Mỹ-Hàn căng thẳng tột độ: Lo Triều Tiên phóng tên lửa trước lễ kỷ niệm trọng đại nhất trong năm

Ngọc Khánh |

Theo cơ quan tình báo quốc gia hai nước Mỹ-Hàn, vì những động thái đáng kinh ngạc của Triều Tiên mà cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang trong trạng thái căng thẳng tột độ.

Triều Tiên sẽ phóng tên lửa?

Một tháng sau Thượng đỉnh Mỹ Triều lần hai, khi khả năng phóng tên lửa, vệ tinh nhân tạo của Triểu Tiên tăng lên, hành động của 2 nước Hàn - Mỹ theo đó trở nên cấp bách hơn, tờ Newsis (Hàn Quốc) nhận định.

Trước đó vào ngày 15/3, Thứ trưởng ngoại giao Triều Tiên Choe Son Hui thông qua họp báo chỉ trích Mỹ đã bỏ lỡ "cơ hội ngàn vàng" đồng thời cảnh báo rằng, ông Kim Jong Un sẽ sớm đưa ra quyết định chính thức.

Báo Hàn cho hay, theo bà Choe, quyết định xem xét đình chỉ các cuộc đàm phán hạt nhân với Mỹ của ông Kim có nghĩa là Triều Tiên sẽ chọn một "con đường mới". Nhưng phía Triều Tiên vẫn chưa tiết lệ cụ thể "con đường mới" ở đây là gì.

Theo tờ này, dựa theo những hành động gần đây của Triều Tiên như hoàn thành khôi phục bãi phóng tên lửa ở bờ biển phía Tây đươc bắt đầu trước hội nghị song phương Mỹ Triều ở Hà Nội diễn ra hay những hoạt động sôi nổi tái thiết khu căn cứ tên lửa Samung Dong ở Bình Nhưỡng báo hiệu cho những đợt phóng tên lửa sắp tới.

"Do đó, nếu như ông Kim Jong Un quyết định đi theo "con đường mới", khả năng cao đó chính là con đường phóng tên lửa vệ tinh của Triều Tiên", Newsis viết.

"Các bước chuẩn bị cho phóng tên lửa vệ tinh của Triều Tiên được cho là đã phát triển rất nhanh. Tất cả trang thiết bị của bãi phóng tên lửa ở bờ biển phía Tây đều được phủ dưới những tấm màn che hay toàn bộ hoạt động đều diễn ra bên trong tòa nhà được cho là để bên ngoài không thể nắm bắt được những thông tin cụ thể về những gì đang diễn ra. Tuy nhiên, ước tính việc sản xuất 2 tên lửa vệ tinh đã được hoàn thành tại nhà máy tên lửa Samung Dong-Bình Nhưỡng.

Đặc biệt, khả năng cao 2 tên lửa được sản xuất lần này sẽ ở một dạng khác với tiêu chuẩn tên lửa thông thường, hoặc cũng có thể là cách phóng tên lửa mới khác với những lần trước", Newsis mô tả.

Theo tờ này, điều đáng lo ngại hơn chính là gần đây, báo đảng Triều Tiên Rodong Sinmun liên tiếp kêu gọi người dân tự lực cánh sinh. Điều này được cho là để chuẩn bị cho những biện pháp trừng phạt sắp tới mà người dân Triều Tiên có thể phải đối mặt nếu nước này thực hiện phóng tên lửa.

"Theo cơ quan tình báo quốc gia hai nước Mỹ-Hàn, vì những động thái đáng kinh ngạc này của Triều Tiên mà cả Mỹ và Hàn Quốc đều đang trong trạng thái căng thẳng tột độ", Newsis cho biết, trong tình hình này, Mỹ đã điều động hàng loạt RC-135 – thiết bị trinh sát đặc biệt trên đất liền đến khu vực xung quanh và khu căn cứ quân sự Mỹ trên bán đảo Triều Tiên, đồng thời tổng điều động các thiết bị giám sát như vệ tinh tình báo.

Mỹ-Hàn căng thẳng tột độ: Lo Triều Tiên phóng tên lửa trước lễ kỷ niệm trọng đại nhất trong năm - Ảnh 1.

Giới chức quân đội Triều Tiên đến thăm nơi sinh của cố Chủ tịch Kim Nhật Thành hồi năm 2017. Ảnh: AFP

Tờ này dự đoán Triều Tiên sẽ phóng tên lửa sớm nhất là vào đầu tuần tới, thời điểm sớm hơn một tuần so với lễ kỷ niệm sinh nhật của cố lãnh đạo Kim Nhật Thành (15/4) – ngày lễ lớn nhất của Triều Tiên.

Các chuyên gia cho rằng, Triều Tiên sẽ không phóng tên lửa vào ngày 15/4 do lo ngại các phản ứng nhạy cảm của cộng đồng quốc tế sẽ phá hỏng bầu không khí trong ngày kỉ niệm.

Mặt khác, Triều Tiên cũng được dự đoán sẽ không phóng tên lửa sau ngày 15/4 do hiệu ứng của vụ việc sẽ bị giảm đi.

Bên cạnh đó, lịch trình chính trị của Triều Tiên cũng là một cơ sở để ước tính thời gian nước này thực hiện phóng tên lửa.

Triều Tiên có kế hoạch tổ chức phiên họp đầu tiên Hội đồng Nhân dân Tối cao lần thứ 14 vào ngày 11/4 tới đây. Theo đó, Triều Tiên sẽ có thể phóng tên lửa vào trước ngày này.

Mỹ-Hàn căng thẳng tột độ

Newsis cho biết, cả Mỹ và Hàn đang cố gắng để ngăn chặn Triều Tiên phóng tên lửa. Trong một động thái nhằm gián đoạn tiến trình này của Triều Tiên, Tổng thống Donald Trump đã ra chỉ thị cho Bộ tài chính Mỹ đình chỉ các lệnh trừng phạt bổ sung áp đặt lên Triều Tiên vào ngày 22/3 vừa qua.

Tuy nhiên hiện vẫn chưa rõ lệnh trừng phạt mà ông Trump nhắc đến là các lệnh trừng phạt của Bộ tài chính công bố trước đó hay lệnh trừng phạt mà Mỹ vẫn đang soạn thảo áp đặt lên Triều Tiên.

Trong khi đó, các quan chức cấp cao của chính phủ Mỹ như Ngoại trưởng Mike Pompeo hay Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton liên tiếp khẳng định lập trường cứng rắn " không nới lỏng lệnh trừng phạt trừ khi Triều Tiên phi hạt nhân hóa hoàn toàn" của Mỹ sau thượng đỉnh Mỹ Triều tại Hà Nội. Tuy nhiên, Tổng thống Trump lại đi ngược với xu hướng đó.

Sau các phát ngôn của ông Trump về việc dừng lệnh trừng phạt bổ sung, chính phủ Hàn Quốc đã có những động thái chính thức.

Hai nhà lãnh đạo Donald Trump - Moon Jae In đã đồng ý đối thoại vào ngày 11/4 tới đây tại Mỹ, đồng thời ông Kim Hyun-chong, tân phó Giám đốc Văn phòng An ninh quốc gia thuộc Phủ Tổng thống Hàn Quốc đã được cử tới Mỹ để điều phối các cuộc đàm phán.

Ngoại trưởng Kang Kyung-hwa cũng đã gặp Ngoại trưởng Pompeo và xác định mục tiêu cuối cùng là thỏa thuận phi hạt nhân hóa hoàn toàn giữa Mỹ và Triều Tiên. Ông Pompeo phát biểu trước truyền thông rằng, ông hi vọng sẽ nối lại được đàm phán với Triều Tiên trong vài tháng tới.

Hơn nữa, Tổng thống Moon Jae In đã thuyết phục Triều Tiên không thực hiện phóng tên lửa, đồng thời cho biết sẽ làm hết sức để có thể nối lại hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều.

Theo tiết lộ, trong khi xem xét lịch trình chính trị của Triều Tiên, đặc phái viên của Tổng thống Moon Jae In có thể đã đến thăm Bình Nhưỡng hoặc có thể sẽ đến đó trong một thời gian dài.

Khả năng thuyết phục được Triều Tiên thông qua một đặc phái viên dường như là không hề thấp. Bà Choi Son Hui cho biết tại cuộc họp báo vào ngày 15/3: "Mối quan hệ cá nhân giữa hai nhà lãnh đạo vẫn tốt và phản ứng giữa 2 bên đạt đến mức độ có thể tin tưởng được", cho thấy Triều Tiên đã không hoàn toàn từ bỏ kỳ vọng đàm phán với Mỹ.

Việc quyết định thời gian đàm phán giữa 2 nước Hàn-Mỹ vào ngày 11/4 tới đây được cho là cân nhắc dựa trên lịch trình chính trị của Triều Tiên. Việc ông Kim Jong Un vẫn chưa tiến hành phóng tên lửa có thể đang cố gắng đặt nền móng cho hội nghị thượng đỉnh Mỹ Triều hoặc đàm phán 3 bên Mỹ-Triều-Hàn.

Báo Hàn cũng cho hay, ông Kim Jong Un đã không có tên trong danh sách bầu cử Hội đồng Nhân dân Tối cao lần này - điều này chưa từng xảy ra - được cho là để Triều Tiên xem xét sửa đổi Hiến pháp, thay đổi nguyên thủ quốc gia từ Chủ tịch ủy ban thường vụ của Hội đồng nhân dân tối cao thành người đứng đầu ủy ban hành chính.

"Nếu đó là sự thật, bằng việc tổ chức lễ nhậm chức của ông Kim Jong Un cùng thời điểm với hội đàm song phương Mỹ-Hàn, rất có thể đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều sẽ được nối lại", Newsis bình luận, "Trái lại, nếu ông Kim quyết định thiết lập quyền lực của lãnh đạo tối cao bằng một vụ phóng tên lửa, hội nghị song phương Mỹ - Hàn có nguy cơ sẽ bị hủy bỏ".

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại