Bí ẩn máy bay cảm tử tấn công căn cứ Mỹ: Kẻ nào "vuốt râu hùm"?

Hòa An |

Căn cứ Không quân Ain al-Assad vừa bị tấn công bằng máy bay cảm tử. Cuộc tấn công này đã gây ra một vụ nổ lớn. Tại thời điểm bị tấn công căn cứ Ain al-Assad có 2.500 người.

Cuộc tấn công cảm tử

Sáng sớm ngày 8/5, một máy bay không người lái cảm tử đã tấn công Căn cứ Không quân Ain al-Assad. Đây là căn cứ không quân của Mỹ ở tỉnh al-Anbar thuộc miền tây của Iraq.

Trong một tuyên bố chính thức, Đại tá Wayne Marotto, người phát ngôn của liên quân do Mỹ dẫn đầu cho biết, một nhà chứa máy bay bị hư hại do cuộc tấn công của máy bay không người lái. Ông này nhấn mạnh, không có thiệt hại về người trong vụ tấn công.

Bí ẩn máy bay cảm tử tấn công căn cứ Mỹ: Kẻ nào vuốt râu hùm? - Ảnh 1.

Căn cứ Không quân Ain al-Assad của Mỹ bị tấn công bằng máy bay không người lái cảm tử.


“Cuộc tấn công đang được điều tra. Mỗi cuộc tấn công chống lại Chính phủ Iraq, Chính quyền khu vực Kurdistan và Liên minh đều nhằm mục đích làm suy yếu quyền lực của các thể chế Iraq, pháp quyền và chủ quyền quốc gia của Iraq”, Đại tá Marotto tuyên bố.

Theo báo cáo của al-Arabiya, sau cuộc tấn công, không phận trên Căn cứ Không quân Ain al-Assad đã bị đóng. Kênh tin tức có trụ sở tại UAE cho biết thêm, lực lượng an ninh Iraq hiện đang truy lùng những kẻ đứng sau vụ tấn công.

Căn cứ không quân Ain al-Assad là nơi tập trung hầu hết các lực lượng Mỹ đang còn ở lại Iraq. Ước tính có 2.500 người đang có mặt tại căn cứ. Nhiều máy bay chiến đấu và máy bay không người lái của liên quân do Mỹ dẫn đầu cũng được bố trí trong căn cứ.

Cho đến lúc này, chưa nhóm nào lên tiếng nhận trách nhiệm về vụ tấn công bằng máy bay không người lái vào Căn cứ Không quân Ain al-Assad.

Liên tiếp bị tấn công

Trong vài tháng trở lại đây, căn cứ không quân Mỹ là mục tiêu tấn công của các nhóm vũ trang người Iraq thân Iran. Tuy nhiên, tất cả các cuộc tấn công trước đó đều được thực hiện bằng tên lửa.

Tuy nhiên, đây không phải là lần đầu tiên máy bay không người lái được sử dụng trong cuộc tấn công chống lại lực lượng Mỹ ở Iraq. Vào ngày 14/4, một máy bay không người lái cũng đã tấn công cơ sở quân sự của Mỹ ở sân bay quốc tế Erbil thuộc miền bắc Iraq.

Trong những ngày đầu tháng 6 và cuối tháng 4, các căn cứ quân sự của Mỹ ở Iraq cũng đã phải đối diện với những cuộc tấn công liên tiếp bằng tên lửa.

Cuối ngày 2/5, Căn cứ Victory của Mỹ ở Iraq bị tấn công bằng rocket. Hai quả rocket đã bắn trúng địa điểm gần sân bay Baghdad. Quả rocket thứ 3 bị hệ thống phòng không C-RAM đánh chặn. Đây là cuộc tấn công thứ 2 vào Căn cứ Victory chỉ trong 10 ngày.

Một ngày sau, ngày 3/5, Căn cứ Không quân Balad ở tỉnh Salah al-Din, nơi đóng quân của lực lượng Iraq và các nhà thầu Mỹ bị tấn công bằng rocket.

Chỉ huy của căn cứ, Tướng Sahi Abdul Ameri cho biết, có tổng cộng 9-10 tiếng nổ nhưng chỉ có 3 quả rocket rơi vào căn cứ. Những quả rocket này được xác định là Katyushas 107mm.

Bức ảnh được công bố sau đó cho thấy, các bệ phóng được dán ảnh của Tướng Abu Mahdi al-Muhandis, phó chỉ huy của Lực lượng Huy động Nhân dân của Iraq và Tướng Qassim Soleimani, chỉ huy Lực lượng đặc nhiệm Quds, một đơn vị chịu trách nhiệm chính cho các hoạt động quân sự ngoài lãnh thổ của Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC).

Bên cạnh đó, các cuộc tấn công bằng bom tự chế nhằm vào các đoàn xe vận chuyển vật tư và thiết bị hậu cần cho liên quân do Mỹ dẫn đầu gần như diễn ra hàng ngày trên khắp Iraq.

Bí ẩn máy bay cảm tử tấn công căn cứ Mỹ: Kẻ nào vuốt râu hùm? - Ảnh 4.

Nhiều đoàn xe của Mỹ bị tấn công bằng bom tự chế.


Buộc lực lượng Mỹ rời khỏi Iraq

Các nhóm thân Iran ở Iraq trong những tháng gần đây đã tuyên bố sẽ tăng cường các cuộc tấn công để buộc lực lượng Mỹ đang chiếm đóng phải rời khỏi Iraq.

Theo AFP, kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức vào tháng Một, có ít nhất 30 vụ tấn công bằng tên lửa hoặc bom nhằm vào Mỹ tại Iraq, bao gồm quân đội, đại sứ quán hoặc các đoàn xe tiếp tế.

Thủ tướng Iraq Mustafa al-Kadhimi bị phe phái thân Iran cho là quá thân thiết với Washington. Mới đây, Iraq đã thảo luận về sự hiện diện của 2.500 binh sĩ Mỹ tại Iraq.

Một liên minh quân sự đã được thành lập để chống lại IS. Nhóm khủng bố này đã giành quyền kiểm soát 1/3 lãnh thổ Iraq trong một cuộc tấn công chớp nhoáng năm 2014.

Năm 2017, Iraq tuyên bố giành chiến thắng và cũng từ đây áp lực về việc rút quân Mỹ ra khỏi Iraq bắt đầu tăng. Tuy nhiên, khủng bố chưa thực sự bị đánh bại, bằng chứng là chúng vẫn thực hiện các cuộc tấn công khiến nhiều dân thường thiệt mạng.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại