Ông Mattis cùng Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joe Dunford và Quan chức Tài chính Lầu Năm Góc David Norquist đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua kế hoạch chi tiêu ngân sách mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra cho năm nay.
"Tôi cần cả hai đảng ủng hộ kế hoạch này", ông Mattis nói. Kế hoạch chi tiêu của ông Trump bao gồm 574 tỉ USD cho các hoạt động "cơ bản" của Lầu Năm Góc và gần 65 tỉ USD cho các chiến dịch nước ngoài.
Ông Mattis cũng nhắc lại những vấn đề mà nhiều quan chức quốc phòng đã đề cập nhiều lần từ thời Obama rằng khả năng sẵn sàng chiến đấu của quân đội Mỹ đang kém đi, kế hoạch hiện đại hóa các loại khí tài quân sự đang bị đình trệ, song không có biện pháp nào được thực hiện.
"Nhìn chung Quốc hội Mỹ đang đối mặt với thách thức hiện tại một cách uể oải", ông Mattis nói, đồng thời nhận định Quốc hội đang "lẩn tránh nghĩa vụ giám sát được quy định trong Hiến pháp của mình".
Bộ trưởng Quốc phòng cũng nói rằng ông "cảm thấy sốc trước khả năng sẵn sàng chiến đấu của chúng ta, và phải mất nhiều năm thực hiện kế hoạch chi tiêu ngân sách ổn định mới có thể cải thiện được".
Thêm vào đó, với việc kế hoạch chi tiêu quốc phòng liên tục thay đổi trong nhiều năm qua, ông Mattis nhận định "nhiều chương trình phát triển vũ khí mới đã bị đình trệ, quân số không được mở rộng, các hãng quốc phòng gặp khó khăn và khiến các quân nhân gặp nguy hiểm về nhiều mặt".
Mặc dù nhận được sự ủng hộ từ nhiều người, song đề xuất chi tiêu ngân sách quốc phòng trên sẽ rất khó để thuyết phục Quốc hội Mỹ. Kế hoạch này của ông Trump tăng 18,4 tỉ USD so với của ông Obama, tức khoảng 3%.
Sau cùng, vấn đề lớn nhất đối với kế hoạch chi tiêu quốc phòng của ông Trump đó là nó sẽ ảnh hưởng đến các chính sách nội địa và thuế.
Chính quyền Tổng thống Trump đã yêu cầu giảm 19 tỉ USD ngân sách cho các hoạt động quốc tế, giảm 766 triệu USD Quỹ Khoa học Quốc gia Mỹ, 5,8 tỉ USD đối với Viện Nghiên cứu Sức khỏe Mỹ. Một số cơ quan thúc đẩy xuất khẩu của Mỹ cũng bị đề xuất giải thể.