Những niềm đau câm nín, những tâm sự giấu kín
Thời gian gần đây, chủ đề bạo hành gia đình, trong đó đàn ông, những ông chồng trở thành đối tượng của bạo hành, được nói đến nhiều. Điều này xuất phát từ thực tế cuộc sống, với việc đàn ông cũng trở thành nạn nhân của bạo hành, về mặt thể xác hoặc tinh thần, với nhiều những hình thức khác nhau.
Trong một diễn đàn "chuyện vợ chồng", một thành viên nam đã đưa lên câu hỏi: "Có ông nào như tôi không, lấy vợ rồi mà cái "chuyện ấy" cứ như đi xin. Vợ thích thì cho, không thích thì nhịn, đến khốn khổ". Vấn đề này như "chạm vào nỗi đau chôn giấu" của nhiều anh em, chủ đề thành viên này nêu ra nhận được hàng trăm phản hồi. Người vợ như một quyền lực trong nhà, thích thì cho, không thích thì "cho nhịn", có anh chồng còn tâm sự có lần muốn "gần gũi" vợ thì bị vợ đạp cho 1 cú chảy cả máu mồm.
Liệu đàn ông có quyền đòi hỏi được "yêu" không hay phải hoàn toàn tôn trọng quyết định từ vợ? Hàng loạt những ý kiến gây tranh cãi được các ông chồng thảo luận.
Những chủ đề này hoàn toàn là "nỗi đau câm nín", là điều những người đàn ông giấu kín trong lòng, không dễ để chia sẻ. Nhiều chuyên gia tâm lý đã nói rằng những người đàn ông thường giấu kín các tâm sự của mình, giấu kín các vấn đề mình gặp phải, chỉ khi có những biểu hiện bị trầm cảm từ việc bị bạo hành mới tìm đến để xin tư vấn.
Anh Đạt (tên nhân vật đã được thay đổi) cũng gặp vấn đề tương tự và luôn tự hỏi rằng liệu có phải mình bị vợ bạo hành hay không?
Cưới nhau đã 8 năm, anh Đạt và vợ có 2 con. Mỗi lần bầu bí, vợ đều bắt anh "nhịn" suốt thời gian mang thai. Sợ vợ bị ảnh hưởng, anh Đạt cũng đành nhịn, nằm bên cạnh nhưng không được "gần gũi" vợ. Sau khi sinh con, vợ anh lại cho anh "nhịn" luôn chuyện "quan hệ" trong cả năm. Tôn trọng vợ, dù rất muốn nhưng anh Đạt cũng đành tiếp tục "ngủ chay".
Là người luyện tập thể thao thường xuyên, có cơ thể khỏe mạnh, anh Đạt tâm sự rằng việc anh có "nhu cầu" với vợ mình là hoàn toàn bình thường. Việc cứ phải nhịn "chuyện ấy" quá lâu, phải sống cạnh vợ như sống với một người bạn thân khiến anh rất bức bối, ảnh hưởng tâm lý, hay cáu giận. Có lần, do quá bức bí, anh Đạt định "tiến tới" thì vợ anh nói rằng anh đang có ý định cưỡng bức vợ mình, đây là hành vi vi phạm pháp luật. Anh Đạt gào lên rằng "nên nhớ tôi đang là chồng cô, không lẽ tôi không có cái quyền được gần gũi vợ mình". Vợ chồng anh cãi vã rồi không nói chuyện với nhau đến cả tháng trời. Anh Đạt cho biết, đã từ lâu, mình chỉ thèm một nụ hôn, một cái nắm tay từ vợ, như ngày mới yêu nhau, nhưng mong muốn rất chính đáng và cũng đầy yêu thương này của anh Đạt đã không được đáp ứng. Anh có dấu hiệu trầm cảm và cần tư vấn từ bác sĩ, người có chuyên môn tâm lý.
