Bộ ba tên lửa siêu thanh uy lực của Nga

Chi Anh |

Đầu tháng 11, Tổng thống Nga Vladimir Putin tuyên bố, Hải quân Nga sẽ được trang bị tên lửa 3M22 Zircon vào năm 2022.

Hai trong 3 tên lửa siêu thanh của Nga đều được phát triển, nghiên cứu từ thập niên 1990. ảnh: Getty.

Hai trong 3 tên lửa siêu thanh của Nga đều được phát triển, nghiên cứu từ thập niên 1990. ảnh: Getty.

Hiện các cuộc thử nghiệm tên lửa hành trình siêu thanh 3M22 Zircon sắp hoàn thành. Đây là một phần trong nỗ lực của Moscow nhằm vượt lên dẫn trước trong cuộc chạy đua triển khai thế hệ vũ khí tầm xa mới khó bị phát hiện và đánh chặn.

Sức mạnh dẫn đầu cuộc đua

Phát biểu trên truyền hình, Tổng thống Nga Vladimir Putin nhấn mạnh: “Giờ đây, điều đặc biệt quan trọng là phải phát triển và triển khai các công nghệ cần thiết để tạo ra các hệ thống vũ khí siêu thanh mới, vũ khí laser công suất cao và các hệ thống robot có thể chống lại hiệu quả các mối đe dọa quân sự tiềm tàng, có nghĩa là chúng sẽ tăng cường hơn nữa an ninh của đất nước chúng ta”.

Hãng Reuters dẫn lời một quan chức Chính phủ Nga tiết lộ rằng, Nga đã thử nghiệm tên lửa siêu thanh 3M22 Zircon để trang bị cho các tàu tuần dương, khinh hạm và tàu ngầm. Tên lửa này có thể bay với tốc độ gấp 9 lần tốc độ âm thanh và bắn trúng mục tiêu cách xa 1.000 km.

Thường các tên lửa siêu thanh di chuyển với tốc độ ít nhất là gấp 5 lần tốc độ âm thanh trong bầu khí quyển trên, tức khoảng 6.200km/h.

Mặc dù chậm hơn tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, nhưng hình dạng của một phương tiện bay siêu âm cho phép nó cơ động tới mục tiêu hoặc tránh xa các điểm phòng thủ.

Và đây là nguyên nhân gây lo ngại cho Mỹ và các quốc gia đồng minh vì các hệ thống cảnh báo sớm tiên tiến nhất của Mỹ cũng có thể không “nhìn” thấy những vũ khí siêu thanh của Nga đang đến gần.

Bộ ba tên lửa siêu thanh uy lực của Nga - Ảnh 1.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu tại một buổi triển lãm quân sự ở Moscow. Ảnh: Reuters.

“Các vũ khí siêu thanh như 3M22 Zircon của Nga bay rất nhanh và thấp nên chúng có thể xuyên thủng các hệ thống phòng thủ chống tên lửa truyền thống. Nó nhanh đến mức áp suất không khí phía trước vũ khí tạo thành một đám mây plasma khi nó di chuyển, hấp thụ sóng vô tuyến và khiến nó thực tế vô hình trước các hệ thống radar chủ động.

Hệ thống đánh chặn tên lửa Aegis của Mỹ cần thời gian phản ứng từ 8-10 giây để đánh chặn các cuộc tấn công sắp tới. Trong 8-10 giây đó, tên lửa 3M22 Zircon của Nga đã bay được 20km và tên lửa đánh chặn không bay đủ nhanh để đuổi kịp”, tờ Military phân tích.

Bộ ba tên lửa siêu thanh uy lực

Vũ khí siêu thanh lần đầu tiên được Tổng thống Putin đề cập đến trong Chiến lược an ninh quốc gia vào ngày 1-3-2018. Cuối năm đó, đích thân Tổng thống Nga thị sát thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh đầu tiên trên thế giới - Avangard có khả năng mang đầu đạn hạt nhân.

Bộ Quốc phòng Nga cho biết, đến năm 2019, Nga đã triển khai tổng cộng 31 bệ phóng của hệ thống tên lửa Yars và Avangard đảm nhận nhiệm vụ chiến đấu. Cũng theo nguồn tin này, Avangard trước đây có tên gọi là Objekt 4202, Yu-71 và Yu-74, là một phương tiện lượn siêu vượt âm (HGV).

Ngay từ thập niên 1980, các kỹ sư Liên Xô (cũ) đã chế tạo được vật liệu chịu nhiệt siêu hạng là hợp kim có biệt danh unobtainium. Trên cơ sở này, Liên Xô (cũ) đã bắt đầu nghiên cứu chế tạo và đến cuối thập niên 1980 phát triển thành công rất nhiều loại tên lửa gần đạt mức bội siêu thanh.

