Xung đột bên trong
Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) là một liên minh mạnh mẽ và có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Mặc dù vậy, các sự kiện gần đây liên quan đến xung đột về lãnh hải ở Đông Địa Trung Hải cho thấy liên minh quân sự phương Tây đang chững lại.
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Hy Lạp hiện tại chỉ là một khía cạnh trong một cuộc xung đột quy mô lớn hơn, với sự liên quan của Israel, Ai Cập, Síp, Pháp, Libya và các quốc gia Địa Trung Hải và châu Âu khác. Đáng chú ý, vắng mặt trong danh sách là Mỹ và Nga.
Những xung đột này có xu hướng bắt nguồn từ lịch sử, khi Thổ Nhĩ Kỳ và Hy Lạp từng có một cuộc chiến ngắn ngày vào năm 1974.
Liên quan đến vụ việc hiện tại còn là thỏa thuận được ký kết bởi Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu và những người đồng cấp Hy Lạp và Síp hồi đầu năm nay. Thỏa thuận dự kiến thiết lập đường ống EastMed sẽ giúp châu Âu tràn ngập nguồn cung khí tự nhiên của Israel.
Một số quốc gia châu Âu đang quan tâm đến việc tham gia và thu lợi từ dự án. Nhưng lợi ích của châu Âu không chỉ là kinh tế mà còn là địa chiến lược.
Khí đốt giá rẻ của Israel sẽ giảm bớt sự phụ thuộc của châu Âu vào khí đốt tự nhiên của Nga đến châu Âu thông qua hai đường ống Nord Stream và Gazprom, kéo qua Thổ Nhĩ Kỳ.
Riêng Gazprom cung cấp cho châu Âu khoảng 40% nhu cầu khí đốt tự nhiên, do đó tạo cho Nga đòn bẩy kinh tế và chính trị đáng kể. Một số quốc gia châu Âu, đặc biệt là Pháp, đã nỗ lực để giải phóng mình khỏi những gì họ coi là sự kìm hãm của Nga đối với nền kinh tế.
Trên thực tế, sự cạnh tranh giữa Pháp và Italy hiện đang diễn ra ở Libya cũng nhằm tìm kiếm nguồn năng lượng mới với mục đích cân bằng sự phụ thuộc quá mức vào nguồn cung cấp khí đốt và các nguồn năng lượng khác từ Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Nhận thức về ý định của Pháp và Italy ở Libya, người Nga và người Thổ Nhĩ Kỳ đã tham gia vào cuộc đọ sức quân sự ở quốc gia Bắc Phi.
Trong khi xung đột ở Libya đã diễn ra trong nhiều năm, đường ống EastMed của Israel và các cộng sự đã đổ thêm dầu vào lửa, khiến Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia bị loại khỏi thỏa thuận - tức giận. Với đường ống mới, Israel có thể củng cố sự hội nhập kinh tế với lục địa châu Âu.
Đoán trước hậu quả, vào ngày 28/11/2019, Thổ Nhĩ Kỳ và Libya đã ký Hiệp ước Ranh giới Hàng hải, một thỏa thuận cho phép Ankara tiếp cận lãnh hải của Libya.
Hành động táo bạo cho phép Thổ Nhĩ Kỳ thăm dò khí đốt trong một khu vực rộng lớn kéo dài từ bờ biển phía Bam Thổ Nhĩ Kỳ đến bờ biển phía đông bắc của Libya.
"Vùng đặc quyền kinh tế" (EEZ) mà Thổ Nhĩ Kỳ vẽ ra được coi là không thể chấp nhận được ở châu Âu vì điều này sẽ phá hủy dự án EastMed đầy tham vọng và thay đổi cơ bản địa chính trị khu vực vốn do châu Âu và NATO đảm bảo.
Ngày tàn của NATO
Mỹ đang "dẫn đầu NATO từ phía sau".
Tuy nhiên, NATO không còn là liên minh đáng gờm và thống nhất một thời. Kể từ khi thành lập vào năm 1949, NATO đã trên đà phát triển một cách thuận lợi. NATO vẫn mạnh mẽ và tương đối thống nhất nga y cả sau khi Liên Xô sụp đổ đột ngột vào năm 1991.
NATO về sau này đã cố gắng duy trì một mức độ thống nhất phần nào đó, mặc dù mục tiêu đánh bại Liên Xô không còn là một yếu tố ưu tiên, bởi Washington muốn duy trì quyền bá chủ quân sự của mình, đặc biệt là ở Trung Đông.
Trong khi cuộc chiến Iraq năm 1991 là biểu hiện mạnh mẽ đầu tiên cho sứ mệnh mới của NATO, thì cuộc chiến Iraq năm 2003 là bước lùi của NATO.
Sau khi không đạt được bất kỳ mục tiêu nào của mình ở Iraq, Mỹ đã áp dụng chiến lược rút lui, đồng thời "xoay trục sang châu Á" với hy vọng làm chậm đà ảnh hưởng của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Biểu hiện rõ rệt nhất quyết định rút lui quân sự của Mỹ khỏi Trung Đông là cuộc chiến của NATO ở Libya vào tháng 3/2011. Các nhà chiến lược quân sự đã phải nghĩ ra một thuật ngữ gây hoang mang là "dẫn đầu từ phía sau" để mô tả vai trò của Mỹ trong cuộc xung đột Libya.
Lần đầu tiên kể từ khi thành lập NATO, Mỹ chỉ là một phần nhỏ của cuộc xung đột, trong khi cuộc chiến được kiểm soát phần lớn bởi các thành viên NATO khác là Italy, Pháp, Anh.
Nhiều quốc gia trong NATO đang xung đột lẫn nhau về một số chính sách ở Đông Địa Trung Hải.
Rõ ràng là liên minh hùng mạnh một thời đã không còn được coi là hữu ích với Washington.
Đặc biệt, Pháp liên tiếp phải tranh đấu trong NATO để giữ sự đoàn kết của Liên minh châu Âu. Chính niềm tin của người Pháp vào các lý tưởng châu Âu và phương Tây đã buộc Paris phải lấp đầy khoảng trống do sự rút lui dần dần của Mỹ.
Pháp hiện đang đóng vai trò bá chủ quân sự và lãnh đạo chính trị trong nhiều cuộc khủng hoảng đang diễn ra ở Trung Đông, bao gồm cả xung đột Đông Địa Trung Hải đang bùng phát.
Tình hình hiện tại là một cảnh tượng kỳ lạ và chưa từng có khi các quốc gia như Israel, Hy Lạp, Ai Cập, Libya, Thổ Nhĩ Kỳ và những quốc gia khác đưa ra yêu sách đối với Địa Trung Hải, trong khi NATO cố gắng ngăn chặn một cuộc chiến giữa các thành viên của chính mình.
Lạ lùng hơn nữa, Pháp và Đức nắm quyền lãnh đạo NATO trong khi Mỹ hầu như hoàn toàn vắng bóng.
Giới quan sát tin rằng, NATO sẽ khó có thể phục hồi như chưa đây, ít nhất là trong vai trò một NATO phục vụ cho lợi ích của Washington.
Không ngạc nhiên khi mới đây Tổng thống Pháp đã kêu gọi thành lập một "đội quân châu Âu" như vai trò của một khối quân sự mới. Xét đến nguy cơ của NATO lúc này, dường như viễn cảnh một đội quân như vậy được thiết lập sẽ không còn xa.