Israel "vỡ mộng" với ông Trump, các đồng minh Arab sẽ sớm quay lưng?
Cựu Thủ tướng Israel Ehud Olmert trong một cuộc phỏng vấn của tờ Jerusalem Post đã bình luận về quan hệ giữa Mỹ và Israel hiện tại như sau:
"Tổng thống Mỹ Donald Trump đã làm quá ít cho Israel.
Việc công nhận Jerusalem là thủ đô của nhà nước Do Thái và sau đó là Cao nguyên Golan là lãnh thổ của Israel là những "cử chỉ trống rỗng", hay nói cách khác là các động thái tuyên bố "không có chất".
Cao nguyên đã bị (Israel) thôn tính vào tháng 12/1981 tức là 38 năm trước. Tuyên bố của ông Trump đã chỉ gây thêm tranh cãi về việc chiếm đóng Golan của Israel, tập trung sự chú ý của thế giới vào một khu vực đã bị bỏ qua từ lâu".
Về sự kiện lính Mỹ rút khỏi Syria, ông Olmert cho rằng Israel không có lý do gì phải ngạc nhiên và đây là một lời nhắc nhở đối với Israel rằng họ chỉ có thể dựa vào chính bản thân mình trong tương lai.
Lính Mỹ và đồng minh NATO là Thổ Nhĩ Kỳ trong một hoạt động tuần tra chung ở miền bắc Syria trước khi rút quân.
Những bình luận được cho là sáng suốt của ông Olmert phản ánh sự vỡ mộng và cảm giác lo lắng lan rộng ở Israel liên quan đến chính sách đối với Trung Đông của ông Trump. Quyết định của Tổng thống Mỹ rút quân khỏi Syria đã làm tăng thêm sự bất an này.
Tờ nhật báo Haaretz của Israel bình luận:
"Về lâu dài, bằng chứng rõ ràng cho thấy "phong cách kinh doanh" sự hỗn loạn mà Tổng thống Mỹ đang tiến hành là điều đáng lo ngại. Ông ta dường như chỉ giữ lời hứa với chính mình".
Điều nực cười là trong bối cảnh số lượng người Israel ủng hộ ông Trump giảm dần thì truyền thông Israel đang cố biện minh cho hành động của người từng được cho là "người tình của Israel" và hiện đang là ông chủ Nhà Trắng".
Binh lính Lực lượng phòng vệ Irael (IDF) quan sát lãnh thổ Syria từ Cao nguyên Golan.
Cuộc "khổ chiến" với Iran chờ đợi Israel
Đối với Israel, việc quân đội Mỹ rút khỏi Syria diễn ra vào thời điểm bất lợi. Iran đã sử dụng lãnh thổ Syria để thách thức Israel trong nhiều năm, họ đã hỗ trợ Tổng thống Syria Bashar al-Assad trong cuộc nội chiến để có được một bàn đạp tấn công gần Israel nhất.
Các vũ khí mới nhất của Lực lượng Quds thuộc Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) đang ở gần biên giới Israel hơn bao giờ hết.
Ông Olmert nói tiếp: "Chúng ta đã để Iran xâm nhập vào Syria. Sự hiện diện lực lượng quân sự của họ ở đó là thất bại phòng thủ lớn nhất của Israel trong 50 năm qua kể từ sau Chiến tranh Yom Kippur 1973".
Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) trong một vụ thử tên lửa đạn đạo.
Eyal Tsir Cohen , một thành viên của Viện nghiên cứu Brookings bình luận:
"Hiện tại Iran đã giương cung lên và khó có thể rút lại, còn Israel có thể sẽ bị bỏ mặc để đương đầu với họ.
Người Israel thường tự trấn an rằng nếu phải đối mặt với một mối đe dọa sắp xảy ra, người Mỹ sẽ đứng về phía họ. Nhà cầm quyền sẽ phải suy nghĩ một cách cẩn thận về điều này trước việc Mỹ bỏ rơi người Kurd ở Syria."
Ông Cohen cũng lưu ý tác động đến mối quan hệ của Israel với các nước Arab khác:
"Với Iran là một kẻ thù chung, Arab Saudi và UAE sẽ dễ dàng nhận thấy những lợi thế của việc duy trì liên lạc và thậm chí hợp tác với Israel.
Tuy nhiên, các cảm nhận rõ ràng trước phản ứng của Mỹ đối với cuộc tập kích vào các cơ sở dầu mỏ Saudi (Iran bị cáo buộc chịu trách nhiệm) có thể thay đổi điều đó. Các nước Arab sẽ tìm cách đàm phán với Iran để tìm ra một giải pháp giảm căng thẳng.
Điều đó có thể có nghĩa là họ sẽ ngày càng xa rời Israel hơn".
Lực lượng Huy động Phổ biến (PMU) của Iraq được cho là trung thành với Iran trong cuộc chiến chống IS.
Sự hiện diện của người Nga và các vấn đề nan giải của Israel ở Trung Đông
Ảnh hưởng lan rộng của Iran cũng tương tự đối với thế lực của người Nga (ở Trung Đông). Người Kurd đã yêu cầu hỗ trợ từ cả chính phủ Syria lẫn Nga.
Điều này đồng nghĩa với việc Moscow đã giành được sự ủng hộ của người Kurd với nỗ lực bằng không, và hàng triệu USD mà người Mỹ đã đầu tư để vũ trang người Kurd, các cơ sở hạ tầng và các mỏ dầu nằm trong tay họ sẽ rơi vào tay người Nga mà không tốn một viên đạn.
Quân cảnh Nga cùng với Quân đội Arab Syria (SAA) từ Manbij tiến về phía Kobani để tiếp quản với sự cộng tác của lực lượng người Kurd.
Sự hiện diện gia tăng của Nga (ở Trung Đông) là một vấn đề nan giải đối với Israel vì cường quốc này vừa có thể giúp đỡ Iran, lại vừa ngăn chặn Israel tự vệ.
Điều đó sẽ biến Nga trở thành kẻ phán xét, người có thể xác định sự cân bằng quyền lực giữa hai bên.
Một câu hỏi mở khác là quan điểm với Israel của các nước Arab khác sẽ ra sao.
Hôm 14/10, truyền thông chính phủ Jordan đưa tin rằng người phát ngôn của quốc hội nước này yêu cầu chấm dứt sự chiếm đóng của Israel và "các hành vi tàn bạo" ở các vùng lãnh thổ Palestine.
Đó là lời chỉ trích bất thường từ Jordan, một trong những quốc gia láng giềng và là đối tác của Israel. Các ý kiến nói trên có lẽ chỉ là trùng hợp ngẫu nhiên, hoặc là một gợi ý về những thách thức phía trước".
Một bản đồ cho thấy các nước Trung Đông đang bị chia rẽ trầm trọng.
Thổ Nhĩ Kỳ - kẻ địch tương lai?
Vào tháng 5/2018, sau khi Lực lượng phòng vệ Israel (IDF) gây ra cái chết cho hàng chục người biểu tình Palestine và khiến hơn 2.000 khác bị thương ở Gaza, Thổ Nhĩ Kỳ đã trục xuất đại sứ Israel. Israel đáp trả tương tự nhằm vào các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ.
Trong nhiều sự cố tương tự trước đây, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan đã liên tục tìm cách thực thi các chính sách trừng phạt nhằm vào Israel, thông thường Israel sẽ không phản ứng để giảm leo thang, nhưng lần này họ đã phản hồi ngay lập tức.
Mục tiêu của chính phủ Israel là chứng minh với người Thổ rằng họ sẽ không cúi đầu vô thời hạn và ngăn chặn các áp lực chống Israel từ Thổ Nhĩ Kỳ trong tương lai. Cho đến nay, phản ứng của Israel không có vẻ gì cho thấy nó khiến ông Erdogan kiềm chế.
Một người lính Thổ Nhĩ Kỳ dẫm lên lá cờ Israel trong chiến dịch quân sự đang diễn ra tại miền bắc Syria.
Trong mắt Israel, Thổ Nhĩ Kỳ đã có lịch sử nằm dưới các chế độ độc tài và chống người Do Thái. Kết quả của cuộc trưng cầu dân ý ngày 16/4/2017 trao quyền lực tối cao vào tay ông Erdogan, khẳng định nghi ngờ về việc ông Erdogan sẽ là một nhà độc tài mới ở Thổ Nhĩ Kỳ.
Thái độ đối địch giữa Thổ Nhĩ Kỳ và Israel bao gồm quan điểm khác nhau đối với tình hình ở Syria, ảnh hưởng đến cách tiếp cận Iran và vấn đề người Kurd. Tuy nhiên, khúc mắc lớn nhất giữa hai nước đã không thay đổi trong nhiều thập kỷ là cuộc xung đột giữa Israel và Palestine.
Thổ Nhĩ Kỳ cũng giống như các quốc gia khác trong thế giới Arab sử dụng chiến thuật "bài Do Thái" để thu hút sự ủng hộ trong nước và khu vực, hành vi này có thể coi là bất thường đối với các quốc gia có quan hệ tích cực với Israel.
Hơn thế nữa, kể từ năm 2018 tới nay, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran và Qatar được cho là đã chia sẻ các quan điểm chung trong các vấn đề liên quan tới khu vực, đặc biệt là các cuộc chiến tại Syria, Libya và đối đầu giữa Iran và Qatar với Arab Saudi.
Việc Thổ Nhĩ Kỳ càng ngày càng xích lại gần đối phương của Israel cho thấy các động thái trong tương lai của ông Erdogan liên quan tới Israel sẽ rất khó lường.
Hay nói cách khác, trong quá trình tái khẳng định bản thân trong khu vực, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ dùng Israel là "hòn đá lót đường". Trong một viễn cảnh xấu như vậy, việc Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ các lực lượng thù địch với Israel trong một cuộc chiến cường độ thấp là hoàn toàn có thể xảy ra.
Việc hàng chục nghìn phiến quân Syria đồng ý tham chiến về phe Thổ Nhĩ Kỳ trong chiến dịch quân sự nhằm vào người Kurd cho thấy nếu một kịch bản xấu xảy ra, Thổ Nhĩ Kỳ có thể huy động số lượng lính đánh thuê lớn hơn cho một cuộc xung đột với Israel.