Dứa là một loại trái cây nhiệt đới có hương thơm và vị ngọt dịu. Dứa chứa các vitamin và khoáng chất thiết yếu với đặc tính chống oxy hóa và chống viêm đã được chứng minh.
Ngoài quả dứa, các nhà nghiên cứu suy đoán rằng lá dứa có thể chứa các hợp chất hoạt tính sinh học. Chất chiết xuất từ lá dứa rất giàu phenol. Theo các nghiên cứu trên động vật, phenol là hợp chất có thể mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe.
Ngoài ra, các hợp chất có tác dụng chữa bệnh khác cũng được tìm thấy trong lá dứa bao gồm axit p-coumaric (CA), flavonoid, tanin, bromelain, glycoside, protein và axit ascorbic.
Tuy nhiên, lá dứa ít khi được sử dụng.
1. Lợi ích sức khỏe của lá dứa
Lá dứa được cho là có đặc tính hỗ trợ điều trị và ngăn ngừa nhiều bệnh lý, chẳng hạn như: phòng và chữa bệnh lao, chữa lành vết bỏng nhanh hơn, điều trị bệnh trĩ, cải thiện trật khớp tĩnh mạch, làm ngừng chảy máu cam. Tuy nhiên các tác dụng này chưa có căn cứ khoa học.
Dưới đây là 5 lợi ích sức khỏe tiềm tàng của lá dứa đã được khoa học nghiên cứu và chỉ ra:
1.1. Kiểm soát lượng đường trong máu
Một số chiết xuất hóa học từ lá dứa rất giàu phenol, chất này có tác dụng giảm lượng đường trong máu, có tiềm năng trong việc kiểm soát bệnh tiểu đường.
Trong hai nghiên cứu trên chuột mắc bệnh tiểu đường, chất phenol này làm giảm lượng đường trong máu bằng cách giảm tình trạng kháng insulin. Kháng insulin là tình trạng các tế bào của cơ thể bạn phản ứng kém hơn với hormone có tên là insulin.
Chất phenol trong lá dứa có thể làm giảm lượng đường trong máu, tốt cho người bị bệnh tiểu đường (Ảnh: ST)
1.2. Hạ cholesterol trong máu
Gan là một trong những cơ quan chính chịu trách nhiệm điều chỉnh mức cholesterol trong cơ thể.
Khi quá trình này bị gián đoạn do những thay đổi về trao đổi chất, chẳng hạn như hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS), chất béo có thể tích tụ trong gan và gây ra bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD).
Phenol chiết xuất từ lá dứa đã cho thấy khả năng làm giảm lượng cholesterol trong máu và cản trở sự phát triển của bệnh gan nhiễm mỡ không do rượu (NAFLD) ở chuột.
Ngoài ra, phenol đã được chứng minh là ngăn chặn sự gia tăng chất béo trung tính ở chuột sau bữa ăn. Triglyceride là axit béo tích tụ trong máu sau khi ăn thực phẩm chứa chất béo.
Bằng cách hoạt động giống như thuốc statin, các hợp chất phenolic từ lá dứa có khả năng giúp giảm lượng cholesterol trong máu.
Tuy nhiên, cần nhiều nghiên cứu trên người về tác dụng hạ cholesterol trong máu của lá dứa.
1.3. Chống viêm
Viêm là phản ứng tự nhiên của cơ thể bạn đối với nhiễm trùng hoặc căng thẳng. Theo thời gian, viêm có thể làm gây hại cho hệ thống miễn dịch và làm tăng nguy cơ mắc một số bệnh, bao gồm cả ung thư.
Trong một nghiên cứu trên chuột, phenol, tanin, flavonoid, glycoside, bromelain và các hợp chất khác được chiết xuất từ lá dứa đã thể hiện đặc tính chống viêm. Cụ thể, những chất này đã ngăn chặn hoạt động của các chất gây viêm trong cơ thể được tạo ra bởi các tế bào bạch cầu, chẳng hạn như đại thực bào.
Phenol, tanin, flavonoid, glycoside, bromelain và các hợp chất khác được chiết xuất từ lá dứa có đặc tính chống viêm (Ảnh: ST)
1.4. Chống oxy hoá
Quả và lá dứa rất giàu chất chống oxy hóa được gọi là phenol, flavonoid, tanin và axit ascorbic. Chất chống oxy hóa là các phân tử làm giảm và ngăn ngừa tác động của stress oxy hóa đối với cơ thể.
Stress oxy hóa xảy ra khi có quá nhiều gốc tự do hoặc các loại oxy phản ứng (ROS) trong cơ thể. Những tác nhân này có thể làm hỏng tế bào, gây viêm mãn tính và tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh tật.
1.5. Cải thiện tiêu hoá
Bromelain trong quả và lá dứa là một enzyme có thể giúp phân hủy protein trong hệ tiêu hóa, ngăn ngừa các vấn đề như đau bụng, ợ nóng, đầy hơi, táo bón, tiêu chảy và buồn nôn.
2. Lá dứa có gây tác dụng phụ không?
Bên cạnh những lợi ích đối với sức khoẻ, mọi người nên lưu ý một số điều khi sử dụng lá dứa để tránh gặp các tác dụng phụ:
- Để đảm bảo an toàn, không nên ăn quả và lá dứa nếu bạn đang mang thai. Một nghiên cứu đã xác định các hợp chất trong chiết xuất quả và lá dứa có thể góp phần làm co bóp tử cung, không tốt cho phụ nữ mang thai, nhất là thời kỳ đầu.
- Nếu bạn có cơ địa dễ dị ứng với thực phẩm thì cũng nên thận trọng khi ăn dứa vì bạn có thể bị dị ứng. Các dấu hiệu dị ứng dứa bao gồm cảm giác nóng rát và sưng tấy ở miệng và cổ họng, ngứa và thậm chí là sốc phản vệ.
Phụ nữ mang thai không nên ăn quả dứa và lá dứa (Ảnh: Internet)
3. Ăn lá dứa như thế nào?
Không giống như lá dứa nếp thường được chế biến trong thực phẩm, lá của quả dứa ít khi được sử dụng.
Cách chế biến từ lá của quả dứa không quá phong phú, nhưng mọi người có thể tham khảo một số cách bổ sung:
- Ăn trực tiếp nhưng bạn cần lau sạch phấn và tước bỏ phần gai của lá. Cách ăn giống như ăn mía, bạn chỉ nhai lấy nước sau đó nhả phần bã.
- Đun lên làm nước ép hoặc làm trà
Lưu ý, khi sử dụng lá dứa phải đảm bảo không có chất bảo quản hay chất kích thích. Nếu sử dụng các món ăn từ lá dứa mà xuất hiện những biểu hiện bất thường về đường tiêu hóa hoặc dị ứng, bạn nên ngưng sử dụng và xin lời khuyên từ bác sĩ.
Nguồn: Healthline.com