Bộ tứ tên lửa giúp Nga bảo đảm khả năng phòng thủ

LÂM ANH |

Trong bài viết mới đây, tờ báo Vzgliad (Quan điểm) của Nga phân tích lý do tại sao các tổ hợp tên lửa mới như S-500 Prometheus, Kh-47M2 Kinzhal, 3M22 Zircon hay tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) Sarmat do nước này sản xuất lại có thể bảo đảm khả năng phòng thủ cho xứ sở Bạch dương. Dưới đây là những thế mạnh của bộ tứ tên lửa kể trên.

"Lá chắn thép" S-500

Tổ hợp tên lửa phòng không mới S-500 Prometheus là sự phát triển cao hơn của các tổ hợp S-300 và S-400 hiện nay của Nga. Theo kế hoạch, S-500 Prometheus sẽ làm nhiệm vụ trực chiến trước năm 2020.

Tạp chí Mỹ The National Interest nhận định, ngay cả các tên lửa thông thường của S-500 cũng có thể bắn trúng mục tiêu ở độ cao tối đa 95-97km. Chỉ riêng yếu tố này đã có thể khiến S-500 được coi là hệ thống phòng thủ tên lửa tầm trung.

Nói cách khác, S-500 là một hệ thống không chỉ có khả năng đối phó với tên lửa hành trình và máy bay của đối phương, mà còn có thể phá hủy các đầu đạn của tên lửa đạn đạo bay bên ngoài bầu khí quyển.

Ngoài ra, S-500 với các đơn vị cơ động và trạm radar của riêng mình có thể được sử dụng để tiêu diệt các mục tiêu không gian bằng một cuộc tấn công ở độ cao lên đến 200km. S-500 cũng có thể giải quyết tốt nhiệm vụ chiến đấu với tên lửa đạn đạo tầm trung.

Tổ hợp này có thể đánh chặn một tên lửa đạn đạo tầm trung có tầm bắn lên tới 3.500km. Bên cạnh đó, phạm vi hủy diệt hiệu quả ở tầm cao 200km khiến S-500 có thể bắn hạ các vệ tinh trinh sát trong không gian.

Bộ tứ tên lửa giúp Nga bảo đảm khả năng phòng thủ - Ảnh 1.

Máy bay chiến đấu MiG-31K mang theo tổ hợp tên lửa siêu thanh Kinzhal xuất hiện trên bầu trời Moscow trong Lễ duyệt binh kỷ niệm Ngày Chiến thắng (9-5-2018). Ảnh: TASS.

Kh-47M2 Kinzhal và 3M22 Zircon siêu thanhNhững khả năng nêu trên cho thấy S-500 vượt trội hơn so với những tổ hợp phòng không được sản xuất ở các quốc gia khác. Vì lẽ đó, S-500 mang lại cho Nga khả năng đáp trả tất cả các mối đe dọa trong trường hợp Mỹ rút khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF).

Trong thời gian sắp tới, quân đội Nga sẽ tiếp nhận hai vũ khí siêu thanh mới nhất: Tổ hợp tên lửa Kh-47M2 Kinzhal và tên lửa hành trình chống hạm 3M22 Zircon.

Kh-47M2 Kinzhal có thể tấn công chính xác cả mục tiêu trên mặt đất cũng như các tàu mặt nước lớn của đối phương, như: Tàu sân bay, tàu tuần dương, tàu khu trục.

Theo tập đoàn chế tạo máy bay thống nhất của Nga, được phóng từ máy bay ném bom Tu-22M3 và máy bay chiến đấu MiG-31K, Kinzhal là phiên bản cải tiến của tên lửa đạn đạo thuộc tổ hợp tên lửa chiến dịch-chiến thuật Iskander.

Tốc độ di chuyển cao đạt Mach 10-12 (gấp 10-12 lần vận tốc âm thanh) cho phép Kinzhal duy trì quỹ đạo mong muốn mà không cần mở cánh. Các máy bay-phương tiện mang tên lửa thực hiện việc phóng Kinzhal ra ngoài lớp khí quyển dày đặc ở độ cao 12.000-15.000m.

Sau đó, Kinzhal bay ở ranh giới tầng bình lưu để tránh lực cản của không khí và làm cho các hệ thống phòng không thông thường khó có thể tiếp cận.

Trong khi đó, tên lửa hành trình chống hạm 3M22 Zircon có vận tốc Mach 8. Tuy nhiên, nếu Kinzhal sử dụng động cơ nhiên liệu rắn thì Zircon có một "trái tim" khác-động cơ phản lực chạy nhiên liệu lỏng.

Nhờ có động cơ phản lực thẳng siêu thanh, Zircon trở thành tên lửa hành trình siêu thanh được sản xuất hàng loạt đầu tiên trên thế giới. Do những cải tiến kỹ thuật, Zircon có thể thay thế các tên lửa chống hạm siêu thanh P-800 Onyx và Kalibr 3M54 của Nga.

Với sự xuất hiện của Zircon và Kinzhal, nhóm tàu ​​sân bay của đối phương gần bờ biển Nga có thể bị phá hủy trong vòng chưa đầy mười phút từ khoảng cách 1.000km.

ICBM hạng nặng với tầm bắn toàn cầu

ICBM hạng nặng phóng từ giếng Sarmat (NATO định danh là Satan-2) được phát triển để thay cho ICBM RS-20 Voevoda, nổi tiếng với tên gọi Satan, vốn là nền tảng cơ bản của dàn ICBM hạng nặng trong kho vũ khí của Lực lượng tên lửa chiến lược Nga.

Được biết, trọng lượng ban đầu của Sarmat là 150-200 tấn, tầm bắn có thể được ấn định thành hai phương án: 16.000km với tải trọng 5 tấn và 9.000-10.000km với trọng lượng phóng tối đa 10 tấn.

ICBM này có uy lực rất mạnh, có thể bay tới các mục tiêu không chỉ qua Bắc Cực mà qua cả Nam Cực, nghĩa là có tầm bắn toàn cầu. Điểm đáng nói là chính các ICBM hạng nặng đang là "cơn đau đầu" của bất kỳ hệ thống phòng thủ tên lửa nào.

Với tầm bắn 9.000-10.000km, Sarmat được phóng từ hầm phóng cố định trên lãnh thổ nước Nga. Điều này khiến cho các hệ thống phòng thủ tên lửa của đối phương khó lòng đánh chặn.

Năm nay đánh dấu thời điểm chuyển sang giai đoạn mới của ICBM Sarmat khi tên lửa này được triển khai thử nghiệm tại sân bay vũ trụ quân sự Plesetsk. Theo kế hoạch, ICBM hạng nặng này sẽ được đưa vào phục vụ trong quân đội vào năm 2020.

Tờ Vzgliad nhận định, S-500 Prometheus, Kh-47M2 Kinzhal, 3M22 Zircon hay Sarmat đều có khả năng giúp Nga duy trì sự cân bằng sức mạnh trên thế giới vì mục tiêu thiết lập nền hòa bình lâu dài trong các mối quan hệ giữa các siêu cường.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại