Công nghệ hiện đại
Các nhà nghiên cứu tại Washington đã phát hiện một điều kì lạ xảy ra mỗi khi tổng thống Nga Vladimir Putin tới gần cảng biển: hệ thống định vị toàn cầu (GPS) của những con tàu neo đậu tại đây bắt đầu "nhảy loạn xạ", nhiều con tàu được định vị ở vị trí cách xa hàng chục km so với vị trí ngoài đời thực.
Theo kết luận từ một báo cáo mới đây được thực hiện bởi các chuyên gia an ninh từ Trung tâm Nghiên cứu Quốc phòng Hiện đại (C4ADS), hiện tượng nói trên cho thấy ông Putin đã thường xuyên di chuyển cùng một thiết bị gây nhiễu loạn GPS và, nói một cách rộng hơn, thì Nga đang can thiệp vào hệ thống định vị toàn cầu ở quy mô lớn hơn nhiều so với những gì đã được biết.
"Nga tiếp tục là quốc gia tiên phong trong lĩnh vực này, không chỉ thể hiện năng lực của Moskva trong việc bảo vệ yếu nhân, VIP, và các cơ sở quan trọng về mặt chiến lược, mà còn cho thấy khả năng áp dụng công nghệ quân sự ở mức cao tại các chiến tuyến như Syria và biên giới với các quốc gia châu Âu," báo cáo viết.
Nhằm hạ gục lợi thế của Phương Tây đối với các vũ khí chính xác cao, điện Kremlin và quân đội Nga đã đầu tư một khoản khổng lồ vào những thiết bị chiến tranh điện tử, đặc biệt tăng cường khả năng kìm hãm và khống chế hệ thống liên lạc của đối phương, buộc Mỹ phải cẩn trọng.
"Vũ khí thông minh cần được điều khiển bởi người thông minh. Chúng cần được điều khiển bằng hệ thống định vị. Việc triển khai vũ khí yêu cầu những dữ liệu được cập nhật theo thời gian thực. Chiến tranh điện tử là câu trả lời của Nga đối với những vũ khí chính xác và mối đe dọa không kích từ Mỹ," Michael Kofman, một chuyên gia quân sự Nga, cho biết.
Nga đã tiên phong trong việc sử dụng các loại vũ khí này ở Ukraine và Syria, chặn sóng radio, GPS và tín hiệu radar. Tại Syria, các chỉ huy Mỹ đã phàn nàn về "môi trường chiến tranh điện tử khốc liệt", và quân đội Mỹ hiện đang có những động thái mới trong việc nâng cấp năng lực của các thiết bị định vị.
Các sĩ quan an ninh bảo vệ ông Maduro khỏi cuộc tấn công từ drone. Ảnh: AP
Nga đã tận dụng những công nghệ tiên tiến để bảo vệ thông tin an ninh cá nhân của ông Putin, đặc biệt nhằm chống lại các cuộc tấn công từ thiết bị bay không người lái (drone).
Cụ thể, thiết bị đi theo cùng ông Putin sẽ giả mạo tín hiệu GPS của các địa điểm dân sự và sẽ chọn tọa độ của những sân bay địa phương bởi các drone thương mại thông thường được lập trình với cơ chế an toàn để tự động hạ cánh hoặc dừng hoạt động khi tiến vào vùng không phận của sân bay.
Nhờ đó, về mặt lý thuyết, khi các drone bay gần ông Putin, chúng sẽ tự động "rụng" khi bắt được sóng của các thiết bị gây nhiễu GPS. Mối lo ngại về việc ám sát bằng drone không phải là không có cơ sở: năm ngoái, tổng thống Venezuela Nicolas Maduro đã suýt thiệt mạng trong vụ tấn công bằng drone mang thiết bị nổ.
Các báo cáo ghi nhận được
Việc sử dụng công nghệ gây nhiễu cũng gây ra một số chuyện "dở khóc dở cười". Tháng 9/2016, ông Putin đã đi tới Eo biển Kerch cùng Thủ tướng Dmitry Medvedev để giám sát tiến độ của cây cầu trị giá 4 tỉ USD nối liền Crimea với Nga và gặp mặt các công nhân.
Trong khi hai nhà lãnh đạo Nga ở đây, hệ thống định vị tự động của các tàu biển quanh đó - vốn phụ thuộc rất nhiều vào GPS - đều thông báo rằng những con tàu này đang đỗ ở Sân bay Simferopol, cách đó khoảng 200 km.
