Con người có thể thay tên đổi họ, thay đổi màu tóc, màu mắt hoặc phẫu thuật thẩm mỹ một số đặc điểm nhận dạng khác, nhưng, có duy nhất một thứ không thể thay đổi được, là mẫu ADN của họ.
Đã có vô số sự thật tưởng chừng không bao giờ có thể làm sáng tỏ, nhưng cuối cùng cũng được giải quyết bằng xét nghiệm ADN.
Là một trong những người có nhiều năm trực tiếp làm các xét nghiệm liên quan tới ADN, bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền cho biết: Bà từng không ít lần được chứng kiến những câu chuyện cảm động sau khi có kết quả xét nghiệm.
Đó là khi người cha tìm được đúng con đẻ của mình, những người thân tìm ra được mộ liệt sĩ...
Bà Nguyễn Thị Nga - Giám đốc Trung tâm Phân tích ADN và Công nghệ Di truyền
Nhưng cũng chính vì sự chính xác đến kinh ngạc của xét nghiệm ADN, mà nhiều người tìm mọi cách phù phép kết quả xét nghiệm vì nhiều mục đích khác nhau.
Theo bà Nga, hiện việc làm giả giấy kết quả xét nghiệm ADN không còn là trường hợp hiếm. Họ làm giả để chứng nhận con, đi nước ngoài, để ra tòa phân chia con, phân chia tài sản..., thậm chí có trường hợp khi lấy kết quả về còn tự xóa rồi điền một kết quả khác.
Bà Nga cho rằng, ở những nơi làm việc nghiêm túc và đạo đức, họ sẽ không bao giờ thay đổi kết quả xét nghiệm bằng mọi giá, thay vào đó là việc tư vấn giúp các gia đình tìm một hướng giải quyết hợp tình, hợp lý.
Bà Nga kể: "Từng có một cô gái gọi điện tới tôi trong nước mắt với yêu cầu thay đổi kết quả ADN.
Cô gái này từng cùng chồng và đứa con đến trung tâm để xét nghiệm, nhưng kết quả lại cho thấy đứa con hiện tại không cùng huyết thống với người chồng của cô.
Cô ấy nói với tôi rằng, khi biết kết quả sẽ bị gia đình chồng đuổi ra khỏi nhà, mẹ đẻ lại đang bệnh tim sợ không chịu nổi cú sốc này nên muốn thay đổi. Còn tôi thì chỉ có thể nói rằng... kết quả phải được giữ nguyên".
Kể về một trường hợp khác, bà Nga nói, có một bà mẹ từng đến trung tâm trên tay cầm hai tờ xét nghiệm ADN với hai kết quả trái ngược nhau.
Qua cuộc nói chuyện, người mẹ này kể có con trai học trên Hà Nội tới lúc chuẩn bị đi thực tập thì báo về với gia đình rằng người yêu có thai và muốn tổ chức cưới.
Nhưng gia đình người này muốn biết cái thai trong bụng có chính xác là cháu mình hay không nên yêu cầu xét nghiệm.
Kết quả cho thấy, đứa bé trong bụng không phải con của chàng trai nói trên.
Nhưng người này lại giấu gia đình, bằng cách cất tờ xét nghiệm đúng và thay thế bằng một bản xét nghiệm đã sửa lại với xác nhận đúng là con của mình, rồi chuyển qua bằng đường bưu điện.
Tuy nhiên, sự việc vỡ lở khi người mẹ bất ngờ thấy được tờ xét nghiệm đúng ban đầu, và không lâu sau đó lại nhận thêm một tờ xét nghiệm nữa từ bưu điện.
Bà Nga cho biết, lúc đó bà khuyên nhủ gia đình nên xem xét thấu đáo sự việc, rất có thể chàng trai vì quá yêu cô gái kia mà sẵn sàng chấp nhận đứa bé, dù biết đó không phải là con mình; nhưng đồng thời cũng không quên nhắc nhở việc làm giả mạo giấy là một việc làm phạm pháp.
Có trường hợp, dù không phải con của người bố nhưng lại muốn kết quả kết luận là con, để được thừa hưởng tài sản và sẵn sàng bỏ ra 200 triệu đồng mua các bác sĩ.
"Không ít lần, họ chờ tôi rời cơ quan, rồi đi theo về tận nhà để thương lượng. Họ đặt một cọc tiền toàn tờ 500 nghìn đồng với mong nhận được một tờ kết quả có lợi, nhưng tôi buộc phải từ chối vì đạo đức nghề nghiệp", bà Nga kể.
Cũng theo bà Nga, bà còn bị gọi điện đe dọa vì không được chấp nhận yêu cầu trái đạo đức, trái pháp luật. Bà cũng từng phải mang toàn bộ dữ liệu từ cơ quan về nhà, cất vào két sắt nhằm bảo mật thông tin.