Bình Dương làm 'hội nghị Diên Hồng' cho chất lượng y tế

BÁ SƠN |

Mặc dù là tỉnh công nghiệp phát triển, đông người nhập cư nhưng lĩnh vực y tế của Bình Dương lại có nhiều hạn chế, tỉ lệ bác sĩ còn thấp hơn mức bình quân chung của cả nước nên cần một cuộc “cách mạng” toàn diện.

Bình Dương làm hội nghị Diên Hồng cho chất lượng y tế - Ảnh 1.

Cục trưởng Cục Khám, chữa bệnh Lương Ngọc Khuê (người đứng) và lãnh đạo Bộ Y tế ủng hộ xây trường đại học y tại Bình Dương để giải cơn “khát” bác sĩ và nhân lực ngành y tế - Ảnh: BÁ SƠN

Ngày 8-10, UBND tỉnh Bình Dương tổ chức hội thảo xây dựng đề án phát triển tổng thể ngành y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030 với rất nhiều ý kiến tâm huyết của các đại biểu đến từ Bộ Y tế, các tỉnh thành và các trường y, các cơ sở y tế trong cả nước.

Hội thảo như một "hội nghị Diên Hồng" để vực dậy ngành y tế Bình Dương. Đây là hội thảo quy mô lớn đầu tiên trong vòng 10 năm qua được tỉnh này tổ chức bàn giải pháp tổng thể cho ngành y tế, đặc biệt là sau biến động của dịch COVID-19 khiến y tế Bình Dương bộc lộ rất nhiều yếu kém, bất cập.

Bác sĩ Nguyễn Hồng Chương - giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương - thừa nhận y tế Bình Dương phát triển "chưa tương xứng" với phát triển của kinh tế và quy mô dân số. Dù Bình Dương là tỉnh thuộc top đầu cả nước về phát triển kinh tế, đóng góp ngân sách nhưng nhiều chỉ tiêu về y tế lại ở top cuối. Ví dụ như tỉ lệ bác sĩ chỉ đạt 7,5 bác sĩ/10.000 dân, thấp hơn tỉ lệ chung cả nước là trên 10,3 bác sĩ/10.000 dân. Số lượng giường bệnh cũng chưa đạt.

Trong dịch COVID-19 vừa qua, Bình Dương phải nhờ sự chi viện của các đoàn y tế Hà Nội, Ninh Bình và nhiều nơi, trong khi y tế tại chỗ thiếu trầm trọng.

Dự báo quy mô dân số Bình Dương vào sẽ tăng từ khoảng 2,7 triệu người hiện nay lên trên 3,5 triệu người vào năm 2030, đồng nghĩa với việc tỉnh này phải tăng gấp đôi cả số bác sĩ và số giường bệnh hiện có.

Đây thực sự là một thách thức rất lớn. Để đạt chỉ tiêu 29 giường bệnh và 11 bác sĩ trên 1 vạn dân thì Bình Dương cần đầu tư xây dựng tối thiểu 5.000 giường bệnh và hơn 1.900 bác sĩ.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến góp ý Bộ Y tế cần hỗ trợ để xây dựng bệnh viện tuyến cuối khoảng 2.000 giường và các bệnh viện chuyên khoa, có trường đại học y riêng cho Bình Dương. Nhiều nhà đầu tư cũng chia sẻ tại hội thảo cần có cơ chế hỗ trợ quỹ đất với giá hợp lý thì nhà đầu tư mới có thể "trụ" lại.

Nhà đầu tư ví von Bình Dương giáp TP.HCM nên muốn người dân sử dụng dịch vụ thì các bệnh viện phải được đầu tư với chất lượng tương đương với TP.HCM. Trong khi đầu tư bất động sản thì có thể bán nhà đất thu hồi vốn ngay, còn đầu tư y tế thì cũng cần số vốn lớn nhưng thời gian thu hồi vốn lâu hơn.

Bình Dương làm hội nghị Diên Hồng cho chất lượng y tế - Ảnh 2.

Dự án Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương quy mô 1.500 giường với số vốn đầu tư hàng ngàn tỉ đồng, khởi công từ tháng 8-2014 nhưng tới nay vẫn chưa thể đưa vào hoạt động, bệnh nhân vẫn phải chen chúc trong bệnh viện cũ 512 giường quá tải - Ảnh: BÁ SƠN

Ông Trần Văn Thuấn - thứ trưởng Bộ Y tế - cho biết bộ ủng hộ xây dựng một trường đại học y tại Bình Dương. Trước mắt, thứ trưởng gợi ý tỉnh có thể phối hợp với các cơ sở y tế uy tín như Trường đại học Y Hà Nội để mở phân hiệu tại Bình Dương, làm nền tảng để hình thành trường đại học y riêng của Bình Dương sau này.

Về việc xây dựng các bệnh viện chuyên khoa, Thứ trưởng Thuấn đề nghị đề án phải bám sát thực tế và có tính khả thi. Ông lấy ví dụ Bình Dương muốn xây dựng bệnh viện chuyên khoa tâm thần 1.000 giường sẽ rất khó vì không có nhân sự để làm, vì hiện ngay cả bộ y tế cũng thiếu bác sĩ cho chuyên khoa này.

Ông Võ Văn Minh - chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - cho biết dân số Bình Dương mỗi năm tăng trên 100.000 người, tạo áp lực rất lớn lên y tế, trong khi y tế hiện hữu của tỉnh còn nhiều hạn chế. Để tháo gỡ, bên cạnh việc tiếp thu các ý kiến góp ý của các nhà quản lý, chuyên gia để phát triển ngành y tế, lãnh đạo tỉnh tiếp tục mời gọi, đồng hành cùng các nhà đầu tư tư nhân cùng tham gia.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại