BS Hồng Vĩnh Tường, bệnh viện Tri-Service General Hospital Nei-Hu Branch, chia sẻ về trường hợp một bệnh nhân là ông Hùng (50 tuổi), sống tại Đài Loan.
Ông Hùng vốn có tiền sử mắc bệnh cao huyết áp. Khi đến bệnh viện khám, ông Hùng thắc mắc hỏi BS Tường rằng, dạo gần đây răng của ông bị ố vàng và sâu răng , phải chăng nguyên nhân là do tác dụng phụ từ loại thuốc hạ huyết áp mà bác sĩ kê đơn. BS Tường giải thích, loại thuốc hạ huyết áp mà bác sĩ kê đơn hoàn toàn không có tác dụng phụ gây ố vàng và sâu răng.
Ông Hùng không có thói quen uống các loại đồ uống có tính axit như nước chanh, kể cả khi đến phòng khám nha khoa cũng không tìm ra nguyên nhân răng ố vàng và sâu răng. Do đó, BS Tường hoài nghi phải chăng bệnh nhân mắc bệnh trào ngược dạ dày thực quản, tuy nhiên khi được hỏi có xuất hiện triệu chứng ợ nóng hoặc khàn giọng hay không, thì bệnh nhân trả lời là không.
BS Tường khuyên ông Hùng nên tiến hành kiểm tra nội soi thực quản để có chẩn đoán chính xác. Không ngờ kết quả nội soi cho thấy, đáy dạ dày của bệnh nhân xuất hiện viêm loét khoảng 3cm, chụp CT dạ dày xác định là ung thư dạ dày giai đoạn đầu.
BS Tường cho biết: "Triệu chứng thường gặp của bệnh ung thư dạ dày là đau bụng, ợ nóng, khàn giọng. Trường hợp của bệnh nhân là dấu hiệu răng ố vàng và sâu răng, đây được xem là trường hợp hiếm và may mắn khi phát hiện và điều trị sớm".
Ung thư dạ dày là bệnh gì?
Ung thư dạ dày là tình trạng phát triển khối u ác tính trong dạ dày. Bệnh xảy ra khi các tế bào trong dạ dày phát triển quá mức dẫn đến hình thành các khối u. Ung thư dạ dày là bệnh thường gặp và rất dễ di căn đến các bộ phận khác. Nếu không được chữa trị kịp thời, bệnh có thể dẫn đến tử vong.
Những dấu hiệu và triệu chứng ung thư dạ dày là gì?
Giai đoạn tiền ung thư có thể không xuất hiện triệu chứng. Khi khối u phát triển, triệu chứng sẽ bắt đầu từ những cơn đau bất thường, ngất đến mất cảm giác ngon miệng.
Những triệu chứng ung thư dạ dày khác bao gồm: sưng bụng bất thường sau khi ăn, khó nuốt, ợ nóng, sụt kí, máu trong phân, đầy bụng sau bữa ăn và bị ứ huyết thanh trong khoang bụng.
Những yếu tố nào làm tăng nguy cơ mắc ung thư dạ dày?
- Chế độ ăn nhiều muối và thức ăn xông khói.
- Ăn thức ăn nấm mốc.
- Gia đình có tiền sử bị ung thư dạ dày.
- Nhiễm khuẩn pylori.
- Bị viêm dạ dày lâu năm.
- Mắc bệnh thiếu máu ác tính.
- Hút thuốc.
- Có polyp dạ dày (khối u nhỏ, lành tính).
Những thói quen sinh hoạt nào giúp bạn hạn chế diễn tiến của ung thư dạ dày?
- Nghe theo hướng dẫn và chỉ định của bác sĩ.
- Hạn chế ăn muối và thực phẩm xông khói.
- Ăn nhiều trái cây và chất xơ.
- Bỏ hút thuốc lá.
- Không dược uống rượu và chất có cồn.
- Nội soi định kỳ để theo dõi tiến triển ung thư dạ dày.
Theo Ettoday