Liên quan đến thông tin nhiều mặt hàng của nhà thầu trúng thầu gói thuốc tập trung quốc gia quý 3-2022 có số lượng tồn kho thấp không đủ hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho cơ sở y tế, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Thanh Dũng, Giám đốc Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia (Bộ Y tế), cho biết hầu hết các mặt hàng thuốc trúng thầu tập trung cấp quốc gia hiện nay đã đảm bảo khả năng cung ứng cho nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.
Hiện có một số mặt hàng thuốc trúng thầu có số lượng tồn kho thấp không đủ cung ứng theo dự trù của các cơ sở y tế hoặc chưa có thuốc để cung ứng cho các cơ sở y tế, Trung tâm đã tổ chức các đoàn giám sát đối với các nhà thầu cung ứng các mặt hàng này và đề nghị nhà thầu có biện pháp khắc phục và khẩn trương làm việc với nhà sản xuất để sớm có thuốc cung ứng cho các cơ sở y tế.
Nhiều hoạt chất thuốc có nhu cầu sử dụng lớn được đấu thầu tập trung để giảm giá thành.
"Trong trường hợp nhà thầu không đảm bảo cung ứng thuốc gây ảnh hưởng đến điều trị, Trung tâm sẽ có văn bản đề nghị các cơ sở y tế xử lý theo hợp đồng đã ký kết giữa hai bên"- ông Dũng nói.
Cũn theo ông Dũng, với trường hợp nhà thầu thực hiện gói thầu vi phạm hợp đồng, không còn năng lực để tiếp tục thực hiện hợp đồng, làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ, chất lượng, hiệu quả của gói thầu, Trung tâm sẽ xử lý theo quy định tại Điều 117 xử lý tình huống trong đấu thầu của Nghị định số 63/2014/NĐ-CP ngày 26-6-2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đấu thầu về lựa chọn nhà thầu và xem xét việc đánh giá khả năng cung ứng thuốc của nhà thầu tại Mục 13 - Mặt hàng thuốc được cung ứng bởi nhà thầu có uy tín trong thực hiện hợp đồng của Bảng tiêu chuẩn đánh giá về kỹ thuật tại Thông tư số 15/2019/TT-BYT ngày 11-7-2019 của Bộ Y tế quy định việc đấu thầu thuốc tại các cơ sở y tế công lập.
Đại diện Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết về phía các nhà thầu, ngay sau khi có quyết định trúng thầu, các nhà thầu đã khẩn trương phối hợp với nhà nhập khẩu đã ký hợp đồng đặt hàng với nhà sản xuất và có kế hoạch nhập hàng.
"Một số mặt hàng do nguyên nhân khách quan gây đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu nên thời gian sản xuất, kiểm nghiệm chất lượng, vận chuyển và thông quan kéo dài từ 3 đến 5 tháng, tuy nhiên dự kiến tất cả các mặt hàng này về trước 31-12-2022. Mặt khác, sau dịch COVID-19, nhiều cơ sở y tế có nhu cầu sử dụng thuốc tăng cao so với dự trù tiến độ ban đầu nên nằm ngoài dự kiến của nhà thầu. Nhà thầu cũng cam kết không để các cơ sở y tế thiếu những mặt hàng trúng thầu và sẽ làm việc với các cơ sở y tế đề xuất giải pháp, hỗ trợ bằng các sản phẩm tương tự để đáp ứng nhu cầu điều trị trong trường hợp cần thiết"- ông Dũng thông tin.
Lãnh đạo Trung tâm Mua sắm tập trung thuốc quốc gia cũng cho biết hiện chỉ có 32 hoạt chất được tổ chức đấu thầu tập trung cấp quốc gia trên tổng số 1.226 hoạt chất thuộc Danh mục thuốc đấu thầu. Về giá trị, đấu thầu tập trung cấp quốc gia chỉ chiếm 6,7% trên tổng số giá trị sử dụng thuốc hàng năm tại các cơ sở y tế trên toàn quốc. Số lượng hoạt chất và tỉ lệ giá trị còn lại do các đơn vị mua sắm tập trung cấp địa phương hoặc các cơ sở y tế tự tổ chức đấu thầu.