Không quân Lào có bao nhiêu tiêm kích MiG-21?
Sau săm 1975, Quân đội giải phóng nhân dân Lào được các nước Xã hội chủ nghĩa Đông Âu và một số quốc gia khác trong đó có Việt Nam hỗ trợ rất lớn để xây dựng lực lượng với đầy đủ các thành phần từ lục quân cho tới phòng không - không quân.
Vì đất nước nằm trọn trong lục địa, không có biển nên Lào không có lực lượng hải quân mặc dù vẫn xây dựng một lực lượng tàu tuần tra trên các dòng sông lớn.
Như đã nói ở bài trước, phòng không - không quân Lào nhận được khá nhiều viện trợ từ nước ngoài.
Theo thống kê từ Cơ sở dữ liệu chuyển giao vũ khí thế giới của Viện nghiên cứu hòa bình quốc tế Stockholm (SIPRI), Lào đã bắt đầu xây dựng lực lượng không quân chiến đấu bằng số vốn ít ỏi ban đầu là 10 chiếc tiêm kích MiG-21 đã qua sử dụng do Liên Xô cung cấp.
Toàn bộ những chiếc MiG-21 này đã được chuyển giao cho Lào vào năm 1977, kèm theo khoảng 60 quả tên lửa không đối không K-13M (NATO định danh AA-2C) và một số vũ khí, khí tài khác.
Tiếp đó, vào các năm 1981, 1983 và 1985, Không quân Lào nhận thêm lần lượt 4, 16 và 12 chiếc MiG-21 nữa, nâng tổng số tiêm kích MiG-21 mà họ sở hữu lên tới 26 chiếc tất cả.
Các máy bay này đều đã qua sử dụng, nhưng đáng giá nhất chính là 16 chiếc MiG-21Bis nhận năm 1983 thuộc phiên bản cải tiến sâu và hiện đại nhất trong dòng tiêm kích lừng danh thế giới này. Các lô máy bay khác là phiên bản MiG-21PMF (1977, 1981) và MiG-21MF (1985)
Một chiếc tiêm kích MiG-21 được trưng bày trong Bảo tàng Phòng không - Không quân Lào.
Ngoại trừ một số rất ít phi công tiêm kích MiG-21 Lào được đào tạo ở Liên Xô thì đa phần phi công và thợ máy, chỉ huy tham mưu, dẫn đường của dòng máy bay này được Việt Nam hỗ trợ đào tạo.
Tiêm kích MiG-21 đã cùng các phi công đẳng cấp của Không quân Việt Nam tạo nên nhiều kỳ tích, khiến các phi công sừng sỏ của Không quân và Không quân Mỹ phải nể sợ, "tim đập chân run". Nhờ Không quân Việt Nam, MiG-21 trở thành một trong những loại tiêm kích vang danh lẫy lừng thế giới.
Được các phi công đẳng cấp Việt Nam huấn luyện, phi công tiêm kích MiG-21 Lào cũng ít nhiều học hỏi được kinh nghiệm chiến đấu chỉ có ở Việt Nam và từng bước làm chủ được loại máy bay chiến đấu tương đối hiện đại này.
Tiêm kích MiG-21 Lào nằm ở đâu, còn bay được không?
Các máy bay MiG-21 của Không quân Lào được bố trí ở các căn cứ sân bay chiến lược gồm Sân bay quốc tế Wattay tại Thủ Đô Vientiane nằm sát biên giới với Thái Lan và căn cứ sân bay Xieng Khouang ở miền Trung Lào.
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Lào tại sân bay căn cứ sân bay Xieng Khouang. Ảnh chụp vệ tinh năm 2018.
Việc đặt MiG-21 ở Vientiane chủ yếu để bảo vệ Thủ Đô và chỉ với số lượng rất ít. Hầu hết số MiG-21 còn lại của Không quân Lào đóng quân ở Xieng Khouang, từ đây có thể chi viện cho bất cứ khu vực nào trên đất nước.
Tiêm kích MiG-21 của Không quân Lào tại sân bay căn cứ sân bay Xieng Khouang. Ảnh chụp vệ tinh năm 2004.
MiG-21 của Không quân Lào hầu như không được để trong hangga mà để dầm mưa dãi nắng năm này qua năm khác.
Tính tới nay, sau 30-40 năm kể từ ngày tiếp nhận (chưa tính số năm đã sử dụng trước khi Liên Xô bàn giao), nhiều khả năng toàn bộ MiG-21 của Không quân Lào không bay được nữa phần vì đã hết niên hạn sử dụng, phần vì hầu như không còn phụ tùng thay thế nên có thể đã bị loại biên hoặc đưa vào niêm cất.
Báo cáo Không quân Thế giới 2018 của Flight Global đã không còn liệt kê MiG-21 trong biên chế Không quân Lào
Báo cáo Không quân Thế giới 2010 của Flight Global vẫn thấy MiG-21 trong biên chế Không quân Lào.
Trên thực tế, hầu hết các quốc gia sở hữu MiG-21 đều đã loại biên, không sử dụng MiG-21 nữa, trong đó có Việt Nam. Hiện chỉ còn một vài quốc gia còn sử dụng phổ biến như Trung Quốc, Ấn Độ, Triều Tiên do họ đã nâng cấp hoặc tự sản xuất được phụ tùng thay thế.
Do số lượng ít ỏi, bay ít lại chưa có chiến tích gì đáng kể nên hầu như không có thông tin về MiG-21 của Không quân Lào, về ảnh chụp có lẽ lại càng ít hơn. Nếu sử dụng những công cụ tìm kiếm mạnh nhất thế giới như Google cũng chỉ tìm thấy được vài bức ảnh phải nói là rất hiếm.
Sau khi cho MiG-21 nghỉ hưu, hiện nay Không quân Lào không còn bất cứ loại máy bay chiến đấu đúng nghĩa nào, chỉ còn một số trực thăng và máy bay vận tải mà thôi.
Chưa rõ trong tương lai Lào có mua sắm tiêm kích thế hệ mới hay không nhưng dường như với bối cảnh địa chính trị và tiềm lực kinh tế có hạn, nhiều khả năng Không quân Lào sẽ phải rất lâu nữa mới lại được sở hữu máy bay chiến đấu.