệu ứng do vụ nổ gây ra có thể quan sát ở khoảng cách 100km, thậm chí âm thanh do vụ nổ tạo ra còn lan xa hơn nữa. Một đám mây bụi hình nấm có đường kính khoảng 1km từ từ bốc lên cao.
Sóng nhiệt và sóng xung kích phá hủy hoàn toàn các công trình trong phạm vi 4km. Bức xạ và ô nhiễm phóng xạ khiến sự sống trong khu vực bị hủy diệt.
Có một điểm đặc biệt là không thể tìm thấy tên và địa điểm bãi thử Semipalatinsk trên bất kỳ bản đồ nào ở thời điểm đó. Trên thực tế, Semipalatinsk là khu vực cấm, được quân đội Liên Xô kiểm soát nghiêm ngặt. Mọi hoạt động tiếp xúc với bên ngoài đều rất hạn chế.
Nhân viên, các nhà khoa học làm việc tại Semipalatinsk, sinh sống tại thành phố Kurchatov gần đó và địa điểm này cũng không nằm trên bản đồ. Các chuyến tàu chở hàng hóa và thiết bị tới Semipalatinsk đều được thực hiện vào ban đêm để giữ bí mật.
Trong suốt thời gian hoạt động, đã có hơn 200 vụ thử vũ khí hạt nhân được thực hiện tại Semipalatinsk.
“Lò nướng bánh” Sloika
Thiết kế của nguyên mẫu bom nhiệt hạch RDS-6 mang tên Sloika, tên một loại lò nướng bánh thời đó. Điều này do RDS-6 có hình cầu tương tự như một lò nướng bánh.
Thành phần chính của quả bom là các lớp đồng vị phóng xạ Uranium-238 kết hợp với nhiên liệu và thuốc nổ được xếp xen kẽ. RDS-6 sử dụng đồng vị Lithium-6 làm nhiên liệu chính. Khi phản ứng nhiệt hạch xảy ra, chúng kết hợp tạo ra đồng vị Tritium, tương tự như phản ứng trong lõi Mặt trời.
Ngay khi thử nghiệm, RDS-6 đã phù hợp để làm vũ khí.
Vụ thử nguyên mẫu RDS-6 có quy mô nhỏ hơn đáng kể so với vụ thử bom nhiệt hạch đầu tiên của Mỹ với tên gọi Ivy Mike năm 1952. Trong lần thử đó, nguyên mẫu bom hạt nhân của Mỹ đạt sức công phá tới 10,4 Megatone (hơn 10 triệu tấn thuốc nổ TNT).
Tuy nhiên, thiết kế của Ivy Mike không phù hợp để sử dụng làm vũ khí, khi nguyên mẫu nặng tới 54 tấn và không thể lắp trên bất kỳ máy bay ném bom nào. Trong khi đó, RDS-6 chỉ nặng 7 tấn, hoàn toàn có thể lắp lên máy bay ném bom Tu-16.
Vũ khí giúp thế giới tránh khỏi chiến tranh hủy diệt
Vụ thử bom RDS-6 có ý nghĩa rất quan trọng không chỉ với Liên Xô, mà cả với lịch sử nhân loại. Sự xuất hiện của RDS-6 đã ngăn cản ý định sử dụng vũ khí hạt nhân tấn công Liên Xô của Washington. Nếu cuộc chiến xảy ra, thế giới có thể bị hủy diệt bởi hiệu ứng mùa đông hạt nhân sau chiến tranh.
Ngoài ra, sự xuất hiện của RDS-6 là động lực quan trọng đối với ngành công nghệ tên lửa và du hành vũ trụ của Liên Xô.
Với sự ra đời của bom nhiệt hạch, Moscow đã giao nhiệm vụ cho Cục thiết kế Korolev phát triển tên lửa liên lục địa (ICBM) đủ khả năng tung đòn trả đũa tới lãnh thổ nước Mỹ, nếu chiến tranh xảy ra.
Sau khi được nhiều nhà khoa học, trong đó có Tổng công trình sư Sergei Korolev thuyết phục, lãnh đạo Liên Xô đã đồng ý phát triển cả biến thể dành cho mục đích dân sự của ICBM.
Điều này dẫn tới vụ phóng vệ tinh đầu tiên trong lịch sử nhân loại mang tên Sputnik-1 năm 1957. Tên lửa đẩy mang Sputnik-1 lên quỹ đạo là biến thể sửa đổi của ICBM R-7 Semerka.
Cuộc đua phát triển vũ khí hạt nhân giữa hai siêu cường Liên Xô và Mỹ chỉ tạm dừng vào tháng 10-1963, khi hai bên ký hiệp ước cấm các vụ thử hạt nhân mới. Năm 1996, Liên Hợp quốc thông qua Hiệp ước Cấm thử nghiệm hạt nhân toàn diện (CTBT).
Nga đã ký và thông qua hiệp ước, trong khi đó Mỹ dù ký, nhưng Quốc hội nước này lại không thông qua để hiệp ước có hiệu lực pháp lý.