Hai năm sau, ông Putin trở lại Kerch và dẫn đầu đoàn phương tiện đi qua cây cầu mới khánh thành. Một lần nữa, các tàu neo đậu quanh đó đều bắt đầu nhận được những tín hiệu địa điểm lạ, lần này GPS thông báo rằng tàu đang ở Sân bay Anapa ở Nga.
Ông Putin và ông Medvedev tới thăm cầu Crimea hồi năm 2016. Ảnh: REUTERS
Bằng cách kiểm tra dữ liệu địa điểm hàng hải, các nhà nghiên cứu tại C4ADS đã tổng hợp lại những lần Nga gây nhiễu sóng. Từ tháng 2/2016 tới tháng 11/2018, C4ADS đã ghi nhận 9.883 trường hợp nhiễu sóng, ảnh hưởng tới 1.311 phương tiện, cho thấy quy mô can thiệp của Nga đã ở mức rất cao.
"Đó là điều khá thú vị bởi chúng ta sẽ biết được ai là người bị tác động. Thách thức với chiến tranh điện tử là bạn không thể nào đo lường được ảnh hưởng của nó," ông Kofman nói.
Tuy nhiên, báo cáo của C4ADS chỉ có thể tập trung khai thác dữ liệu về GPS trên biển. Những hệ thống định vị dân sự khác trên không và trên đất liền có thể cũng bị ảnh hưởng.
Theo ghi nhận, những địa điểm bị gây nhiễu sóng bao gồm các khu vực quanh Crimea, St. Petersburg, Moskva, vùng viễn đông Vladivostok, và quanh những căn cứ của Nga ở Syria.
Ngoài ra, hiện tượng nhiễu sóng còn xảy ra ở một số khu nhà ở của quan chức Nga và một số công trình chính phủ không chính thức khác, bao gồm một biệt thự ở Biển Đen. Điện Kremlin đã phủ nhận công trình đó là nhà của ông Putin. Tuy nhiên, theo C4ADS, hệ thống nhiễu sóng luôn hoạt động 24/24 xung quanh biệt thự này.
Tới nay, hoạt động gây nhiễu sóng của Nga chưa ghi nhận trường hợp nào gây hại trực tiếp tới dân thường. Tuy vậy, có một lần thiết bị của Nga đã khiến GPS của một xe cứu thương bị vô hiệu tại miền bắc Na Uy, và những cư dân Nga ở đây đã phàn nàn về hoạt động can thiệp này.
Trong cuộc tập trận của NATO hồi năm ngoái ở Scandinavia, các phi công cũng báo lại những vấn đề tương tự với GPS của máy bay.
"Đây không phải là chuyện đùa. Nó là mối đe dọa đối với an ninh dân sự trên không," Thủ tướng Phần Lan Juha Sipila nói.
Quân đội Mỹ cũng tham gia thử nghiệm gây nhiễu sóng GPS. Trong năm nay, Mỹ đã cảnh báo rằng những buổi thử nghiệm can thiệp vào GPS có thể sẽ ảnh hưởng tới hệ thống định vị trên khắp các vùng ở đông nam nước Mỹ.
Hiện tại vẫn không rõ các mật vụ Mỹ sử dụng công nghệ gì để bảo vệ lãnh đạo khỏi các cuộc tấn công từ drone.
Hệ thống định vị GPS hiện đã trở thành một phần không thể thiếu trong nền kinh tế hiện đại, được tích hợp trong điện thoại thông minh, xe ô tô, và hệ thống điều hành công nghiệp. Ví dụ, điện lưới của Mỹ sử dụng GPS cho rất nhiều mục đích khác nhau.
Với sự phát triển của công nghệ, gây nhiễu sóng GPS đã trở nên dễ dàng và rẻ hơn nhiều. Theo C4ADS, chi phí để sử dụng thiết bị chỉ là khoảng 350$, so với 10.000$ nhiều năm trước đây.
Tội phạm cũng đã tận dụng công nghệ tiên tiến này. Năm 2015, các sĩ quan Mỹ phát hiện rằng GPS của các drone được sử dụng quanh biên giới Mỹ - Mexico đã bị can thiệp bởi những băng nhóm buôn ma túy gần đó.