Bỏ viện về ăn rau
Tháng 4/2019, chị N.T T.T.H 46 tuổi, quê ở Nghệ An đến khám tại Bệnh viện TW QĐ 108. Sau khi cho tiến hành các xét nghiệm lâm sàng và cận lâm sàng, chị H. chết điếng vì bác sĩ chẩn đoán ung thư phổi di căn xương.
Chị H. kể, trước đó chị bị đau nhức xương. Tuy nhiên, chị nghĩ bị bệnh xương khớp nên đi khám xương khớp. Bác sĩ cho biết chị bị thoát vị đĩa đệm. Chị H. điều trị thoát vị đĩa đệm bằng tây y rồi cả đông y cũng không đỡ. Bệnh ngày càng nặng, đau nhiều hơn.
Khi đi khám, bác sĩ nghi ngờ có bất thường ở xương nên cho tiến hành chụp Xquang phổi. Đúng như dự đoán, bệnh nhân có u ở phổi.
Sinh thiết chẩn đoán đó là ung thư biểu mô tuyến thùy trên phổi phải di căn xương đa ổ giai đoạn IVb(T1N0M1c), đột biến gen EGFR âm tính. Sau đó bệnh nhân đã được bác sĩ xạ trị giảm nhẹ đau xương và điều trị hóa chất. Suốt quá trình điều trị, bệnh nhân H. đáp ứng tốt với hóa chất.
Chị H. kể chị béo lên, các triệu chứng giảm rõ rệt. Khi chụp phim xquang bác sĩ thấy khối u trên phim chụp cắt lớp vi tính cũng xóa gần hết.
Chị H. bị ung thư phổi ân hận vì tự chữa
Đầu năm 2020, chị H. định đi viện thì dịch bệnh xảy ra. Chị H. vừa có tâm lý e dè dịch bệnh lại vừa lo lắng vì kinh tế gia đình khánh kiệt. Chị đã bắt đầu tìm tới các phương pháp điều trị khác trên mạng. Trong muôn vàn các chia sẻ trị ung thư với đủ các câu chuyện người bệnh khỏi như nào, chị H. đã lựa chọn phương pháp chỉ ăn rau xanh để thải độc cơ thể và tập theo một giáo phái lạ.
Khi sinh hoạt trong group những người cùng theo phương pháp điều trị này, chị H. được nghe kể về nhiều người tham gia đã khỏe lại, hết tế bào ung thư nên chị cũng hi vọng với phương pháp rẻ tiền, an toàn này có thể đánh bay tế bào ung thư của mình.
Những bữa ăn chỉ có rau, củ quả và tập luyện càng ngày khiến chị H. càng suy kiệt. Sau nhiều tháng theo đuổi, chị H. bắt đầu đau đớn, người mệt mỏi do mất sức. Vì sợ chết vì suy nhược, chị H. quay trở lại bệnh viện. Khi quay lại, chị H. nghẹn ngào vì tự mình đã hại mình dẫn tới bệnh tiến triển.
Bác sĩ điều trị cho chị H. cho biết khi quay lại viện bệnh nhân sụt 8kg, bệnh đã trở nên trầm trọng hơn vì suy nhược cơ thể do chỉ ăn rau.
30% chết vì suy kiệt
Bác sĩ Bùi Thị Thanh – Khoa Nội hô hấp, Bệnh viện trung ương Quân đội 108 cho biết không riêng gì chị H, mà có rất nhiều bệnh nhân ung thư sau khi phát hiện bị ung thư đã sợ bỏ về quê tìm tới các biện pháp khác để chữa bệnh.
Hầu như ai cũng vậy, nghe tới "án tử" ung thư đều hoang mang, lo lắng nên họ bắt đầu tìm tứ phương để vái tứ phương. Khi đó, bệnh nhân sẽ bỏ lỡ phác đồ điều trị, bỏ lỡ giai đoạn vàng để điều trị bệnh và quay trở lại bệnh viện với bệnh cảnh nặng nề hơn.
Đa số bệnh nhân ung thư phổi đều đến bệnh viện muộn.
Ung thư phổi là loại ung thư thường gặp nhất và cũng là nguyên nhân tử vong hàng đầu trên Thế giới cũng như ở Việt Nam. Theo Globocan năm 2018, tại Việt Nam, ung thư phổi đứng hàng thứ 2 sau ung thư gan với 23,667 ca mắc.
Bác sĩ Thanh cho biết hiện nay các biện pháp điều trị ung thư rất phát triển, cơ hội điều trị tăng lên nhưng tại Việt Nam thống kê 80% bệnh nhân ung thư phổi nhập viện khi đã ở giai đoạn cuối. Khi đó, bệnh nhân đều có các dấu hiệu ho, khó thở, ho ra máu và đau các cơ quan xương, thận, gan, não do di căn của ung thư phổi. Khi đó, việc điều trị khó khăn hơn, tốn kém hơn.
Ngoài ra, một vấn đề rất lớn hiện nay đó là nhiều bệnh nhân dù thể trạng còn rất tốt, nhưng vì "có bệnh thì vái tứ phương", nghe theo người này mách bảo, người kia chỉ lối mà từ bỏ các biện pháp điều trị đặc hiệu để sử dụng các phương thức khác như điều trị đông y, thực dưỡng hoặc tập pháp luân công để khỏi bệnh. Đây là các biện pháp chưa có bằng chứng khoa học về việc có thể điều trị khỏi ung thư.
Nhiều bệnh nhân sau một thời gian điều trị bằng các biện pháp không đặc hiệu này, ung thư tiếp tục tiến triển, thể trạng yếu đi, suy kiệt và khi quay trở lại bệnh viện thì đã "trễ" với các biện pháp điều trị đặc hiệu. Theo thống kê, có đến 30% bệnh nhân ung thư tử vong vì suy kiệt, suy dinh dưỡng trước khi tử vong vì căn bệnh ung thư...