Tai nạn bất ngờ
Gia đình anh Vũ Hồng Long, sinh năm 1988, trú tại khu đô thị Đại Thanh, Thanh Trì, Hà Nội luôn tràn ngập tiếng cười bởi cô con gái bé nhỏ đang tuổi tập nói và những câu chuyện cười anh chị kể cho nhau nghe để cuộc sống thêm sinh động.
Nhắc tới anh Long, một trong những bệnh nhân của Trung tâm Phục hồi chức năng - Bệnh viện Bạch Mai, các bác sĩ ở đây lại cảm phục nghị lực của chàng trai trẻ đã vượt lên trên nỗi đau của sự khiếm khuyết, tập đi những bước đi đầu tiên sau tai nạn giao thông kinh hoàng vào ngày đầu năm.
Anh Long kể: Vào ngày 25/2/2016, anh đang trên đường từ Hồ Đắc Di về An Thượng, Hoài Đức để thăm vợ và con gái mới sinh đang ở nhà ngoại. Khi đến cầu vượt Phú Đô, anh Long bị ngã xe, vừa lúc đó có một xe ô tô lao tới chèn ngang người.
Anh Long được người ta bế vào lề đường nhưng hơn 1 tiếng không có ai dừng xe để cấp cứu vì họ sợ có chuyện gì xảy ra trên xe của mình. Anh Long chỉ nhớ có anh Thắng là chủ khu du lịch Bản Xôi đã dừng xe, bỏ hết đồ đạc trên xe để đưa anh vào cấp cứu ở Bệnh viện 198 - Bộ Công An. Anh Long ngất đi vì sốc mất máu và quá đau.
Do tai nạn quá nặng mọi người đều nghĩ anh khó qua khỏi, thậm chí người thân đã chuẩn bị sẵn tâm lý lo hậu sự.
Tại bệnh viện, bác sĩ phải phẫu thuật cắt lách do dập lách. Dù đang nằm im trên giường bệnh nhưng anh Long nhớ lang máng bác sĩ nói không thể giữ chân đã hoại tử vì không được cung cấp máu. Anh Long cảm nhận rõ bác sĩ lật người anh lên rồi lại úp xuống để lấy hết máu do dập lách.
Sau ca phẫu thuật cắt lách, anh Long phải cắt cụt hai chân và 3 ngày sau anh được chuyển vào Bệnh viện Việt Đức phẫu thuật hai chân lại lần nữa. Nằm ở Bệnh viện Việt Đức đúng 1 tuần, anh lại xuống Viện Bỏng Quốc gia để ghép da. Các bác sĩ phải lấy da từ đùi phải của anh để ghép sang phần chân trái bị dập nát hỏng hết.
"Những ngày nằm trên giường bệnh, tôi có nghe được vợ mình đến bên nắm tay trò chuyện. Vợ còn bảo phải trở về với mẹ con em đấy, rất nhiều câu chuyện vợ nói chuyện với mình tôi nghe thấy hết nhưng lúc đó tôi như người dưới đáy vực nghe mà không thể phản ứng được gì", anh Long nhớ lại.
Kỹ sư Phạm Quốc Khánh - Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh Mai hướng dẫn cho anh Long tập đi. Anh Khánh như người tiếp lửa để anh Long có thể đi lại sau tai nạn.
Hồi tỉnh sau tai nạn, anh Long cứ ngỡ mọi thứ như một cơn ác mộng. Anh mê man suy nghĩ rồi lấy tay sờ xuống đôi chân mình. Cảm giác đau đớn khi đó không phải là cơn ác mộng mà thực tế anh đã bị cắt bỏ cả hai chân.
Hai chân của anh đã được người thân của anh mang đi hoả thiêu và thả tro trên sông. Nhìn cơ thể mình, anh Long rơi vào trạng thái "sốc"...
Nhưng những giây phút đó chỉ tồn tại trong khoảng thời gian ngắn, anh bình tĩnh lại và bắt đầu có suy nghĩ tích cực hơn về cuộc sống của mình.
"Hãy cười lên khi cuộc đời còn cho phép"
Đó là câu nói của một người bạn thân gửi tới anh khi anh đang nằm trên giường bệnh. Anh Long cũng thấm thía phần nào câu nói ấy.
Mỗi ngày đi qua, anh lại tự nhủ mình sẽ không được từ bỏ bởi cuộc đời vẫn còn nhiều thứ đang đợi anh và vẫn cứ cười lên.
Sau mổ khoảng hơn 1 tháng, anh Long bắt đầu lên mạng tìm hiểu về việc lắp chân giả. Anh đã xem các clip trên mạng người ta học đi và anh bước vào giai đoạn học đi.
Vợ nghỉ sinh phải nuôi con nhỏ lại cộng thêm bố mẹ hai bên quá bận không giúp được gì. Vốn tính tự lập, anh Long một mình đi vào viện để học đi chân giả.
Anh kể ngày đầu tiên vào Bệnh viện Bạch Mai anh được bố đưa đi nhưng những ngày sau anh tự đi. Anh tự tìm cách ngồi xe lăn di chuyển xuống cầu thang, đi qua bậc thềm rồi lên xe taxi đi đến Bệnh viện Bạch Mai.
Với đứa trẻ mới tập đi đi còn ngã liên tục nên với người bị mất đi đôi chân như anh học đi cũng gian nan chẳng kém. Mỗi lần tập đi, bác sĩ lại giúp anh và rồi họ động viên anh người ta đi được sao mình lại không. Được bác sĩ động viên, anh Long cứ cố gắng tập đi từng bước nhỏ, bước nhỏ.
Anh Long tập đi tại nhà.
