Tập đoàn công nghiệp ShinMaywa Industries (Nhật Bản) đang có những động thái ráo riết xúc tiến chương trình cung cấp thủy phi cơ US-2 chuyên dùng cho nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn (SAR) tới Indonesia, một nguồn tin công nghiệp tiết lộ với IHS Jane's tại Triển lãm Indo Defence 2016 tổ chức ở Thủ đô Jakarta.
Theo đó, mặc dù đây sẽ chỉ là một lô hàng nhỏ gồm 3 chiếc thủy phi cơ, nhưng nó đánh dấu bước phát triển đầu tiên đặc biệt quan trọng với Nhật Bản trong lĩnh vực xuất khẩu sản phẩm quốc phòng kể từ tháng 4/2014, khi Tokyo dỡ bỏ lệnh cấm xuất khẩu vũ khí vốn tồn tại từ rất lâu.
Ông Masayuki Tanaka - Giám đốc bộ phận xúc tiến xuất khẩu thủy phi cơ của ShinMaywa nói hôm 3/11 rằng dù US-2 không được trang bị bất cứ loại vũ khí nào, nhưng nó vẫn bị Chính phủ Nhật bản coi là một sản phẩm quốc phòng vì dòng máy bay này đang phục vụ trong biên chế Lực lượng phòng vệ Nhật Bản.
Ông cho biết thêm rằng ShinMaywa hy vọng hợp đồng cung cấp thủy phi cơ cho Quân đội Indonesia sẽ sớm được ký kết: "Ở cấp chính phủ, Nhật Bản và Indonesia vẫn đang tiếp tục thảo luận về chương trình xuất khẩu US-2 và chúng tôi hy vọng sẽ kết thúc quá trình đàm phán để ký kết hợp đồng trong năm 2017".
Triển vọng xuất khẩu US-2 tới Indonesia cũng được mở ra thông qua một thỏa thuận hợp tác quốc phòng đã ký giữa 2 chính phủ vào tháng 3/2015, theo đó các bên cam kết cùng hợp tác về thiết bị và cộng nghệ quốc phòng.
Thủy phi cơ US-2 của Nhật Bản.
Cuối cùng, ông Tanaka tuyên bố ShinMaywa hiện đang thảo luận với công ty PT Dirgantara (Indonesia) về một chương trình hợp tác với trọng tâm là US-2.
Ngoài Indonesia, hiện có một số quốc gia châu Á khác cũng bày tỏ sự quan tâm tới việc mua sắm thủy phi cơ US-2 của Nhật bản. Theo thông tin IHS Jane's có được thì Thái Lan đang cân nhắc dòng máy bay này cho lực lượng SAR của mình. Một khách hàng tiềm năng khác là Nhật Bản.
Hải quân Ấn Độ đang có kế hoạch đặt mua 12 chiếc thủy phi cơ US-2 với tổng giá trị lên tới 1,6 tỷ USD. Nhật Bản và Ấn Độ đã tiến hành một số phiên thảo luận về chương trình mua sắm này.
Dù vậy, Bộ Quốc phòng Nhật Bản tiết lộ với IHS Jane's vào tháng 10 vừa qua rằng việc đàm phán có dấu hiệu chững lại khi Tokyo đề nghị phía Ấn Độ cung cấp những thông tin chi tiết hơn về yêu cầu của chương trình mua sắm máy bay US-2I.
Như vậy, mặc dù có rất nhiều nỗ lực chào bán thủy phi cơ Be-200 tới các quốc gia ĐNÁ, nhưng dường như dòng máy bay này của Nga vẫn chưa chính thức lọt mắt xanh của bất cứ quốc gia nào, trong khi "kẻ đến sau" - US-2 tới từ Nhật Bản lại sắp giành được khách hàng đầu tiên.