Hàng loạt căn cứ không quân Nga bị tấn công
Nga cáo buộc Ukraine tấn công UAV nhằm vào một sân bay bên trong lãnh thổ nước này ngày 6/12. Trước đó, Moscow cũng cho rằng Kiev đứng sau các vụ nổ tại 2 căn cứ không quân nằm sâu trong lãnh thổ của Nga. Nếu được xác nhận, điều này cho thấy Ukraine đã có khả năng tấn công vào lãnh thổ Nga.
Theo nhà quan sát Mary Ilyushina nhận định trên Washington Post, các cuộc tấn công trên đã tiết lộ các điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Nga và gửi đi tín hiệu tới Moscow rằng, các cơ sở và phương tiện quân sự quan trọng của Nga không còn nằm ngoài giới hạn tấn công của quân đội Ukraine.
Các nhà chức trách tại thành phố Kursk của Nga, nằm ngay phía Bắc Ukraine cho biết cuộc tấn công UAV ngày 6/12 đã khiến một kho chứa nhiên liệu trong sân bay bốc cháy.
2 căn cứ không quân bị UAV tấn công ngày 5/12 là căn cứ Engels-2 ở khu vực Saratov và căn cứ Dyagilevo ở Ryazan. Đây là nơi đặt những máy bay ném bom không chỉ có thể mang tên lửa chiến lược, được sử dụng để tấn công vào các cơ sở hạ tầng của Ukraine, mà còn có thể mang vũ khí hạt nhân và là một phần quan trọng trong lực lượng răn đe hạt nhân của Nga.
Các cuộc tấn công UAV vào các sân bay của Nga. Ảnh: Viện Nghiên cứu Chiến tranh
Ukraine vẫn chưa chính thức nhận trách nhiệm về các cuộc tấn công và mập mờ về vai trò của mình trong một số vụ nổ xảy ra tại các địa điểm quân sự có tầm quan trọng chiến lược của Nga trong những tháng gần đây.
Tuy nhiên, một quan chức cấp cao giấu tên Ukraine đã thảo luận về chiến dịch nhạy cảm này và nhận định với Washington Post ngày 6/12 rằng tất cả 3 cuộc tấn công trên đều do các UAV Ukraine thực hiện.
"Đây là những UAV rất thành công và hiệu quả của Ukraine", quan chức trên cho hay. Bộ Quốc phòng Nga đã đổ lỗi cho Ukraine về các cuộc tấn công UAV mới đây, song cho biết thiệt hại của nước này rất hạn chế.
Tiết lộ điểm yếu trong hệ thống phòng không của Nga?
Hiện chưa rõ các lực lượng vũ trang của Ukraine tiến hành cuộc tấn công trên như thế nào, loại UAV nào được sử dụng hoặc chúng được phóng từ lãnh thổ của Ukraine hay từ bên trong lãnh thổ Nga với sự hỗ trợ của các lực lượng đặc biệt gần mục tiêu. Các chuyên gia quân sự vẫn đang tìm lời giải cho việc các cuộc tấn công UAV trên đã lọt qua hệ thống phòng không Nga như thế nào.
"Nga tự tin rằng họ luôn sẵn sàng trước các cuộc tấn công của NATO khi sở hữu nhiều phương tiện quân sự trên không và vũ khí dẫn đường chính xác. Nhưng trong trường hợp này, điều gì đã xảy ra?", Samuel Bendett, nhà phân tích quân sự thuộc nhóm nghiên cứu CNA có trụ sở tại Virginia, Mỹ cho hay trong một cuộc trả lời phỏng vấn.
Quân đội Nga cho biết Ukraine đã sử dụng các UAV thời Liên Xô. Alexander Kots, một chuyên gia quân sự nhận định, căn cứ không quân Engels bị tấn công bằng UAV Tu-141 Strizh thời Liên Xô, sử dụng công nghệ từ những năm 1970.
"Nếu radar và hệ thống phòng không của Nga không thể đánh bại Tu-141 bay cách hàng trăm km tấn công vào căn cứ không quân của họ thì điều đó cho thấy họ không có nhiều khả năng ngăn chặn một cuộc tấn công tên lửa hành trình quy mô lớn", Rob Lee, chuyên gia quân sự Nga đồng thời là một học giả cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại cho hay trên Twitter.
Ukraine vẫn có một số UAV Tu-141 trong kho dự trữ và có thể nâng cao khả năng của nó, ông Bendett bình luận.
Chương trình phát triển UAV của Ukraine
Những cuộc không kích trên cũng thu hút sự chú ý của dư luận đối với chương trình chế tạo UAV của Ukraine và những nỗ lực gần đây của nước này nhằm phát triển UAV chiến đấu tầm xa. Nhà sản xuất vũ khí nhà nước Ukraine Ukroboronprom đã tiết lộ vào tháng trước rằng nước này thử nghiệm một UAV tấn công mới có tầm bắn lên tới 1.000 km và tải trọng 75kg.
"Trong giai đoạn tiếp theo của cuộc thử nghiệm UAV, chúng tôi đã sẵn sàng tiến hành chuyến bay thử trong điều kiện chiến tranh điện tử", công ty này cho hay trên Facebook ngày 24/11.
Hiện chưa có bằng chứng nào cho thấy UAV mới đã được sử dụng trong các cuộc tấn công trên nhưng ông Bendett cho biết chúng có lẽ hiện đại hơn UAV thời Liên Xô.
Nếu Ukraine thực sự phát triển khả năng tấn công vào trong lãnh thổ Nga , điều này sẽ gây lo ngại sâu sắc cho Moscow, các quan chức phương Tây nhận định ngày 6/12. Cuộc tấn công vào căn cứ Engels có ý nghĩa quan trọng, một phần là bởi điều đó buộc Nga phải phân tán các máy bay ném bom tầm xa tại địa điểm này sang các vị trí khác.
"Điều này chắc chắn khiến Nga ít tự tin hơn vào mức độ an toàn của nơi này. Đó là một đòn tấn công tâm lý", một quan chức phương Tây giấu tên nhận định.
Tổng thống Nga Vladimir Putin đã nhiều lần ám chỉ về kho hạt nhân của nước này, đồng thời cho biết Moscow đang chuẩn bị các biện pháp để ngăn chặn phương Tây can thiệp vào cuộc xung đột ở Ukraine cũng như sẵn sàng đáp trả nếu Kiev tấn công vào các cơ sở hạ tầng nằm trong lãnh thổ Nga.
Bên cạnh ý nghĩa biểu tượng khi các cuộc tấn công trên nhắm vào các căn cứ không quân có liên quan đến khả năng răn đe hạt nhân của Nga, điều này còn tác động trực tiếp đến chiến lược của Nga trên chiến trường Ukraine.
"Trên thực tế, đây là một vấn đề quan trọng với Bộ Quốc phòng Nga. Họ cần bố trí nhiều hệ thống phòng thủ hơn nhưng vấn đề là cả Nga và Ukraine đều có số lượng vũ khí phòng không hạn chế", Ruslan Leviev, nhà phân tích tại Đội ngũ Tình báo Xung đột cho hay.
Ông Leviev cũng dẫn ra những bài báo cho rằng Moscow đã huy động một số hệ thống phòng không trước đó được cung cấp tới Syria để hỗ trợ bảo vệ các lực lượng trên tiền tuyến trải dài hàng nghìn km của Nga.
Vài tiếng sau các cuộc không kích vào các căn cứ không quân ngày 5/12, Moscow đã tiến hành cuộc tập kích tên lửa thứ 8 ở Ukraine nhằm vào các cơ sở hạ tầng quan trọng của nước này.
Lập trường của phương Tây
Phát biểu trước báo giới ở Washington ngày 6/12, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cho biết mạng lưới năng lượng của Ukriane thường xuyên đối mặt với các cuộc tấn công của Nga. Khi được hỏi liệu ông có cho rằng các cuộc không kích của Ukraine nhằm vào lãnh thổ Nga là hợp pháp hay không, ông Blinken trả lời rằng Mỹ "không khuyến khích cũng không tạo điều kiện" để Kiev tấn công vào lãnh thổ Nga.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Ned Price cho biết: "Chúng tôi không cung cấp cho Ukraine vũ khí được sử dụng để tấn công vào trong lãnh thổ Nga, Chúng tôi khẳng định rất rõ rằng đó là những vũ khí phòng thủ. Chúng tôi không khuyến khích và không tạo điều kiện để Ukraine tấn công bên ngoài lãnh thổ của mình".
Ngoài ra, trước câu hỏi liệu có phải Mỹ đang nỗ lực để ngăn cản Ukraine tự phát triển năng lực tấn công vào trong lãnh thổ Nga hay không, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin khẳng định: "Không. Hoàn toàn không phải như vậy".
Mới đây, Wall Street Journal đưa tin ngày 5/12. các bệ phóng tên lửa HIMARS mà Ukraine nhận được từ Mỹ đã được "bí mật chỉnh sửa" nhằm khiến Kiev không thể sử dụng để phóng tên lửa tầm xa hơn.
Theo trang này, những sửa đổi "phản ánh sự e ngại của giới chức Mỹ rằng Ukraine có thể phá bỏ lời hứa không tấn công vào lãnh thổ Nga bằng vũ khí do Mỹ cung cấp", cũng như mong muốn của chính quyền Tổng thống Joe Biden là "giảm thiểu rủi ro xảy ra một cuộc chiến rộng hơn" với Nga.