Bình Định: Tàu vỏ sắt nằm bờ, phải đền bù thiệt hại cho ngư dân

Thái Bình |

Những con tàu vỏ thép của ngư dân tỉnh Bình Định vừa mới đóng đã hỏng, phát hiện các cơ sở đóng tàu không sử dụng máy chính hãng.

Công ty TNHH Thương mại xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (viết tắt Công ty Hoàng Gia Phát) đã ký hợp đồng kinh tế với đơn vị đóng tàu là Công ty TNHH Một thành viên Nam Triệu của Bộ Công an (viết tắt Công ty Nam Triệu) về việc cung cấp động cơ máy chính cho tàu thủy hiệu Mitsubishi để lắp vào tàu cá vỏ thép đóng mới theo Nghị định 67 ngày 7/7/2014 của Chính phủ cho ngư dân Bình Định.

Tuy nhiên, qua kiểm tra, tổ kiểm định của tỉnh Bình Định phát hiện các máy mang hiệu Mitsubishi có dấu hiệu bất thường.

Ngay sau khi có thông tin về sự cố tàu vỏ thép, đoàn của hãng Mitsubishi đã kiểm tra 9 chiếc tàu vỏ thép bị hư hỏng của ngư dân Bình Định, trong đó, 8 chiếc do Công ty Nam Triệu đóng và 1 chiếc do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng.

Ông Trương Thưởng - trợ lý Giám đốc bán hàng của Công ty Xin Min Hua, tại Singapore khẳng định, toàn bộ máy tàu trên 8 con tàu do Công ty Nam Triệu đóng đều không phải máy được phân phối chính hãng. Còn công ty Hoàng Gia Phát cũng không phải là đại lý phân phối tại Việt Nam.

Ông Trương Thưởng cho biết: “Đó không phải là máy thủy chính hãng mà bên tôi phân phối. Thường máy dùng dưới tàu thì điều kiện ngặt nghèo hơn, chịu đựng được môi trường thủy, ăn mòn, tải chân vịt rất là nặng, sóng gió. 

Có những tàu mới đi một chuyến mà máy bây giờ đã hỏng, có những tàu đi 2-3 chuyến mà đã bị nóng tầng bô, sôi nước, có trường hợp máy hỏng hẳn không hoạt động được. Bà con ngư dân đi đánh bắt xa bờ, hằng tháng, không an toàn”.

Trước đây, đại diện Công ty Hoàng Gia Phát từng khẳng định với lãnh đạo tỉnh Bình Định đã lắp máy chính hãng và đỗ lỗi cho ngư dân không biết vận hành dẫn đến hư hỏng. Thế nhưng, sau khi sự việc vỡ lỡ, công ty này lại có văn bản cam kết sẽ thay máy mới chính hãng cho ngư dân.

Nhiều chủ tàu cũng như đại diện các địa phương cho rằng, cả phía đơn vị đóng tàu và bên cung cấp máy đã không thực hiện đúng hợp đồng, cung cấp hàng không đúng chất lượng, chủng loại, xem thường tính mạng của bà con khi hoạt động trên biển. 

Vì vậy, các cơ quan chức năng phải xử lý trách nhiệm của các đơn vị liên quan, đặc biệt là Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Tổng cục Thủy sản.

Ông Hà Ngọc Tân - Phó Chủ tịch UBND huyện Phù Mỹ, tỉnh Bình Định cho rằng, vụ việc có dấu hiệu lừa đảo, tàu không thể ra khơi, ngư dân mắc nợ ngân hàng.

Ông Tân cho biết: “Không khắc phục thì một năm tàu sẽ xuống cấp nghiêm trọng, không có thể hoạt động được. Kiểm tra, đánh giá lại toàn bộ chất lượng của con tàu cũng như toàn bộ máy móc, trên cơ sở đó, chúng ta kết luận một cách chính xác. Chúng tôi gọi là đại phẫu thuật”.

Phó Chủ tịch huyện Phú Mỹ cũng đề nghị, trong thời gian nằm bờ, lỗi này mà do đơn vị cung cấp tàu gây ra, kể cả cung cấp máy gây ra. Đơn vị phải bồi thường chuyến đi biển đó. Đối với ngân hàng cũng cần giãn nợ cho ngư dân.

Hiện nay, tổ thẩm định độc lập của tỉnh Bình Định đang thẩm định, sau khi có kết luận cụ thể thì việc thay máy mới cho tàu của ngư dân mới được thực hiện.

Ông Vũ Văn Tám - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT cho biết, bên cạnh việc yêu cầu thay máy mới theo đúng hợp đồng, thì trách nhiệm của các cơ quan tư vấn, đơn vị đóng tàu, đặc biệt là xem xét trách nhiệm và xử lý sai phạm của Trung tâm Đăng kiểm tàu cá trực thuộc Tổng cục Thủy sản./.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại