Bộ phận này trên cơ thể bị quá tải, nguy cơ mắc đái tháo đường càng cao

Mộc Trà |

Đái tháo đường là căn bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm. Nguyên nhân khiến ngày càng nhiều người mắc đái tháo đường được nhận định đa phần là do một cơ quan bị quá tải.

Theo kết quả điều tra của Bộ Y tế năm 2021, tỷ lệ mắc đái tháo đường ở người trưởng thành của cả nước ước tính là 7,1%, tương đương với khoảng gần 5 triệu người đang mắc bệnh đái tháo đường.

Trong đó, số đã được chẩn đoán chỉ chiếm khoảng 35% và số đang được quản lý, điều trị tại các cơ sở y tế chiếm 23,3%. Kết quả điều tra cũng cho thấy có hơn 55% bệnh nhân hiện mắc đái tháo đường đã có biến chứng, trong đó 34% là biến chứng về tim mạch; 39,5% có biến chứng về mắt và biến chứng về thần kinh; 24% biến chứng về thận.

Theo dự báo, số mắc đái tháo đường của Việt Nam cũng như toàn thế giới sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những năm tới.

Nguyên nhân làm tăng số ca mắc đái tháo đường

Bác sĩ Nguyễn Huy Hoàng, Trung tâm Oxy cao áp Việt - Nga (Bộ Quốc phòng), nhận định nguyên nhân khiến ngày càng có nhiều người mắc đái tháo đường đa phần là do mọi người bị quá tải ở gan, do gan phải xử lý các chất ô nhiễm từ môi trường, từ đồ ăn, từ rượu bia...

"Khi gan quá tải, nó không thể chuyển hóa tốt các chất nữa. Đầu tiên là mỡ, gây tình trạng gan nhiễm mỡ và tăng mỡ máu. Sau đó là đường và chất đạm, tăng nguy cơ mắc đái tháo đường và gout", BS Hoàng cho hay.

BS Hoàng nói thêm không chỉ mắc bệnh đái tháo đường, việc mỡ máu tăng cao, cùng với sự lão hóa, sẽ gây ra xơ vữa mạch máu. Mạch máu xơ vữa khiến các mô và các tổ chức bị thiếu máu do lòng mạch bị hẹp và khả năng co giãn của mạch máu giảm, áp lực trong mạch máu tăng (tăng huyết áp).

Lúc này, tim phải làm việc nhiều hơn, dần dần có thể gây suy yếu tim. Tim bị suy yếu kéo theo cả phổi cũng bị giảm chức năng.

Não bị thiếu máu gây thoái hóa các tế bào thần kinh, khiến ăn ngủ kém, dễ mỏi mệt, giảm trí nhớ và tập trung, dễ cáu gắt, nặng đầu, đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, ù tai...

Khi cơ và gân, tổ chức liên kết bị thiếu máu sẽ gây xơ hóa, vôi hóa các gân cơ dây chằng, đau mỏi cổ vai gáy và cột sống cổ, cột sống thắt lưng, da dẻ khô, giảm đàn hồi, tóc rụng, dễ gãy, giảm ham muốn...

Khi các mô bị thiếu máu cũng dễ gây ra tình trạng viêm tại chỗ, rối loạn chuyển hóa tại chỗ, các chất chuyển hóa dư thừa tăng lên, gây độc cho cơ thể và hệ thần kinh. Các dây thần kinh ngoại biên bị kém nuôi dưỡng gây ra tình trạng tê bì, kiến bò, rối loạn cảm giác...

Bộ phận này trên cơ thể bị quá tải, nguy cơ mắc đái tháo đường càng cao - Ảnh 1.

Kiểm soát đái tháo đường bằng cách ăn uống khoa học (Ảnh minh họa)

"Kết hợp với tình trạng sức khỏe tinh thần không tốt như căng thẳng, rối loạn lo âu, rối loạn trầm cảm... sẽ gây co thắt các mạch máu, co thắt đường tiêu hóa (trào ngược dạ dày - thực quản, hội chứng ruột kích thích), co thắt đường tiết niệu (bàng quang tăng hoạt, khó nhịn tiểu...) khiến tình trạng sức khỏe nặng nề hơn", BS Hoàng nói.

Theo BS Hoàng, để hạn chế tỷ lệ mắc đái tháo đường, mọi người nên:

- Kiểm soát tốt stress bằng cách áp dụng các bài tập thiền, tập yoga. Có thể dùng một số loại thảo dược có tính chất an thần nhẹ như tâm sen, vông nem, lạc tiên, rễ cây nữ lang, củ bình vôi...

- Tập thể dục giúp cơ thể đỡ căng thẳng, vừa giúp lưu thông máu tốt, vừa giúp tăng cường trao đổi chất. Có thể đi bộ, chạy bộ, bơi, đạp xe, tập khí công, tập các bài thể dục tay không.

- Tăng cường ăn rau xanh, tăng ăn cá, giảm ăn thịt đỏ, đa dạng hóa đồ ăn, tăng các thực phẩm giàu chất chống oxy hóa (các thực phẩm có màu đậm, hạt, quả mọng...), thực phẩm giàu omega-3.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại