Hải quân Mỹ cho biết, tàu ngầm USS Michigan đã đến Hàn Quốc ngày 13/10 để chuẩn bị tham gia cuộc tập trận hải quân vào tuần sau. Cuộc tập trận này sẽ có sự góp mặt của tàu sân bay USS Ronald Reagan, 2 khu trục hạm và các chiến hạm Hàn Quốc được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis.
Tuy nhiên, một số quan sát viên bày tỏ lo ngại về khả năng tấn công của tàu ngầm USS Michigan với 154 tên lửa hành trình tấn công mặt đất. Dường như Lầu Năm Góc đang dự định điều gì đó vượt xa mục đích phòng thủ trước những mối đe dọa đến từ Triều Tiên.
Tàu ngầm nguyên tử USS Michigan. (Ảnh: AP)
Sự lo ngại của các quan sát viên càng bị đẩy lên cao hơn nữa khi trên thực tế chỉ 2 ngày trước khi tàu USS Michigan tới Hàn Quốc, báo chí Hàn Quốc đã xác nhận còn 1 tàu ngầm nguyên tử USS Tucson mang theo 24 tên lửa hành trình Tomahawk hoặc ngư lôi, đã đến quân cảng Jinhae của Hàn Quốc vào ngày 7/10.
Hãng tin Yonhap của Hàn Quốc cho biết, con tàu này rời khỏi cảng ngay sau khi hoàn tất việc bổ sung nhu yếu phẩm và di chuyển về vị trí không xác định. Yonhap dẫn từ nguồn tin ở Bộ quốc phòng Hàn Quốc cho biết, Hải quân Mỹ không tiết lộ về điểm đến của tàu USS Tucson, cũng như cho biết những chuyến ghé không báo trước và không có kế hoạch của chiến hạm Mỹ thường xảy ra.
Một số quan sát viên Hàn Quốc tỏ ra nghi ngờ về lý do khiến 2 tàu ngầm của Mỹ có mặt cùng lúc ở vùng biển quanh nước này bởi đây là điều hiếm khi xảy ra.
Lần cuối cùng 2 tàu ngầm nguyên tử của Mỹ hiện diện cùng lúc ở khu vực này là vào khoảng tháng 4 và tháng 5/2017, khi tổng thống Mỹ Donald Trump vô tình để lộ ra thông tin này khi đưa ra lời nhận xét về tổng thống Philippines Rodrigo Duterte.
Tàu ngầm nguyên tử USS Tucson hiện được cho là có mặt tại khu vực biển Nhật Bản và nhiều khả năng sẽ tham gia cuộc tập trận chung giữa Hải quân Mỹ và Hải quân Hàn Quốc vào tuần tới.
Trong bối cảnh quan hệ giữa Mỹ và Triều Tiên vẫn tiếp tục căng thẳng trong thời gian gần đây, sự hiện diện cùng lúc của 2 tàu ngầm nguyên tử của Mỹ tại khu vực thực sự là 1 bí ẩn.
Một vài quan sát viên, trong đó có nhà báo và chuyên gia Triều Tiên Andrei Olfert tỏ ra quan ngại về chiều hướng leo thang của căng thẳng tại bán đảo Triều Tiên. Chuyên gia này cho biết: "Không thể chắc chắn về việc nhóm vũ khí chiến lược của Mỹ này sẽ không được sử dụng để mở chiến dịch quân sự chống lại Triều Tiên".
Vị chuyên gia này cảnh báo, khả năng tấn công của tàu ngầm USS Tucson và đặc biệt là USS Michigan khiến người ta khó có thể khẳng định rằng 2 tàu ngầm nguyên tử này chỉ làm duy nhất nhiệm vụ bảo vệ biên đội tàu sân bay của Mỹ trong cuộc tập trận chung sắp tới giữa Mỹ và Hàn Quốc.
Thêm vào đó, trong học thuyết của Hải quân Mỹ cũng có ghi rõ các tàu ngầm nguyên tử có thể được sử dụng để triển khai đội đặc nhiệm SEAL và các đơn vị đặc nhiệm khác trong trường hợp xảy ra chiến tranh.
Tàu ngầm nguyên tử USS Michigan. (Ảnh: Naval Today)
Chuyên gia Olfert nhận định: "Bình Nhưỡng đã không phản ứng với bất cứ cuộc tập trận hàng không nào ở xung quanh biên giới của mình mặc dù nhiều lần đe dọa phản ứng lại.
Tuy nhiên, động thái từ phía Mỹ và Hàn Quốc có thể sẽ khiến Triều Tiên phản ứng cả trên không lẫn trên biển. Với kịch bản này, ‘nhiệm vụ bí mật’ của tàu ngầm Mỹ sẽ trở nên rõ ràng".