Các bác sĩ và kỹ thuật viên của Trung tâm Phục hồi chức năng Bệnh viện Bạch Mai đều rất cảm phục chàng trai trẻ vào viện một mình và tự tập đi. Những người khác phải tập đi thời gian dài thì anh Long chỉ tập đi vài ngày là anh đi được.
Anh Long kể: "Khi vào viện người ta có người thân đi cùng có lúc tôi cũng tủi thân, không phải tủi thân mình không ai ở bên mà tủi thân mình không thể đứng trên đôi chân của mình được".
Những lúc ấy, vợ anh Long bên cạnh động viên chồng. Chị luôn coi đó là số phận và phải vượt qua.
"Mỗi lần tôi tủi thân, vợ lại bảo em không thể ngăn anh tủi thân nhưng chỉ một tý thối nhé. Tủi thân cũng chẳng thể lấy lại đôi chân thôi thì người ta bước 1 bước mình đi làm 2, 3 bước cũng được".
Những ngày đầu bị tai nạn xong, anh Long có cảm giác tự ti thậm chí anh còn không ra khỏi nhà. Vợ anh còn giục chồng đi ra ngoài uống bia với bạn, bạn bè, đồng nghiệp đá bóng thì mình đi cổ vũ và chúc mừng anh em. Đó là lần đầu tiên từ sau tai nạn, anh Long bước ra ngoài với bạn bè và đúng như vợ anh nói: Cứ vui đi, bỏ qua những gì đã xảy ra!
Anh Long nghĩ chẳng phải u buồn vì đã mất đôi chân, chẳng phải hờn trách số phận mà nên chiến thắng nó. Cứ vui, cứ đi chơi ở đâu mình muốn. Anh cũng bắt đầu đi làm trở lại.
Anh Long kể, khi trong giai đoạn nguy kịch, hàng trăm đồng nghiệp ở công ty Itecom nơi anh làm việc đã đến thử máu, sẵn sàng hiến máu cho anh. Đặc biệt, anh được chị Nguyễn Thị Dung, chủ tịch HĐQT công ty giúp đỡ rất nhiều. Khi đi làm lại, anh lại được chị Dung tạo điều kiện, để anh làm ở văn phòng.
Nhờ có sự hỗ trợ của công ty và các đồng nghiệp, anh Long tự nghĩ mình không được nản chí mà luôn phải cố gắng hơn.
Mọi người nói anh nên đi taxi đi làm nhưng không, anh tự mua xe máy cho người khuyết tật để đi làm. Hàng ngày, anh tự đeo chân giả rồi lên xe đến công ty anh tháo chân giả ra và làm việc như bình thường. Đến giờ tan ca, anh vội vàng đeo đôi chân giả, lên xe về nhà đi chợ và nấu ăn vì vợ anh đi học đêm.
Hàng tuần, anh vẫn đưa vợ con đi chơi. Có người ác miệng nói đã cụt chân sao còn đi chơi, nhưng với anh Long người ta nói họ tự nghe, còn anh vẫn đi nghỉ mát, đi pinic với gia đình.
Đến bây giờ, khi sắp chào đón thành viên nữa của gia đình, anh Long vẫn tự tin mình sẽ là trụ cột, là mái nhà che chắn cho vợ con mình.
Anh Long vẫn là trụ cột, là mái nhà che chắn cho vợ con mình.
"Chồng em vẫn như xưa"
Trong suốt cuộc trò chuyện với phóng viên, vợ anh Long, chị Nguyễn Thị Ánh chỉ cười, nụ cười hạnh phúc vì thấy chồng vẫn như ngày xưa, giàu nghị lực, tự lập và luôn yêu thương vợ con. Chị Ánh tâm sự:
"Khi chồng bị tai nạn thực sự lúc đầu em cũng sốc, nhưng em nhanh chóng bình tĩnh bởi vì em biết có hoang mang, lo sợ cũng không thể cứu vãn được. Lúc đó em chỉ cần chồng em còn sống.
Khi chồng tỉnh lại, được xuất viện, việc đầu tiên anh ấy làm đó là nấu một bữa cơm cho em ăn. Lúc đó em đã biết chồng em không thay đổi, không cáu gắt, không bi quan trong cuộc sống. Từ đó em biết rằng cuộc sống của em không hề bị xáo trộn dù chồng em đã mất cả đôi chân.
Việc đầu tiên anh Long làm sau khi ra viện: Nấu cho vợ một bữa cơm.
Cáu gắt, tỏ ra chán nản chỉ làm cho người đồng hành trong cuộc sống của mình chán nản và không thể có một hạnh phúc trọn vẹn.
Có những người từng hỏi em nếu là người khác chắc họ bỏ chồng, nhưng em không nghĩ thế, vợ chồng hoạn nạn có nhau, chia ngọt sẻ bùi. Ở hoàn cảnh nào đều cùng nhau vượt qua thì mọi khó khăn sẽ đẩy lùi phía sau. Dù ai nhìn vào cũng tưởng vất vả nhưng em thấy không vất vả. Em tự khắc phục được hết".
Trong câu chuyện của mình, vợ chồng anh Long - chị Ánh nhiều lần nhắc tới ân nghĩa của những người thân họ hàng nội ngoại, những người đồng nghiệp, như các ông bà Nguyễn Đức Quảng, Lê Thị Thắm, Phạm Trung Nghĩa, TS Phan Hướng Dương - PGĐ Bệnh viện Nội tiết... Theo anh chị, nếu không có sự giúp đỡ ân tình từ họ, sẽ không thể có câu chuyện hồi sinh kỳ diệu của anh Long như ngày hôm nay.