1. Nguy cơ bị rối loạn tiêu hóa trong ngày Tết
Có nhiều nguyên nhân làm tăng nguy cơ rối loạn tiêu hóa trong những ngày lễ Tết.
Thứ nhất là do giờ giấc sinh hoạt và ăn uống không được điều độ như ngày thường.
Thứ hai là mặc dù những món ăn ngày Tết thường rất đa dạng, số lượng nhiều, nhưng chủ yếu là món ăn giàu chất đạm , đường, chất béo như: bánh chưng, giò chả, thịt đông, giò xào, nem, mọc, bánh mứt kẹo… Trong khi đó trái cây tươi và rau xanh lại rất ít.
Việc ăn quá nhiều chất đạm, đường, béo thường dẫn đến đầy bụng, khó tiêu . Chưa kể nhiều món ăn chế biến sẵn thường chứa nhiều gia vị, chất bảo quản, hoặc thói quen tích trữ nhiều thức ăn, thực phẩm trong tủ lạnh dễ bị nhiễm khuẩn, ăn đi ăn lại nhiều lần cũng có nguy cơ cao gây rối loạn tiêu hóa, tiêu chảy, ngộ độc thức ăn …
Hơn nữa tình trạng lạm dụng rượu bia, nước ngọt có gas, đồ ăn vặt chua cay… trong những ngày Tết cũng là nguyên nhân gây tái phát hoặc làm trầm trọng thêm triệu chứng ở người mắc bệnh lý tiêu hóa như viêm dạ dày , viêm đại tràng…
Thói quen tích trữ nhiều đồ ăn trong tủ lạnh dễ bị nhiễm khuẩn gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn.
2. Bí quyết ăn uống phòng ngừa rối loạn tiêu hóa
BSCKII. Đinh Quý Minh – Trưởng khoa Nội Tiêu hóa, Bệnh viện Hữu Nghị khuyến cáo người dân cần:
- Thực hiện nguyên tắc ăn chín, uống sôi;
- Chọn thực phẩm tươi sống hoặc đông lạnh đúng yêu cầu, cần nhớ nguyên tắc tách riêng thực phẩm sống và chín, kể cả các dụng cụ chế biến, chứa đựng;
- Rửa tay bằng xà phòng trước khi chế biến, trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh.
- Thức ăn thừa cần đun lại ngay sau khi ăn và làm nguội nhanh rồi bảo quản lạnh.
2.1. Lựa chọn thực phẩm
Lựa chọn thực phẩm an toàn , rau quả mới thu hoạch; thịt, cá còn tươi sống tại các cơ sở có uy tín, có nguồn gốc, tiêu chuẩn sản xuất rõ ràng. Tránh mua những thực phẩm có màu sắc quá khác biệt so với thực phẩm cùng loại.
Chuẩn bị đầy đủ rau xanh và các loại trái cây tươi, giảm bớt thịt, hạn chế mua những thức ăn chế biến sẵn, đồ ăn tẩm ướp nhiều gia vị cay nóng, chất bảo quản…
Không nên dự trữ quá nhiều thực phẩm, nấu quá nhiều món, bảo quản thức ăn không tốt khi ăn có thể gây rối loạn tiêu hoá và ngộ độc thực phẩm.
2.2. Chế biến an toàn
Vệ sinh tay sạch sẽ trước và sau khi chế biến thực phẩm. Không để lẫn thực phẩm sống và chín. Vệ sinh sạch bàn bếp, dao thớt, dụng cụ nấu ăn. Rau quả phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch. Quả nên gọt vỏ trước khi ăn.
Đồ ăn thức uống phải đậy kỹ. Nên ăn ngay sau khi vừa nấu xong vì thức ăn càng để lâu thì càng dễ biến đổi chất và có thể bị vi khuẩn xâm nhập.
Lưu ý chế biến thực phẩm vệ sinh, an toàn.
2.3. Ăn đúng cách
- Ăn đúng giờ, không bỏ bữa. Ăn chậm, nhai kỹ. Không nên ăn quá no hoặc để quá đói. Khi ăn xong không nên chạy nhảy, vận động mạnh hoặc đi nằm ngủ ngay.
- Không nên ăn lại thức ăn đã để lâu ngày trong tủ lạnh.
- Không nên ăn rau sống, không ăn các thực phẩm chưa được nấu chín như tiết canh, thịt tái, nem chạo, nem chua, các loại gỏi…
- Không lạm dụng các chất kích thích như: rượu, bia, thuốc lá, cà phê, trà đặc, nước ngọt có gas…
Bên cạnh đó, mỗi người nên duy trì chế độ luyện tập đều đặn hàng ngày để thúc đẩy nhu động ruột, giúp hệ tiêu hóa hoạt động hiệu quả hơn.
Không ăn tiết canh để phòng ngừa rối loạn tiêu hóa và bệnh nguy hiểm khác.
Trong những ngày Xuân khi đã có kế hoạch đi chơi xa, thăm người thân, họ hàng, các bà nội trợ cần lưu ý chuẩn bị một số thực phẩm mang theo như: nước uống đóng chai, đồ ăn nhẹ như bánh kẹo, hoa quả tươi để sử dụng khi đói bụng.
Nếu ăn trên đường cần chọn những hàng quán chế biến đồ ăn sạch sẽ, thoáng mát, có đầy đủ giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm do cơ quan y tế cấp.
Tuyệt đối không ăn các món ăn sống, tái, gỏi, chưa được chế biến chín, dễ đau bụng, rối loạn tiêu hóa, ngộ độc thức ăn. Thực hiện an toàn phòng dịch và rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn.