Nhân viên y tế chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân tại Bệnh viện điều trị bệnh nhân COVID-19 Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Ngày 28-9, Bộ Y tế có báo cáo Đánh giá việc thực hiện quy định tại nghị quyết số 30/2021/QH15 ngày 28-7-2021 về chính sách phòng, chống dịch COVID-19 gửi Quốc hội.
Theo Bộ Y tế, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) nhận định dịch bệnh COVID-19 sẽ còn tiếp tục là mối đe dọa về y tế công cộng trong thời gian tới và cảnh báo những biến thể mới có thể làm dịch COVID-19 trở nên phức tạp và gia tăng trở lại. Trong đó, vắc xin COVID-19 vẫn là biện pháp quan trọng nhất trong phòng, chống dịch bệnh.
Bộ Y tế đặt ra nhiệm vụ trong thời gian tới, cụ thể là rà soát, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật về chính sách phòng, chống dịch COVID-19.
Ban hành và triển khai các chính sách, quy định tạo điều kiện cho phát triển nguồn nhân lực tại y tế cơ sở; điều chỉnh mức lương cơ bản, tăng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp cho nhân viên y tế về công tác tại y tế cơ sở, y tế dự phòng;…
Tiếp tục đẩy nhanh chiến dịch tiêm chủng vắc xin COVID-19, thực hiện tiêm mũi tăng cường và tăng độ bao phủ vắc xin cho trẻ em an toàn, khoa học.
Đẩy mạnh thực hiện các chính sách an sinh xã hội trong thời gian tới; quan tâm chăm sóc người dân, giải quyết các vấn đề hậu COVID-19; quan tâm đến trẻ mồ côi, người mất việc, mất thu nhập do đại dịch,…
Bên cạnh đó, nghiên cứu, ban hành cơ chế riêng, quy định cụ thể, rõ ràng hơn đối với triển khai thực hiện các hoạt động phòng, chống dịch, mua sắm, đấu thầu, huy động, vận động nguồn lực… trong điều kiện cấp bách, khẩn cấp chưa có tiền lệ, khó lường, khó dự báo để đảm bảo triển khai hoạt động phù hợp với thực tiễn.
Đáp ứng tính nhanh, hiệu quả và có tính "miễn trừ trách nhiệm" để tạo cơ sở pháp lý đầy đủ, khả thi, góp phần phòng, chống dịch hiệu quả.
Kiến nghị Quốc hội kéo dài thời gian thực hiện việc gia hạn hiệu lực giấy đăng ký lưu hành thuốc . Bộ Y tế nêu do tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp gây khó khăn trong việc thực hiện thủ tục gia hạn giấy đăng ký lưu hành thuốc theo quy định hiện hành.
Số lượng hồ sơ gia hạn là trên 14.000 hồ sơ và tiếp tục tăng lên, nhân lực thẩm định hồ sơ thiếu. Trường hợp không gia hạn kịp thời sẽ ảnh hưởng đến doanh nghiệp và cung ứng thuốc phục vụ nhu cầu khám, chữa bệnh.
Kiến nghị tiếp tục duy trì hoạt động các cơ sở khám, chữa bệnh, thu dung, điều trị người bệnh COVID-19. Cho phép sử dụng các quyết định thành lập, giao nhiệm vụ cơ sở thu dung, điều trị người mắc COVID-19 đã thành lập đồng thời là cấp giấy phép hoạt động.
Bộ Y tế cũng kiến nghị cho phép tiếp tục thanh toán chi phí khám, chữa bệnh cho người bệnh COVID-19 tại các cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 do ngân sách nhà nước đảm bảo theo chi phí thực tế. Theo quy định của Luật phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì chi phí điều trị nhóm A do ngân sách nhà nước bảo đảm.
Trên thực tế, nhiều trường hợp không bóc tách được chi phí khám chữa bệnh COVID-19 và các bệnh khác trong quá trình điều trị.
Vì vậy, trường hợp có cơ sở thu dung, điều trị COVID-19 không bóc tách được chi phí với các bệnh khác để thanh toán theo các nguồn, hoặc không thu được các khoản chi phí mà người bệnh phải trả theo quy định do nguyên nhân bất khả kháng thì được ngân sách nhà nước chi trả.
Kiến nghị tiếp tục thí điểm khám, chữa bệnh từ xa bao gồm cả hoạt động thanh toán bảo hiểm y tế cho đến khi Luật khám chữa bệnh (sửa đổi) có hiệu lực. Hiện nay pháp luật chưa có quy định về khám chữa bệnh từ xa được thanh toán bảo hiểm y tế, vì vậy cần có chính sách để tiếp tục thực hiện hiệu quả việc khám, chữa bệnh từ xa.