“Chúng ta không được để Washington quyết định quan hệ thương mại của các quốc gia khác”, Bộ trưởng Kinh tế Đức Peter Altmaier cho biết. Ông cũng nhận định rằng lệnh trừng phạt của Mỹ đối với Iran là một trong số rất nhiều lần Mỹ đã bỏ mặc quan điểm của các nước đồng minh của mình.
Theo ông, đây là lý do vì sao Đức và các nước Châu Âu khác nên chủ động cải thiện quan hệ với Iran. "Các doanh nghiệp Đức có thể tiếp tục đầu tư bao nhiêu họ muốn vào Iran", ông Altmaier khẳng định, mặc dù ông cũng thừa nhận rằng "nhiều công ty đang phụ thuộc vào các khoản vay ngân hàng, phần lớn trong số này là của Mỹ, và điều này đang gây ra nhiều vấn đề".
Phát biểu của ông Altmaier được đưa ra sau khi chính quyền Trump áp dụng một loạt các lệnh trừng phạt mới nhằm đánh vào khả năng mua đồng USD của Iran mặc cho sự phản đối của một số cường quốc kinh tế. Trước đó, Washington đã áp dụng trừng phạt nhằm vào thương mại, cũng như các ngành năng lượng và công nghiệp đóng tàu của Iran.
Các lệnh trừng phạt này đã khiến quan hệ giữa EU và Iran trở nên xấu đi, vốn đã cải thiện đáng kể kể từ sau khi các bên ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015 mà Mỹ vừa đơn phương rút lui.
Tuần trước, EU kêu gọi các công ty Châu Âu có thể bỏ qua những lời đe dọa từ Mỹ. Lúc này không chỉ có vấn đề Iran, Mỹ và EU cũng đang căng thẳng vì các mức thuế đối với các mặt hàng thép, nhôm và xe hơi do chính quyền Trump áp dụng.
Theo ông Altmaier, thế giới đang đứng trước nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, và khẳng định “chúng ta không còn cách giới hạn nguy hiểm quá xa” và “sẽ không có kẻ chiến thắng trong cuộc chiến tranh thương mại toàn cầu, chỉ có kẻ thất bại mà thôi”.
Các chính trị gia Mỹ không có quyền tác động xấu đến hàng trăm ngàn việc làm đang phụ thuộc vào thương mại Mỹ - EU của Châu Âu.
“Chúng ta đã học được từ những bài học trong quá khứ rằng chỉ có người tiêu dùng sẽ chịu nhiều thiệt thòi nhất trong chiến tranh thương mại, khi các hàng hóa và dịch vụ trở nên đắt đỏ hơn”, ông Altmaier nói. “Cuộc chiến thương mại sẽ cản trở phát triển kinh tế và mang đến nhiều sự xáo trộn hơn nữa”.