Bố mẹ khốn khổ điều trị viêm dạ dày cho con và bài học: Đừng dùng chung bát nước chấm nữa!

Bảo Thy |

Anh Hậu kể về hành trình 2 năm điều trị viêm dạ dày cho con 5 tuổi của mình mà nguyên nhân là thói quen ăn uống chung đụng khiến con anh bị lây vi khuẩn HP từ người giúp việc.

Nhiễm HP vì thói quen xấu

Anh Nguyễn Đức Hậu - Hà Đông, Hà Nội và vợ kết hôn 3 năm sau mới sinh được bé Ben. Khi sinh con, vợ chồng anh mừng vô cùng, nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Hết thời điểm vợ nghỉ sinh đi làm, anh nhờ người quen ở quê tìm người giúp việc. Anh muốn con được chăm sóc tốt nhất.

Anh không chê người giúp việc điều gì vì bà chăm sóc con anh tốt. Duy chỉ có điều bà giúp việc nhà anh Hậu bị viêm loét dạ dày và có vi khuẩn HP. Năm con trai 2,5 tuổi, cháu đã đi học nhưng anh vẫn thuê giúp việc để bà đưa đón con. 

Ben thường xuyên kêu đau bụng nhất là vùng quanh rốn. Anh Hậu và vợ mua thuốc tẩy giun về cho con uống nhưng không có dấu hiệu đỡ.

Anh và vợ cho bé vào kiểm tra tại Bệnh viện Nhi trung ương. Bác sĩ gây mê cho bé và nội soi dạ dày phát hiện bé bị viêm loét dạ dày kèm theo vi khuẩn HP. Lúc này, vợ chồng anh Hậu mới đi kiểm tra thì cả hai vợ chồng nhiễm HP. Điều đặc biệt, vi khuẩn HP của con trai anh kháng cả 4 tuyp thuốc kháng sinh.

Bố mẹ khốn khổ điều trị viêm dạ dày cho con và bài học: Đừng dùng chung bát nước chấm nữa! - Ảnh 1.

Những phiếu xét nghiệm viêm dạ dày có HP của Ben

Không hiểu vì sao lây HP, anh Hậu và vợ hỏi ra thì bà giúp việc có tiền sử viêm loét dạ dày và anh chị đưa đi kiểm tra bà giúp việc cũng mắc chủng HP kháng thuốc giống con anh. 

Từ trước tới nay việc ăn uống của Ben đều do bà phụ trách. Cơm nhá hay dùng chung thìa đũa anh chị đều không biết và nghe bác sĩ tư vấn có thể cả nhà họ nhiễm HP từ người giúp việc đặc biệt là bé Ben với nhóm HP kháng thuốc. Hai năm điều trị, anh Hậu kể vợ chồng anh khốn khổ vì bé bị viêm dạ dày tái phát. 

Từ ngày được bác sĩ tư vấn về đường lây nhiễm của HP, vợ chồng anh thấy sợ cảnh nhá cơm, uống chung cốc, chấm chung bát đĩa hay chỉ là hôn hít, gắp thức ăn cho nhau.

HP tàn phá dạ dày như thế nào?

TS Nguyễn Duy Thắng – Viện trưởng Viện nghiên cứu và đào tạo tiêu hoá, gan mật Việt Nam cho biết HP tên là Helicobacter pylori. HP xâm nhập vào cơ thể người qua đường tiêu hóa. 

Nhiều công trình nghiên cứu đã chứng minh tỷ lệ nhiễm HP cao ở những người sống trong môi trường thiếu vệ sinh, có đông người sống trong một gia đình. 

Người Việt Nam thường có thói quen ăn chung mâm, chung bát đũa cốc chén. Ăn uống đường phố vỉa hè mất vệ sinh cũng là nguồn lây nhiễm HP. 

Hôn nhau, mẹ mớm cơm cho con, vệ sinh chất thải đường tiêu hóa chưa tốt, ăn gỏi, rau sống không được rửa sạch, uống nước không đun sôi, chén bát không được rửa sạch, thiếu nguồn nước sạch nhất là vùng nông thôn là những con đường lây nhiễm HP .

Bố mẹ khốn khổ điều trị viêm dạ dày cho con và bài học: Đừng dùng chung bát nước chấm nữa! - Ảnh 2.

HP rất dễ lây lan.

Khi vào trong dạ dày, HP có thể tồn tại một khoảng thời gian ngắn mà không bị tiêu diệt bởi môi trường axít của dạ dày.  HP tiết ra các nội độc tố (Endocytotoxin) gây thoái hóa, long tróc tế bào tạo điều kiện cho axitpepsin thấm vào tiêu hủy rồi gây trợt loét. 

HP gây tổn thương niêm mạc dạ dày làm tăng tiết axít HCL và Pepsin.  Nhiễm HP cơ thể sẽ sản xuất ra kháng thể chống lại HP. Các kháng thể gây phản ứng chéo với các thành phần tương tự trên các tế bào biểu mô D của cơ thể, gây tổn thương niêm mạc dạ dày.

HP sống được bên trong lớp chất nhầy của dạ dày hoặc bám vào màng lót dạ dày và gây bệnh đau cấp tính và mãn tính ở dạ dày và hành tá tràng.

HP có thể có mặt ở mọi nơi trong dạ dày và hang vị là nơi HP cư trú nhiều nhất. Khi ở trong dạ dày, vi khuẩn HP sản xuất ra những độc tố để chống lại các cơ chế bảo vệ dạ dày. HP tiết ra những chất gây tổn hại cho tế bào gây ra viêm sưng, hoại tử, kích thích lớp niêm mạc dạ dày bài tiết ra axít nhiều hơn và từ đó tạo nên các vết loét dạ dày và hành tá tràng.

Có rất nhiều nghiên cứu trên thế giới đã ghi nhận rằng vi khuẩn HP là thủ phạm của đến 90% các trường hợp trong viêm dạ dày mạn, 85-90% trong loét dạ dày và 90-95% trong loét hành tá tràng và HP liên quan chặt chẽ tới bệnh lý ung thư dạ dày và U lympho.

PGS Thắng khuyến cáo không uống chung, chấm chung, ăn chung bát, đũa, thìa, đĩa, rửa tay trước khi ăn, loại bỏ thói quen nhai mớm thức ăn cho trẻ.

Có thể phân ra các con đường lây nhiễm của Helicobater.pylori như sau:

• Miệng – miệng (cao răng, nước bọt, dịch dạ dày trào ngược và chất nôn..)

• Phân – miệng (ruồi là vật trung gian, phân lập H.p trong phân trẻ em)

• Do nhân viên y tế: gây mê, nha khoa, tai mũi họng, nội soi

• Thực phẩm và nguồn nước: ăn uống chung mâm bát, hàng quán đường phố vỉa hè, nguồn nước bẩn, thực phẩm không sạch

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại