Kể từ khi các quan chức tình báo Mỹ cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, Tổng thống Donald Trump đã luôn phải lên tiếng phủ nhận những lời cáo buộc cho rằng ông là "con rối" của điện Kremlin, tác giả Marc Bennets viết trong một bài xã luận được đăng tải trên trang Politico.
Ông Trump đã trở thành Tổng thống Mỹ phải đối mặt với nhiều vụ bê bối, kiện cáo và điều tra nhất trong lịch sử nước Mỹ. Nhiều cuộc điều tra đã được tiến hành nhằm tìm ra những hành động vi phạm pháp luật, vi phạm Hiến pháp nước Mỹ của ông Trump, trong đó một trong số những cuộc điều tra đình đám nhất là của công tố viên đặc biệt Robert Mueller.
Tuy nhiên, sau gần 2 năm ròng rã, vừa qua ông Mueller đã bất ngờ tuyên bố khép lại cuộc điều tra do không tìm thấy bằng chứng về việc nhóm tranh cử của ông Trump thông đồng với Nga, đồng thời ông này cũng không thể đưa ra đủ bằng chứng cho thấy ông Trump cản trở việc thực thi công lý dù 19 nhân vật, trong đó gồm 3 cựu nhân viên cấp cao trong đội ngũ tranh cử của ông Trump, đã bị đưa ra truy tố.
Ông Trump và ông Putin - Ai lợi dụng ai trên bàn cờ chính trị?
Theo tác giả Marc Bennets, nghi án Nga can thiệp bầu cử Mỹ thực ra vẫn còn một lời giải thích khác - một giả thuyết có vẻ như không giống với lẽ thường tình, nhưng không có nghĩa là không thể, nhất là khi công tố viên đặc biệt Mueller không thể chứng minh ông Trump thông đồng với người Nga. Và giả thuyết đó là: Có thể ông Trump mới là người lợi dụng ông Putin.
Theo tác giả này, ông Trump đã khéo léo đánh lừa Moskva bằng những tuyên bố tích cực, nhưng mơ hồ, về các vấn đề quan trọng đối với nước Nga mà không hề có ý định thực hiện - ví dụ như lời hứa về việc dỡ bỏ các lệnh trừng phạt kinh tế hay việc công nhận bán đảo Crimea thuộc về Nga.
Trong khi liên tục đưa ra những lời hứa hão ấy, ông Trump đã có được những sự chú ý cần thiết, bao gồm các cuộc tấn công mạng và tin giả. Và việc ông Trump đảo ngược lập trường 180 độ gần đây - từ thân thiện với Nga chuyển thành chống Nga - lại càng khẳng định chắc chắn hơn rằng ông Putin mới là người bị lợi dụng trong "trò chơi" chính trị Mỹ.
Tác giả Marc Bennets cho rằng ông Trump và đội ngũ tranh cử đã lợi dụng việc Nga kỳ vọng được Mỹ đối xử bình đẳng và hy vọng cứu vãn nền kinh tế sa sút để có được sự ủng hộ của Moskva.
"Suy cho cùng, thì ông Trump khi ấy chỉ là một kẻ ngoại đạo ôm tham vọng lớn", ông Bennets viết. Do đó, bất kỳ điều gì có thể giúp ông ấy đánh bại đối thủ đáng gờm Hillary Clinton đều đáng thử.
Người Nga cần ông Trump nhiều hơn?
Theo ông Bennets, thực chất người Nga cần ông Trump nhiều hơn là vị Tổng thống này cần đến họ. Vào thời điểm ông Trump tranh cử, kinh tế Nga đang phải oằn mình hứng chịu hàng loạt trừng phạt nặng nề của các nước châu Âu và nước Mỹ thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama kể từ sau sự kiện sáp nhập Crimea năm 2014, cùng với đó là giá dầu giảm mạnh trên toàn cầu.
Năm 2016, khoảng 20 triệu người dân - tương đương 15% dân số Nga - đang chật vật sống với mức thu nhập dưới ngưỡng nghèo đói (tức là thấp hơn 174 USD/tháng). Trong khi đó, con số này trong năm 2014 - khi các lệnh trừng phạt bắt đầu được áp dụng với nước Nga - là 3 triệu người.
Ông Bennets cũng chỉ ra tầm quan trọng của ông Trump đối với cuộc bầu cử Tổng thống Nga năm 2018: "Ai cũng biết rằng ông Putin sẽ tiếp tục tái đắc cử nhiệm kỳ thứ 4. Tuy nhiên theo truyền thông Nga, Điện Kremlin khi ấy đã lo lắng rằng tỉ lệ cử tri đi bỏ phiếu thấp sẽ tác động xấu tới hình ảnh của chính quyền ông Putin".
Bởi vậy, nên việc ông Trump đột ngột tuyên bố công nhận Crimea thuộc về Nga và nhận được sự tán dương của người dân Nga đã nâng cao đáng kể hình ảnh của ông Putin ngay trước thềm cuộc bầu cử, theo ông Bennets.
Ông Bennets kết luận rằng ông Trump chính là người phù hợp nhất với những kỳ vọng của Kremlin, và là người xứng đáng nhất để ông Putin đầu tư công sức và tiền bạc, vì những cam kết của ông Trump trong quá trình vận động tranh cử.
Tổng thống Nga Vladimir Putin "cần" Tổng thống Trump hơn là Tổng thống Mỹ cần ông? Ảnh: AFP.
Ông Trump đột ngột thay đổi 180 độ, Kremlin thất vọng
Một điều đáng chú ý nữa, theo tác giả Bennets, đó chính là phía Moskva đã có nhiều hành động như "diễn" để tỏ ra rằng mình mới là người bị lừa dối. Ngày 14/2 vừa qua, khi Nhà Trắng tuyên bố Mỹ sẽ không dỡ bỏ các lệnh trừng phạt cho đến khi Nga trao trả Crimea cho Ukraine, nhiều chính trị gia và truyền thông Nga đã có phản ứng đầy phẫn nộ.
"Tất cả những lời khen ngợi ông Trump trên truyền thông Nga đều biến mất chỉ sau một đêm", ông Bennets dẫn lời nhà báo Nga Alexey Kovalev.
Sau đó, khi hay tin cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đương nhiệm Michael Flynn từ chức vì có liên lạc với Đại sứ Nga tại Washington Sergei Kislyak, cùng với đó là việc vị tướng "diều hâu" James Mattis được chỉ định làm Bộ trưởng Quốc phòng mới, các quan chức đã vô cùng tức giận, và kêu gọi NATO cần giải quyết vấn đề với Nga "trên một lập trường mạnh mẽ".
Và khi mọi chuyện tưởng chừng không thể tệ hơn với Moskva được nữa, thì ông Trump lại bổ nhiệm Tướng Herbert Raymond McMaster thay thế vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia của ông Flynn. Ông McMaster nổi tiếng là vị tướng "diều hâu" có quan điểm chống Nga mạnh mẽ, là người được Thượng nghị sĩ John McCain - người thường xuyên chỉ trích Tổng thống Putin - ủng hộ ra mặt.
Theo ông Bennets, sự chuyển biến từ "người hùng" thành "kẻ ác" đối với nước Nga của Tổng thống Trump đã đi tới bước hoàn thiện vào tuần trước, khi ông này tuyên bố sẽ nâng tầm kho vũ khí hạt nhân của Mỹ lên "đỉnh cao", khiến Moskva phải lên tiếng báo động về một cuộc chạy đua vũ trang mới.
Rõ ràng người Nga đang rất thất vọng về ông Trump, tác giả Bennets viết: "Liệu người đàn ông trong hiện tại có đúng là ông Trump đầy hứa hẹn trong cuộc vận động tranh cử? Liệu đây có phải là người từng tán dương ông Putin là nhà lãnh đạo mạnh mẽ, và từng nhiều lần gợi ý rằng ông ta đã sẵn sàng giải tán một NATO 'đã lỗi thời'? Ông Trump của ngày mới đắc cử đã đi đâu mất rồi?"
Việc ông H.R. McMaster được bổ nhiệm vào vị trí cố vấn an ninh quốc gia đã khiến Nga thất vọng. Ảnh: AFP.
Kremlin chưa từng nhìn nhận ông Trump "qua lăng kính màu hồng"
Theo tác giả Bennets, phía Kremlin đã một mực khẳng định rằng chưa từng nhìn nhận ông Trump "qua lăng kính màu hồng". Tuy nhiên, nhiều quan chức cấp cao của Nga hiện nay lại công khai chê bai, chỉ trích việc chính phủ Mỹ coi Nga là kẻ thù số 1.
"Ông Trump cần tập trung thực hiện mấy lời hứa lúc tranh cử. Mọi thứ ông ta hứa hẹn khi đi vận động phiếu bầu của cử tri: khắc phục mối quan hệ với Nga, với Trung Quốc, tiêu diệt khủng bố", Chủ tịch Duma Quốc gia Nga (Hạ viện Nga) phát biểu trước Quốc hội nước này ngày 15/2. "Khi ông ta thực hiện những lời hứa đó, thì mọi chuyện sẽ ổn thôi".
Ông Leonid Slutsky, người đứng đầu Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội Nga đã bày tỏ sự thất vọng của mình trước sự đảo chiều 180 độ của ông Trump về Crimea và nhiều vấn đề đáng lo ngại khác: "Giống như chúng ta bị tạt nước đá vậy. [Tuyên bố của ông Trump] đã khiến những kỳ vọng của chúng ta về chính quyền Mỹ nguội lạnh".
Một số quan chức khác như thượng nghị sĩ Alexei Pushkov vẫn bảo vệ ông Trump khi cho rằng ông này vẫn giữ cam kết cải thiện quan hệ với Moskva, nhưng đã gặp phải những "trở ngại to lớn" từ thể chế chính trị của Mỹ.
Một số quan chức khác thì cho rằng ông Trump muốn tạm thời dựng vách ngăn với Nga để xoa dịu chỉ trích. Tuy nhiên, những hành động của ông sẽ trở thành vết sẹo không bao giờ lành hẳn trong mối quan hệ của hai nước Mỹ-Nga.
Mặc dù vậy, thì Tổng thống Putin vẫn có lí do để mỉm cười, ông Bennets viết. Ngay cả khi ông Trump có thực sự lừa dối người Nga đi chăng nữa, thì Kremlin vẫn đạt được một số lợi ích nhất định.
Theo nhà phân tích chính trị Nga Stanislav Belkovsky, sở dĩ các quan chức Nga vui mừng khi ông Trump đắc cử là bởi họ tin rằng điều đó cho thấy "nhược điểm của nền dân chủ Mỹ".
"Nếu xét trên quan điểm này, thì ông Putin mới là người chiến thắng", ông Belkovsky kết luận.