Dựa trên cơ sở hệ thống tên lửa phòng không S-200, Liên Xô (cũ) đã chế tạo thành công tên lửa bội siêu thanh Kholod. Năm 1991, tên lửa này được thử nghiệm thành công đạt vận tốc Mach 5,75 (6.500km/h) nhưng Liên Xô (cũ) tan rã khiến dự án đình trệ. Sau này, Nga tiếp tục phát triển dự án phương tiện lượn siêu vượt âm Yu-71, chính là tiền thân của Avangard.

Bộ ba tên lửa siêu thanh uy lực của Nga - Ảnh 3.

Một máy bay chiến đấu MIG-31 của Không quân Nga mang tên lửa siêu thanh Kh-47M2 Kinzhal chuẩn bị cất cánh từ căn cứ không quân ở miền Nam nước Nga. ảnh: AP.

Tên lửa Avangard được thử nghiệm vào khoảng giữa tháng 2-2015 tới tháng 6-2016 trên tên lửa đạn đạo liên lục địa UR-100UTTKh (NATO định danh là SS-19 Stiletto) phóng từ căn cứ không quân Dombarovsky, tỉnh Orenburg. Khi đó, Avangard đã đạt tốc độ 11.200km/h và đánh trúng mục tiêu ở bãi thử Kura, Kamchatka Krai.

Trong lần bắn thử vào 26-12-2018, từ bãi thử Dombarovsky tại miền Nam Nga, Avangard đã đánh trúng mục tiêu giả định cách địa điểm phóng 6.000 km ở bãi thử Kura tại bán đảo Kamchatka.

Khi đó, Nga công bố rằng Avangard đạt vận tốc gấp 27 lần tốc độ âm thanh (tương đương 33.000 km/h), khiến nó trở nên "không thể bị đánh chặn". Ngày 27-12-2019, trung đoàn tên lửa đầu tiên trang bị Avangard đã đi vào trực chiến. Trung đoàn này được cho là triển khai ở vùng Orenburg, miền Nam Nga, gần giáp với Kazakhstan.

Tiếp đó, Nga phát triển tên lửa đạn đạo Kh-47M2 Kinzhal (hay còn gọi là “Dao găm” với độ chính xác cao, bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa, cộng với tốc độ bay rất nhanh…, được trang bị cho máy bay tiêm kích đánh chặn MiG-31K và máy bay ném bom Tu-22M3.

Kh-47M2 Kinzhal có tầm bắn hơn 2.000 km, vận tốc siêu vượt âm đạt tới Mach 10 và có khả năng thực hiện các thao tác thay đổi quỹ đạo để né tránh phòng không đối phương ở mọi giai đoạn khi bay.

Hãng Reuters đưa tin, tên lửa Kh-47M2 Kinzhal được thiết kế để tiêu diệt các tàu chiến của Mỹ và NATO cũng như các hệ thống tên lửa chiến lược của đối phương ở khu vực châu Âu, phá hủy các hệ thống phòng thủ tên lửa của NATO và các mục tiêu trên đất liền gần biên giới Nga.

Kh-47M2 Kinzhal là tên lửa đạn đạo kiểu mới, không bay theo quỹ đạo cố định mà có thể thay đổi quỹ đạo bay liên tục, do đó các hệ thống phòng thủ chống tên lửa đạn đạo không thể tính toán được quỹ đạo bay của nó, khiến việc đánh chặn là gần như không thể.

Bộ ba tên lửa siêu thanh uy lực của Nga - Ảnh 5.

Hệ thống tên lửa siêu thanh đầu tiên của Nga - Avangard. Ảnh: Tass.

Tốc độ siêu vượt âm cũng làm tăng sức sát thương của tên lửa. Một quả tên lửa nặng khoảng 3 tấn khi lao xuống với vận tốc 3 km/giây như Kh-47M2 Khinzal sẽ tạo ra một động năng cực lớn (khoảng 27 tỷ jun), tương đương năng lượng của 6 tấn thuốc nổ TNT, có thể đánh gãy đôi 1 tàu sân bay cỡ lớn mà không cần đầu đạn phát nổ.

Đơn vị quân đội đầu tiên được trang bị Kh-47M2 Khinzal được thành lập tại quân khu phía Nam nước Nga vào tháng 12-2017.

Tháng 5-2018, đã có 10 chiếc MiG-31K được nâng cấp để có khả năng sử dụng tên lửa Kh-47M2 Kinzhal. Tháng 12-2018, các máy bay được trang bị tên lửa Kh-47M2 Kinzhal đã thực hiện 89 chuyến bay tuần tra trên Biển Đen và Biển Caspi.

