Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư

TS. Nguyễn Đức Hải |

Mối liên hệ giữa béo phì và ung thư là một trong những điều được quan tâm trong những năm gần đây của các nhà khoa học.

Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy, ung thư có liên quan tới khả năng miễn dịch của cơ thể; mà khi béo phì thì khả năng miễn dịch của cơ thể giảm.

1. Vì sao béo phì liên quan đến ung thư?

Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, đái tháo đường, mà theo Viện Nghiên cứu Ung thư Hoa Kỳ (AICR), béo phì có thể làm tăng tỉ lệ mắc các bệnh ung thư ở các vùng như cuống họng, tụy, đại trực tràng, nội mạc tử cung, vùng ngực sau mãn kinh, thận…

Bên cạnh đó, béo phì cũng làm tăng nguy cơ bị ung thư máu ác tính.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, ung thư có liên quan tới khả năng miễn dịch của cơ thể. Khi chức năng miễn dịch suy giảm thì cơ thể dễ bị tế bào ung thư tấn công.

Trong một cơ thể khỏe mạnh, chỉ cần có tế bào ung thư xuất hiện thì màng tế bào lập tức sinh ra kháng nguyên đặc biệt, còn tế bào miễn dịch trong cơ thể sẽ diệt các tế bào có kháng nguyên ung thư này. Khi chức năng miễn dịch của tế bào giảm, khả năng tự bảo vệ của cơ thể yếu thì tế bào ung thư sẽ sinh sôi.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư - Ảnh 1.

Các nghiên cứu cũng cho thấy, ung thư có liên quan tới khả năng miễn dịch của cơ thể.

Phần lớn người béo phì đều mắc chứng cholesterol trong máu cao và insulin trong máu cao, khiến lượng cholesterol trong tế bào miễn dịch tăng cao, làm giảm khả năng diệt tế bào ung thư của hệ miễn dịch trong cơ thể. Mặt khác insulin có khả năng ức chế tế bào miễn dịch, lại có tác dụng thúc đẩy tăng sinh tế bào. Nếu trong cơ thể có tế bào xuất hiện biến chứng ung thư thì nó sẽ thúc đẩy tăng sinh tế bào ung thư.

Thêm vào đó, khi mỡ trong máu cao khiến khả năng đông máu tăng làm giảm hoạt tính phân giải anbumin sợi, từ đó dễ dẫn đến hình thành ổ ung thư trong mạch máu. Tế bào ung thư trong ổ ung thư không những khó bị tiêu diệt bởi tế bào miễn dịch trong máu mà ngược lại dễ dẫn theo máu chạy khắp cơ thể. Đây chính là nguyên nhân di căn tế bào ung thư.

Một cuộc khảo sát nghiên cứu do Trung tâm Ung thư M.D. Anderson ở Houston (Mỹ) tiến hành cho thấy những phụ nữ thừa cân có nguy cơ bị ung thư màng tử cung cao gấp 4 lần so với người bình thường và tỷ lệ này ở những phụ nữ bị béo phì là gấp 6 lần. Ngoài ra, những phụ nữ mắc bệnh béo phì cũng dễ bị ung thư vú và đại tràng.

2. Cách nào để phòng ngừa?

Nguyên nhân chính gây ra thừa cân và béo phì là do sự mất cân đối giữa lượng calo nạp vào và lượng calo tiêu thụ, chẳng hạn như do ăn nhiều thức ăn có năng lượng và hàm lượng chất béo cao hoặc do tính chất công việc đòi hỏi phải ngồi một chỗ, ít vận động.

Theo cơ quan Nghiên cứu Quốc tế về Ung thư (IARC), hiện có đầy đủ bằng chứng khoa học để kết luận rằng việc tránh tăng cân có thể mang lại hiệu quả phòng ngừa các loại ung thư đại trực tràng, nội mạc tử cung, thận, cổ họng.

Đối với ung thư vú sau mãn kinh thì vẫn chưa có đủ bằng chứng khoa học để có thể kết luận rằng tránh tăng cân giúp phòng ngừa loại ung thư này. Trong khi một số nghiên cứu đã đưa ra kết luận rằng phụ nữ có chỉ số BMI từ 27 – 28 trở lên có nguy cơ ung thư vú sau mãn kinh tăng từ 10 % đến 60 %.

Béo phì làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh ung thư - Ảnh 2.

Nguyên nhân chính gây ra thừa cân và béo phì là do sự mất cân đối giữa lượng calo nạp vào và lượng calo tiêu thụ

Để phòng ngừa ung thư liên quan đến béo phì, một trong những yếu tố quan trọng nhất là giữ được trọng lượng cơ thể hợp lý trong suốt cuộc đời thông qua các hoạt động thể chất một cách thường xuyên.

Bên cạnh đó, việc hạn chế uống rượu và ăn nhiều thức ăn có nguồn gốc từ động vật cũng sẽ giúp làm giảm nguy cơ ung thư do béo phì.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại