Tưởng viêm nhiễm ai dè ung thư
Chị Nguyễn Hoàng H. 32 tuổi (Hà Nội) đến bệnh viện khám với lý do mà rất nhiều phụ nữ bỏ qua đó là đau khi quan hệ vợ chồng, gần đây có hiện tượng chảy máu.
Chị H. cho biết vài tháng nay, mỗi lần sinh hoạt vợ chồng chị thường bị đau vùng kín và gần đây xuất hiện có máu. Chị H., lên mạng tìm các triệu chứng của bệnh thì tá hóa đó có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung.
Chị vội vàng vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội kiểm tra. Lúc đi khám, chị H. hi vọng đơn giản là do căng thẳng hoặc viêm nhiễm chứ không phải bệnh trọng. Tuy nhiên, khi bác sĩ khám thì kết quả hoàn toàn ngược lại.
TS. BS. Nguyễn Đức Phúc - Phụ trách Bộ phận Ung thư E5 cho biết có tế bào xấu, cần tiến hành sinh thiết để khẳng định kết quả. Kết luận cuối cùng, chị đang mắc ung thư cổ tử cung giai đoạn ung thư tại chỗ T1 – được đánh giá là giai đoạn tương đối sớm, kích thước u nhỏ khoảng 2cm, chưa di căn hạch, chưa xâm lấn tổ chức xung quanh.
Bác sĩ Phúc cho biết đây được coi là một trường hợp may mắn bởi ngay sau khi quan hệ thấy ra máu bất thường, chị lập tức đi khám để kiểm tra. Ra máu bất thường sau quan hệ là một dấu hiệu cảnh báo rõ ràng và phổ biến đối với ung thư cổ tử cung. Chỉ cần để khoảng vài tháng nữa bệnh sẽ chuyển sang giai đoạn 1, đòi hỏi điều trị khó hơn, gây nhiều tác dụng phụ đi kèm với tốn kém về chi phí điều trị.
Ảnh minh họa.
Theo BS Phúc, thời điểm phát hiện đóng vai trò rất quan trọng trong việc điều trị bệnh. Nếu sàng lọc dịnh kỳ, phát hiện bệnh ở giai đoạn sớm, việc điều trị chỉ cần phẫu thuật đơn thuần, tỷ lệ khỏi bệnh gần như tuyệt đối. Nếu phát hiện muộn, việc điều trị có thể kéo theo phác đồ điều trị phức tạp, phải phối hợp nhiều phương pháp như xạ trị, hóa trị... Khi đó, quá trình điều trị kéo dài hơn, tốn kém hơn mà phải đối mặt với tình huống tái phát, di căn.
Thủ phạm ung thư cổ tử cung
Thạc sĩ, bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Công Định – Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cho biết nguyên nhân chính của ung thư cổ tử cung là HPV. Nhiễm HPV từ 10 – 15 năm sẽ có nguy cơ tiến triển thành ung thư.
Tuy nhiên vấn đề không ai biết mình nhiễm HPV từ khi nào, HPV tồn tại dai dẳng, có thể thành tế bào ung thư, vì thế, việc khám phụ khoa định kỳ, tầm soát ung thư, xét nghiệm HPV là rất quan trọng để theo dõi. Khi phát hiện HPV dương tính nguy cơ không phải là gây ung thư ngay, mà là cơ sở để bệnh nhân được theo dõi, tiên lượng bệnh. Khi phát hiện có thể sản sinh tế bào ung thư sẽ được can thiệp sớm ngay ở giai đoạn tiền ung thư.
BS Định cho biết HPV lây truyền kinh khủng từ quan hệ tình dục, qua đồ tắm, quần áo lót.
Nếu quan hệ tình dục có sử dụng bao cao su cũng không thể tránh hoàn toàn virus HPV và HPV vẫn lây từ nam sang nữ hoặc ngược lại.
Virus HPV là một mối nguy hiểm thầm lặng bởi đến 80% phụ nữ nhiễm HPV một lần trong đời. Ung thư cổ tử cung là do HPV gây ra và có đến hơn 100 chủng virus HPV, nhưng có 4 chủng được “nhận diện” nguy hiểm là chủng 16 và 18 là tác nhân gây ra 70% trường hợp ung thư cổ tử cung; chủng 6 và 11 dẫn đến 90% trường hợp có mụn sinh dục.
Tiêm phòng vắc xin ngừa ung thư cổ tử cung, bác sĩ Định cho biết dù bạn có tiêm nhưng không phải bạn sẽ không bao giờ bị ung thư cổ tử cung nữa. Hơn nữa, tiêm vắc xin hiện chỉ phòng 4 tuyp HPV còn hơn 1 tuyp khác vì vậy dù có tiêm phòng HPV vẫn phải tầm soát ung thư cổ tử cung nữa.
Ung thư cổ tử cung không di truyền như ung thư vú, ung thư buồng trứng. Nhưng HPV lại có thể lây nhiễm qua tiếp xúc nên có thể nguy cơ lây nhiễm HPV cũng rất lớn. Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ đã có quan hệ tình dục nên sàng lọc ung thư cổ tử cung từ tuổi 21 đến 65 tuổi. 3 năm sẽ sàng lọc 1 lần.