Các chiến dịch quân sự diễn ra "đúng lúc"?
Các chiến binh người Kurd dưới ngọn cờ của Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) đã từng là đồng minh của Hoa Kỳ và các nước NATO khác tiêu diệt tổ chức khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Syria.
Sau khi lính Mỹ rút khỏi khu vực mà Ankara hướng đến bằng một cuộc tấn công phối hợp không quân, pháo binh và bộ binh, người Kurd đã đồng ý gia nhập lực lượng trung thành với Tổng thống Syria Bashar al-Assad và đồng minh Nga.
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định họ đang thực hiện chiến dịch chống khủng bố tiêu diệt tổ chức Đảng Công nhân người Kurd (PKK) ở Đông Bắc Syria mà SDF có liên hệ.
Cho tới thời điểm hiện tại, theo tổ chức Đài quan sát nhân quyền Syria (SOHR) thì những trận giao tranh gần đây đã khiến hàng trăm binh lính của các bên tham gia xung đột và nhiều dân thường hai bên đã thiệt mạng.
Các mũi tiến quân của phiến quân Syria thân Thổ Nhĩ Kỳ luôn được quay phim chi tiết cho mục đích cổ động.
Tuy nhiên, Đảng Nhân dân Cộng hòa (CHP), phe đối lập chính ở Thổ Nhĩ Kỳ cho rằng đằng sau tất cả các quyết định của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan về việc đưa lực lượng Thổ Nhĩ Kỳ tấn công người Kurd từ trước tới nay đều là các "chiến dịch chính trị".
CHP cho rằng ông Erdogan phải gấp rút thực hiện Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình vào thời điểm này do sự ủng hộ cho ông đã bị giảm sút bởi những thất bại bầu cử ở Istanbul và Ankara cũng như kinh tế khó khăn của Thổ Nhĩ Kỳ.
Ông Unal Evikoz, phó chủ tịch CHP và là người phụ trách các vấn đề đối ngoại, lưu ý rằng liên tục xuất hiện "sự tình cờ" ngay sau khi các chiến dịch quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ ở Syria trước đây (Lá chắn Euphrates và Cành Olive) là các cuộc trưng cầu dân ý về việc hệ thống nghị viện hiện tại của đất nước chuyển quyền lực vào tay tổng thống và các cuộc bầu cử quốc hội và tổng thống.
"Có một mô hình ở đây. Mỗi chiến dịch quân sự kết thúc sẽ theo sau bởi một cuộc bỏ phiếu. Do đó, một quan điểm được chia sẻ rộng rãi rằng ngay cả Chiến dịch Mùa xuân Hòa bình đang diễn ra cũng chỉ là khúc dạo đầu cho một cuộc bầu cử nhanh chóng khác vào năm 2020".
Lính đặc nhiệm Thổ Nhĩ Kỳ cùng phiến quân Syria trung thành giao tranh trên đường phố Ras al-Ayn hôm 13/10.
Trừng phạt của Mỹ có ảnh hưởng đến Thổ hay không?
Liên minh châu Âu và Hoa Kỳ đã kêu gọi ông Erdogan tạm dừng tấn công. Nhiều nước châu Âu đã cấm bán vũ khí cho Thổ Nhĩ Kỳ, trong khi chính quyền Trump đã ra lệnh trừng phạt các thực thể thuộc chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ và các quan chức cấp cao.
CHP lo ngại về tác động của các lệnh trừng phạt của Mỹ và EU đối với nền kinh tế mong manh hiện tại của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn đã sụt giảm 1,5% trong quý 2 năm nay, so với cùng kỳ năm 2018.
Ahmet Berat Conkar, một nghị viên Thổ Nhĩ Kỳ thuộc Đảng Công lý và Phát triển (AKP) cầm quyền và phó trưởng phái đoàn Thổ Nhĩ Kỳ tại Hội đồng nghị viện NATO nói rằng một số quốc gia đồng minh bằng việc gây áp lực đã "vô tình" hậu thuẫn những kẻ khủng bố.
Theo ông Conkar, các lệnh trừng phạt kinh tế không nên xảy ra giữa các đồng minh NATO vì điều đó sẽ gây tổn hại cho tình đoàn kết và làm suy yếu liên minh chống lại các mối đe dọa quốc tế ngày càng gia tăng.
Chiều 16/10, nhóm phiến quân Syria trung thành với Thổ Nhĩ Kỳ tung một đoạn video cảnh báo chỉ huy đơn vị, Bahim Issa rằng họ sẽ rút quân do đạn dược cung cấp thiếu hụt. Đây là bằng chứng cho thấy Thổ Nhĩ Kỳ chỉ dự tính thực hiện Chiến dịch Mùa xuân Hòa Bình trong thời gian ngắn ngày.