Tháng 2-2019, phi hành đoàn của các máy bay tấn công MiG-31K mang tên lửa Kh-47M2 Kinzhal đã thực hiện hơn 380 chuyến bay huấn luyện bằng tên lửa, trong đó ít nhất 70 chuyến đã được thực hiện với việc tiếp nhiên liệu trên không.

Chương trình phát triển biến thể thu nhỏ của Kh-47M2 Kinzhal để trang bị cho tiêm kích tàng hình Su-57 được bắt đầu năm 2018 và đến năm 2020 đã hoàn thành nguyên mẫu đầu tiên. Máy bay chiến đấu Su-57 dự kiến có thể mang hai tên lửa Kinzhal thu nhỏ trong khoang vũ khí.

Cuối cùng, tên lửa siêu thanh được coi là đã thay đổi cuộc chạy đua vũ trang và cả sức mạnh quân sự trên biển chính là 3M22 Zircon. Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga Dimitry Bulgakov tiết lộ, 3M22 Zircon có thể sử dụng một loại nhiên liệu mới định danh "Decylin-M" giúp tăng tầm bắn lên mức xa.

Hệ thống dẫn đường của 3M22 Zircon sử dụng chế độ hỗn hợp, bao gồm hệ quán tính, radar, định vị vệ tinh và có thể là cả camera quang hình/hồng ngoại; giúp cho 3M22 Zircon có khả năng "bắn và quên", tức là tàu chiến/máy bay không cần phải tự phát hiện và theo dõi vị trí của tàu địch mà chỉ cần nạp tọa độ ban đầu của mục tiêu (do vệ tinh hoặc máy bay trinh sát cung cấp) rồi phóng 3M22 Zircon.

Sau khi phóng, tàu chiến/máy bay không cần phải điều khiển tên lửa nữa mà chạy tới chỗ khác để tránh bị bắn trả, còn bản thân 3M22 Zircon sẽ tự bay tiếp và nhận thông tin vị trí mục tiêu do vệ tinh gửi tới (3M22 Zircon có khả năng nhận tín hiệu vệ tinh ngay sau khi được phóng lên), hoặc tự tìm kiếm vị trí mục tiêu bằng đầu dò radar/camera quang hình/hồng ngoại của chính nó.

Hệ thống dẫn đường đa chế độ còn làm tăng khả năng chống nhiễu của tên lửa. Nếu 1 phương thức dẫn đường bị vô hiệu hóa thì 3M22 Zircon sẽ tự động sử dụng phương thức dẫn đường khác.

Một điểm đáng chú ý nữa là 3M22 Zircon cũng có phần mềm trí tuệ nhân tạo (AI), gồm 1 máy tính kỹ thuật số mạnh với nhiều bộ vi xử lý và bộ thiết bị chống đối kháng điện tử để tránh các biện pháp gây nhiễu của kẻ thù.

Hệ thống AI được cài đặt dữ liệu nhận dạng các kiểu tàu chiến trên thế giới, không chỉ tự động tính toán kích thước và hình dáng mục tiêu mà còn có thể phát hiện tín hiệu điện từ và các thông số đặc trưng khác của từng loại tàu chiến đối phương.

3M22 Zircon còn được nạp thông tin chiến thuật về các đội hình tàu chiến khác nhau, cho phép tên lửa nhận định chính xác biên đội tàu chiến phía trước là nhóm tàu hộ tống, cụm tàu sân bay chiến đấu hay lực lượng đổ bộ.

Dựa vào dữ liệu nhận dạng này, tên lửa sẽ tự nhận biết và tấn công mục tiêu chính trong đội hình tàu chiến đối phương.

AI trang bị trên các tên lửa tạo thành một mạng lưới thông minh, liên tục kết nối để hỗ trợ lẫn nhau. Nếu tên lửa chỉ huy bị đối phương bắn hạ, một tên lửa khác trong đội hình sẽ tự động tăng độ cao để thế chỗ của nó.

Tên lửa có thể tự phân biệt các mục tiêu, và tự động quyết định mục tiêu nào cần phải tiêu diệt trước bằng những thông tin được lập trình sẵn ở máy tính trong tên lửa.

Nếu mục tiêu quan trọng nhất là tàu sân bay (hoặc chiếc tàu chính yếu nhất trong đội hình) đã bị các tên lửa trước đó tiêu diệt, các tên lửa còn lại sẽ nhanh chóng tính toán lại nhiệm vụ, chuyển sang tấn công các mục tiêu khác theo thứ tự quan trọng từ cao xuống thấp.

Điều này giống như một đàn hàng chục con sói cùng lao tới kết liễu con mồi theo một kế hoạch được phân công thống nhất, nên được gọi là “Chiến thuật bầy sói”.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại