Chiều 11/6, tờ Tuổi trẻ đưa tin, ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết, ông đã nhận văn bản của ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc Công ty TNHH Thương mại Xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát (TP.HCM), cam kết chịu trách nhiệm thay lại toàn bộ máy tàu thủy mới chính hãng Mitsubishi cho các tàu cá vỏ thép đã lắp đặt máy của ngư dân Bình Định.
Theo báo Pháp luật TP.HCM, Công ty Nam Triệu, một trong các đơn vị đóng tàu đã soạn sẵn "văn bản thỏa thuận và cam kết" với nội dung chi tiền cho ngư dân để họ rút đơn khiếu nại, không cung cấp thông tin cho truyền thông.
Theo đó, văn bản này được lập ngày 3/6. Trong đó bên A là Công ty Nam Triệu, do ông Bùi Hữu Hùng, Phó Tổng Giám đốc, làm đại diện và đã ký sẵn; bên B là Công ty Hoàng Gia Phát, do ông Lê Hoàng Phong, Giám đốc công ty, làm đại diện; còn bên C là ngư dân Đinh Công Khánh.
Nội dung thỏa thuận là hai công ty trên cùng liên đới khắc phục thiệt hại cho bên C liên quan đến hợp đồng đóng tàu mà các bên đã ký với mức 200 triệu đồng. Bên C sẽ nhận được số tiền này với điều kiện bên C rút xong toàn bộ nội dung kiến nghị vào ngày 5-6 tại Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định và các cơ quan liên quan.
Văn bản cam kết thỏa thuận. Ảnh: Tấn Lộc/Pháp luật TP.HCM
Văn bản trên thể hiện: "Sau khi bên C nhận đủ tiền nêu trên sẽ không có khiếu nại, khiếu kiện gì đối với bên A và bên B, tự nguyện xin rút toàn bộ nội dung đơn kiến nghị liên quan mà bên C đã gửi đến công ty và các cơ quan có liên quan.
Bên C cam kết không khiếu nại đến các cơ quan có thẩm quyền và tuyệt đối không cung cấp các thông tin, tài liệu liên quan cho các cơ quan thông tin, truyền thông trong vụ việc này".
Ông Đinh Công Khánh (ngụ xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định), chủ tàu vỏ thép BĐ 99086 TS, trao đổi với Phóng viên Báo Pháp luật TP.HCM khẳng định, lãnh đạo Công ty Nam Triệu đã thuyết phục ông nhận 200 triệu đồng và ký vào văn bản này.
Trong khi đó, vào chiều qua (11/6), ông Trần Văn Nguyện, Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu trao đổi với tờ Zing.vn cho biết, doanh nghiệp đã chi "hỗ trợ" hơn 2 tỷ đồng cho khoảng chục chủ tàu thép Bình Định để bảo dưỡng, sửa chữa tàu.
Theo lý giải của vị Chánh văn phòng Công ty TNHH MTV Nam Triệu với phóng viên Zing.vn, số tiền từ 50 đến 215 triệu đồng là doanh nghiệp và các đơn vị cung cấp máy hỗ trợ cho các chủ tàu thép tùy theo mức độ hư hỏng. Và chi phí này là nhằm chia sẻ bớt khó khăn trong thời gian tàu thép gặp sự cố nằm bờ và lo bảo dưỡng, sửa chữa phương tiện để sớm ra khơi trở lại.
Trên báo Tuổi trẻ, ông Trần Châu Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định khẳng định, phải chờ kết quả của tổ thẩm định độc lập do UBND tỉnh thành lập và kết luận chỉ đạo xử lý vụ việc của UBND tỉnh thì việc thay máy mới cho tàu của ngư dân mới được thực hiện.
Theo ông Trần Châu, hai công ty Nam Triệu và Đại Nguyên Dương (đơn vị đóng tàu - PV) phải trả lại cho ngư dân một con tàu đúng nghĩa theo nghị định 67, tức là lắp máy không đúng thì tháo ra thay máy mới, chính hãng; làm thép Trung Quốc thì tháo ra, thay thép Hàn Quốc hay Nhật Bản như trong hợp đồng...
Tờ Pháp luật TP.HCM đưa tin, ông Trần Châu khẳng định: "Dù các công ty đóng tàu, cung cấp máy xin khắc phục các tàu vỏ thép bị hỏng nhưng quan điểm của UBND tỉnh là nhất thiết phải điều tra, xem xét xử lý hình sự vì đây là hành vi lừa đảo, gian dối...".