Anh Tuấn Minh (Q.Đống Đa, Hà Nội) thì gặp một vấn đề khác, vợ anh cứ thích thì "cho", không thích thì bắt "nhịn" và mang "chuyện yêu" của 2 vợ chồng ra làm điều kiện. Lúc mới cưới nhau, còn vui vẻ, vợ anh nói rằng "rửa bát đi rồi tối em thưởng", cũng vì yêu vợ và muốn giúp vợ việc nhà, anh lập tức đi nấu cơm, rửa bát, dọn nhà, giặt hết quần áo. Sau rồi cứ lúc nào anh nộp lương đầy đủ thì đêm ấy anh có được một đêm ngọt ngào với vợ. Thời gian gần đây, công việc trục trặc, thu nhập sụt giảm, rồi sau đó anh mất việc, vợ anh cho anh "nhịn" luôn, còn liên lục mắng chồng là vô dụng. Có mâu thuẫn với mẹ chồng, vợ anh Tuấn Minh lại "cấm cửa" anh cả vài tháng, mang chuyện đó ra làm điều kiện, gây áp lực cho anh.
Trái với những người "lần chẳng ra" thì lại có những người "ăn không hết" và còn phát sợ vì vợ mình "đòi hỏi" quá nhiều.
Anh T.N và chị H.L là cặp vợ chồng kiểu mẫu trong mắt những người khác. Hai người cùng là những người có có địa vị, có thu nhập tốt với những đứa con ngoan ngoãn. Tuy nhiên, anh T.N có một tâm sự giấu kín, khó chia sẻ: "Vợ mình xinh xắn, cao ráo, có học thức, đối xử với gia đình chồng, chăm sóc nuôi dạy các con, quán xuyến gia đình, chẳng có gì để chê cả. Tuy nhiên, mỗi khi đêm xuống, thú thực là mình thấy như cực hình. Vợ mình một tuần đòi chồng phải "chiều" tới 5 lần, xuyên hết cả đêm, mình kiệt sức mất. Lúc trẻ thì còn đỡ, giờ mình bắt đầu vào tuổi trung niên rồi. Cô ấy nói rằng cô ấy yêu chồng, đòi hỏi ở chồng là hoàn toàn chính đáng. Nhưng có đêm, không đáp ứng được vợ, cô ấy lại chê bai, thậm chí có lúc còn mắng mình luôn...".
Liệu đó có phải là bạo hành?
Những người đàn ông trong các câu chuyện trên đều bị ảnh hưởng tâm lý rất lớn, tuy nhiên tất cả đều băn khoăn rằng liệu có phải mình đang bị bạo hành?
Anh Đạt cho biết mình từng được tư vấn tâm lý, được khuyên rằng nên mang chuyện này ra thảo luận cùng vợ. Anh đã về nhà, thảo luận thằng thắn với vợ, vợ anh nói rằng vẫn còn yêu anh nhưng cũng không còn hứng thú gì với "chuyện ấy", vợ yêu cầu anh phải tôn trọng mình. "Tôi không bị cô ấy đánh đập, không bị tổn thương cơ thể, chị bị vợ cho... "nhịn". Tôi cũng đành phải chấp nhận vậy chứ chẳng biết làm gì", anh Đạt chia sẻ.
Là một người tôn trọng các giá trị gia đình, anh Tuấn Minh vẫn rất yêu thương vợ. Thời gian gần đây, cô bạn gái năm xưa thích anh đã nối lại liên lạc, chủ động hẹn gặp anh, song anh Tuấn Minh từ chối. "Đôi khi, mình cứ đè nén những ham muốn, mình phải là người đàn ông có trách nhiệm. Cơ mà cũng khổ lắm, không phải là những dục vọng thấp kém nhưng đó cũng là nhu cầu rất bình thường của 1 người đàn ông. Mình cũng không rõ mình có bị bạo hành tinh thần hay không nữa, vợ mình có cái quyền ấy mà..." - đó là tâm sự giấu kín rất lâu được anh chia sẻ.
Trường hợp của anh T.N, anh cho rằng khi người chồng mà "đòi hỏi" quá nhiều ở vợ, bắt vợ phải phục vụ nọ kia thì là bạo hành. Tuy nhiên, khi vợ "đòi" quá nhiều ở chồng thì người chồng lại hoài nghi ở chính bản thân mình, cảm thấy mình kém cỏi, vô dụng. "Mình thực sự rất áp lực, mất tự tin, stress kinh khủng và lắm lúc thực sự là còn muốn chạy trốn khỏi vợ. Chẳng biết đây có phải bị bạo hành tinh thần hay không...", anh T.N cho biết.