BS. Trần Thu Nguyệt- Viện Y học Ứng dụng Việt Nam cho biết, nước bọt giúp bảo vệ nướu, phòng sâu răng và rửa trôi những mẩu thức ăn bám dính trên răng, ngoài ra nó còn cung cấp những chất giúp ngăn ngừa bệnh sâu răng và các bệnh nhiễm trùng khác.
Trong khi nước bọt có thể giúp giữ cho miệng của bạn luôn sạch, tuy nhiên cách mà nước bọt của bạn tiết ra cũng có thể lý giải phần nào những thứ đang diễn ra trong cơ thể bạn.
Hãy hết sức lưu ý đến những dấu hiệu sau đây.
Nước bọt của bạn tiết ra quá ít
Nguyên nhân rất có thể là do loại thuốc bạn đang sử dụng. Khoảng hơn 300 loại thuốc như thuốc chống nghẹt mũi và kháng histamine có tác dụng phụ là gây khô miệng.
Hiện tượng khô miệng thường xuất hiện phổ biến hơn khi bạn già đi và sự suy giảm về sức khỏe sẽ buộc bạn phải sử dụng nhiều loại thuốc hơn.
Trong trường hợp bạn đang sử dụng một loại thuốc nào đó và nhận thấy miệng mình bị khô nẻ, hãy thận trọng khi vệ sinh răng miệng để tránh bị sâu răng.
Tốt nhất là nên sử dụng chỉ nha khoa hàng ngày, chải răng với kem đánh răng chứa fluor hai lần/ngày và đi khám nha sỹ định kỳ.
Nước bọt cảnh báo bệnh tật (ảnh minh họa: Internet)
Nước bọt có màu trắng và hơi vón cục
Bạn có thể đang bị nhiễm trùng khoang miệng. Loại nấm men Candida albicans có thể gây nhiễm trùng trong miệng, gọi là chứng 'nấm miệng'.
Mặc dù căn bệnh này khá hiếm gặp ở những người khỏe mạnh nhưng bệnh nhân tiểu đường là nhóm đối tượng có nguy cơ mắc bệnh rất cao do nồng độ đường cao trong nước bọt là môi trường thuận lợi cho nấm men phát triển và gây bệnh.
Bác sỹ có thể kê thuốc kháng nấm để giúp bạn tiêu diệt những vi nấm gây nhiễm trùng trong miệng.
Nước bọt có chứa những thông tin di truyền
Xét nghiệm nước bọt có thể cung cấp cho bạn một tấn những thông tin về gien di truyền cũng như hormon trong cơ thể bạn.
Từ tiểu đường cho tới ung thư, mẫu nước bọt có giá trị như một công cụ chẩn đoán bệnh tật khá chính xác, cũng giống như xét nghiệm máu.
Theo một nghiên cứu của Đại học Northwestern, xét nghiệm nước bọt cũng có thể đánh giá được mức nồng độ hormon trong cơ thể bạn như hormon melatonin.
Điều đó có thể giúp các bác sỹ hiểu sâu hơn về nhịp sinh học của cơ thể để đề ra những biện pháp giúp người bệnh có được một giấc ngủ ngon hơn và đưa ra những lời khuyên về chế độ dinh dưỡng cũng như việc giảm cân.
Nước bọt có tính acid
Bạn có thể không thực sự cảm nhận được sự khác biệt về vị nhưng nói chung nước bọt có độ pH khá gần 7 hoặc thấp hơn một chút.
Nha sỹ có thể đánh giá được độ pH của nước bọt bằng cách sử dụng giấy đo pH hoặc dung dịch đo pH.
Nếu pH nước bọt của bạn không ổn định, vi khuẩn có thể dễ dàng sinh sôi trong môi trường ấm và ẩm ướt và trong những vết nứt của răng.
Tính acid của nước bọt còn có thể làm mòn dần men răng và gây sâu răng.
Tăng cường ăn những thực phẩm giàu arginine như thịt đỏ và thịt gia cầm có thể làm giảm tính acid của nước bọt.
Nước bọt có thể được tiết ra quá thừa
Nghiên cứu cho biết những phụ nữ mang thai có xu hướng tiết nhiều nước bọt hơn bình thường.
Nguyên nhân có thể là do sự thay đổi về mặt hormon hoặc có thể chỉ là do phản ứng phụ của cảm giác buồn nôn.
Trong một số trường hợp nghiêm trọng, lượng nước bọt mà một số phụ nữ tiết ra có thể đong bằng cốc.
Nhai kẹo cao su hay ngậm một viên kẹo cứng có thể giúp bạn nuốt được hầu hết lượng nước bọt tiết ra quá thừa này.
Nước bọt có vị đắng hoặc chua
Bạn có thể đang mắc chứng trào ngược acid. Căn bệnh này khiến cho acid dịch vị có xu hướng trào ngược lên cổ họng và tạo ra một vị khá khó chịu trong miệng.
Ngoài cảm nhận vị chua trong miệng và họng, triệu chứng phổ biến nhất của trào ngược acid là chứng ợ nóng.
Bạn cũng có thể lưu ý thấy một số dấu hiệu khác như hơi thở hôi hay buồn nôn.
Nếu được chẩn đoán xác nhận bạn đang bị trào ngược acid, bác sỹ thường sẽ khuyên bạn nên thay đổi lối sống như lên kế hoạch giảm cân hoặc loại bỏ những thực phẩm cay nóng và giàu chất béo.
Nước bọt bị dính nhớp trên lưỡi
Bạn có vẻ như là một người khá thích hít thở bằng miệng. Việc hít vào và thở ra bằng mũi là cách tốt nhất để giúp miệng của bạn luôn giữ được độ ẩm ổn định và không bị mất nước.
Do nước bọt là một chất diệt khuẩn tự nhiên của cơ thể nên nếu không có nó vi khuẩn có thể sinh sôi và gây hình thành các lỗ sâu răng.
Thói quen thở bằng miệng có thể là dấu hiệu của một vấn đề sức khỏe nào đó như chứng ngưng thở lúc ngủ. nếu bạn cho rằng bạn đang phải thở quá nhiều bằng miệng, hãy đề cập với bác sỹ trong lần khám định kỳ sắp tới.